Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 13: Thẩm Thúy Hằng - người đẹp Bình Dương

16/03/2013 00:40 GMT+7

Trước năm 1975, danh hiệu Người đẹp Bình Dương được dành riêng cho Thẩm Thúy Hằng, một trong những ngôi sao điện ảnh được ái mộ nhất ở miền Nam lúc bấy giờ.

>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 12: Thanh Lan - nghệ sĩ đa tài

Được tặng biệt danh như thế, không phải vì Thẩm Thúy Hằng quê ở Bình Dương, mà vì cô bắt đầu nổi tiếng sau khi đóng vai Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương của Hãng Mỹ Vân. 

Chạm ngõ điện ảnh

Thẩm Thúy Hằng sinh năm 1941 tại Hải Phòng, có tên trong khai sinh là Nguyễn Kim Phụng. Cô theo gia đình di cư  vào Nam và ngụ tại thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Lúc nhỏ, Kim Phụng học ở Trường tiểu học Huỳnh Văn Nhứt tại thị xã này. Hết cấp tiểu học, Kim Phụng lên Sài Gòn ở với người chị để theo học tiếp trung học tại Trường Huỳnh Thị Ngà, Tân Định.

Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 13: Thẩm Thúy Hằng - người đẹp Bình Dương
Ảnh: Tư liệu

Năm 1957, Kim Phụng được 16 tuổi, học lớp đệ tứ (lớp 9), nổi tiếng là hoa khôi tuổi mới lớn trong giới học sinh. Vào thời điểm ấy, Hãng phim Mỹ Vân của ông bà Lưu Trạch Hưng tổ chức một cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh. Cô gái trẻ Kim Phụng trốn gia đình, lén lút dự thi cùng 2.000 cô gái đẹp khác khắp miền Nam. Với nhan sắc đặc biệt và tài năng thiên phú, Kim Phụng xuất sắc đoạt giải nhất. Ông bà Mỹ Vân đặt cho Kim Phụng nghệ danh Thẩm Thúy Hằng và gửi cô qua Hồng Kông dự một khóa đào tạo diễn xuất điện ảnh.

Từ đây, cô gái trẻ 16 tuổi mang tên mới Thẩm Thúy Hằng nắm được chìa khóa vàng để mở cổng vào khu vườn nghệ thuật thứ bảy. Và chỉ vài bước ngắn thôi, Thẩm Thúy Hằng đã bắt đầu tiến tới đỉnh vinh quang. Với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong  phim Người đẹp Bình Dương, ra mắt công chúng năm 1958 và của Hãng phim Mỹ Vân do nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn, sắc đẹp và nét diễn tự nhiên của Thẩm Thúy Hằng chinh phục đông đảo khán giả. Biệt danh “Người đẹp Bình Dương” đi đôi với tên Thẩm Thúy Hằng suốt cuộc hành trình nghệ thuật của một ngôi sao sáng được quần chúng ái mộ.

 
Nhờ vào nhan sắc và tài năng thiên phú, Thẩm Thúy Hằng  đã nhiều lần nhận được những giải thưởng quốc tế quan trọng: 2 lần  đoạt giải diễn viên xuất sắc Á Châu tại Liên hoan phim Đài Bắc; Được tôn vinh Ảnh hậu  trong Liên hoan phim Á Châu tại Hồng Kông và Đài Bắc năm 1972 và 1974; Nữ diễn viên khả ái nhất ở Liên hoan phim Moscow và Tasken tại Liên xô, vượt qua những nữ diễn viên xinh đẹp đến từ Đông u, Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản...        

Ngoài vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương, một vai diễn khác cũng rất thành công của Thẩm Thúy Hằng đã gây thêm tiếng vang góp phần đưa tên tuổi cô diễn viên trẻ lên nấc thang danh vọng. Đó là vai Chức Nữ trong  phim Ngưu Lang Chức Nữ cũng  do Hãng phim Mỹ Vân sản xuất, nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn và nhạc sĩ Phạm Duy soạn nhạc nền cho phim. Trong nhạc cảnh Chức nữ về trời, khán giả xem phim ngất ngây trước hình bóng nàng Chức Nữ đẹp lộng lẫy bay giữa sương khói cùng tiếng hát và điệu nhạc tuyệt vời. 

Bước lên đài danh vọng

Sau khi trở thành ngôi sao điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng được nhiều hãng phim liên tục mời cộng tác, luôn giữ những vai quan trọng với tiền thù lao cao ngất trời, một triệu đồng cho mỗi phim, tức là gần đến 10% số tiền dành cho việc sản xuất bộ phim. Đáp lại, sự có mặt của Thẩm Thúy Hằng bảo đảm cho nhà sản xuất thu nhập được số tiền lớn hơn vốn đã xuất ra.

Qua số lượng đồ sộ gần 50 phim với Thẩm Thúy Hằng tham gia, có thể kể những bộ phim thu hút đông khán giả: Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự tích trầu cau, Bạch Vân Tôn Cát,  Nