|
Vẽ minh họa cho Quốc văn giáo khoa thư
Trong báo cáo của Tổng nha Học chính Đông Dương năm 1937 về ba trường mỹ thuật Đông Dương: Hà Nội, Nông Pênh, Biên Hòa có đoạn viết: “Việc dạy vẽ hình họa và trang trí do một giáo sư chuyên ngành bậc hai, ông Nam Sơn, là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông Nam Sơn đã đạt được những thành quả đáng khen ngợi trong việc đào tạo giáo dục và đóng góp một phần quan trọng trong việc phục hưng nền mỹ thuật truyền thống An Nam đồng thời đó cũng là chủ thuyết và hiến chương của nhà trường”.
Từ nhỏ, Nam Sơn đã bộc lộ năng khiếu về hội họa. Lúc học chữ Nho ông đã được thầy dạy vẽ thêm. Từ những kiến thức theo lối vẽ Á Đông, Nam Sơn tiếp tục mày mò tự học để thành một họa sĩ tài năng.
Năm 18 tuổi, dù được nhận vào làm ở Sở Tài chính Hà Nội nhưng trái tim của ông vẫn đập nhịp theo sắc màu hội họa. Và điều may mắn đã đến với ông là trong thời điểm này, Nha Học chính Đông Pháp giao cho các nhà giáo Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận... biên soạn các bộ sách giáo khoa như Quốc văn giáo khoa thư... Để tìm người vẽ minh họa cho các bài học trong sách, các thầy được mọi người giới thiệu đến Nam Sơn. Được lời như cởi tấm lòng, họa sĩ Nam Sơn đã toàn tâm toàn ý làm tròn nhiệm vụ được giao. Hữu xạ tự nhiên hương. Các tờ báo như Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí... đã mời ông minh họa. Tiếng tăm của Nam Sơn dần dần được nhiều người biết đến. Từ năm 1923, Nha học chính đã mời ông sang chuyên trách trình bày các ấn phẩm giáo khoa.
|
Một nền mỹ thuật Đông phương có cá tính Việt Nam
Một điều may mắn nữa là ông đã được gặp họa sĩ Victor Tardieu khi ông này mới chân ướt chân ráo sang Việt Nam. Từ đó, họ gắn bó với nhau như hình với bóng và cùng học tập lẫn nhau. Nếu Nam Sơn hướng dẫn cho Victor Tardieu thấu hiểu những nét đẹp trầm mặc Á Đông qua điêu khắc, chạm trổ trên các đình chùa, lăng miếu thì ngược lại Victor Tardieu dạy cho Nam Sơn phương pháp tiếp cận với chất liệu hội họa phương Tây hiện đại. Khi Victor Tardieu nhận lời thực hiện bức sơn dầu khổ lớn trang trí cho giảng đường Đại học Y khoa Hà Nội thì Nam Sơn đã đóng góp nhiều công sức cho người thầy, người bạn của mình.
|
Từ năm 1923, Nam Sơn đã trao cho Victor Tardieu bản Đề cương Mỹ thuật Việt Nam. Có thể xem đây là một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng trường mỹ thuật đầu tiên của nước nhà. Trong đề cương có đoạn: “Lập nên một trường đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì nền tảng mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền mỹ thuật Đông phương có cá tính Việt Nam. Vậy phải một mặt duy trì cái đã có, sưu tập lấy các tác phẩm Đông phương, Việt Nam; mở một nhà bảo tàng viện...”.
Khi đọc xong bản đề cương này, Victor Tardieu càng thêm vững tâm, ông hăng hái gửi đơn lên chính quyền xin mở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ít lâu sau, Victor Tardieu cùng Nam Sơn sang Pháp để chuẩn bị cho việc giảng dạy. Đặc biệt trong chuyến đi này, Victor Tardieu đã giới thiệu Nam Sơn vào học Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris. Cũng trong thời gian này, ông đã kết bạn với hai danh họa nổi tiếng là Fonjita (Nhật Bản) và Từ Bi Hồng (Trung Quốc).
Có một chi tiết tưởng cũng nên nhắc lại: đúng lúc trở về Việt Nam để tổ chức tuyển sinh thì chẳng may Victor Tardieu bị ốm, phải ở lại Pháp. Thế là Nam Sơn phải đứng ra cáng đáng mọi công tác hành chính để trường khai giảng đúng thời gian quy định. Những học viên khóa 1 có nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Georges Khánh... Tính từ năm 1925 -1945, trường này đã đào tạo cho nền hội họa nước nhà biết bao nhân tài.
Theo nhà lý luận phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân: “Ta có gì để cảm ơn Trường Mỹ thuật Đông Dương không? Có. Đó là những bài học theo tinh thần khoa học mà mọi người văn minh phải biết. Trường Mỹ thuật Đông Dương truyền thụ cái nhìn theo phép viễn cận khoa học đã được hoàn chỉnh từ thời Phục hưng nước Ý...”. Dưới sự điều hành của Victor Tardieu và Nam Sơn, bộ máy thuộc địa của thực dân Pháp không mấy hài lòng về nhà trường vì chúng thấy không đạt hiệu quả kinh tế nên đối xử thô bạo là tìm cách đóng cửa! Nhằm phản ứng lại thái độ thực dân và hành động phi văn hóa như thế, Victor Tardieu và Nam Sơn đã bàn với nhau phải tổ chức cuộc triển lãm để đánh động dư luận.
Cuộc trưng bày đầu tiên này đã diễn ra vào năm 1928 ngay tại nhà trường. Ta thấy có tranh Thiếu nữ rũ tóc của Lê Phổ, Thiếu nữ ngồi trên sập của Mai Trung Thứ, Ông già của Lê Thị Lựu, Cò trắng và cá vàng, Chợ gạo trên tả ngạn sông Hồng của Nam Sơn, Hai vợ chồng nông dân trục lúa của Nguyễn Phan Chánh... ngoài ra còn có bài viết Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại của Tô Ngọc Vân. Dư luận rất hoan nghênh thành quả nghệ thuật mà nhà trường đã đạt được qua cuộc triển lãm này.
Với trường hợp Nam Sơn, thật ra trước đó ông đã có nhiều cuộc triển lãm khác nhau. Năm 1923, tại nhà Khai Trí Tiến Đức, Nam Sơn tham gia bằng hai tác phẩm sơn dầu Chân dung nhà nho và Tĩnh vật cùng với tác phẩm của họa sĩ Thang Trần Phềnh, nhà điêu khắc Nguyễn Đức Thục. Năm 1927, ông đã triển lãm tại trường hai tác phẩm Chân dung cụ Sùng Ấm Tường và Về chợ rất được mọi người chú ý. Nhưng phải đợi đến sự kiện năm 1930 - mà báo Trung Bắc tân văn số ra ngày 8.8.1930 đã ghi nhận: “Đây là lần đầu tiên tác phẩm hội họa Việt Nam có mặt tại triển lãm ở Paris”. Đó là lúc Nam Sơn tham gia triển lãm của Hội Các họa sĩ Pháp ở Paris với tác phẩm mực nho Chợ gạo bên sông Hồng. Bộ Mỹ thuật Pháp đã mua bức tranh này để đưa vào bảo tàng. Có thể nói, bắt đầu từ những tháng năm này, hội họa Việt Nam hiện đại đã bắt đầu hình thành và khởi động.
Ngay sau ngày giành được độc lập, Nam Sơn đã được chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sớm trọng dụng. Năm 1946, ông cùng với các ông Vĩnh Thụy (Bảo Đại) cố vấn chính phủ, học giả Đào Duy Anh và Ngô Đình Nhu được mời tham gia Hội đồng Cố vấn Học viện Đông phương bác cổ. Từ năm 1957 ông là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam cho đến lúc qua đời.
Nam Sơn tên thật là Nguyễn Vạn Thọ (1890 - 1973), quê H.Yên Lạc, Vĩnh Phúc (trước là H.Yên Lãng, Vĩnh Yên). Ông đã sáng tác trên 400 tác phẩm hội họa theo nhiều thể loại, trong đó đáng chú ý: Bức tranh Chợ gạo bên sông Hồng (mực tàu trên vải, 1930, Triển lãm hội họa Paris) là tác phẩm Việt Nam đầu tiên được Pháp mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp; Chân dung mẹ tôi là tác phẩm Việt Nam đầu tiên được giải quốc tế về sơn dầu, huy chương bạc Triển lãm mỹ thuật quốc tế - Paris 1932; Cò trắng và cá vàng (khắc gỗ 7 màu, 1929), bằng khen Roma (Ý), 1932); Chân dung nhà Nho (tranh sơn dầu, 1923); là một trong những bức tranh sơn dầu đầu tiên của hội họa Việt Nam; Thiếu nữ nông thôn (tranh lụa) được Bộ Giáo dục và Mỹ thuật Pháp mua năm 1935... |
Lê Minh Quốc
Bình luận (0)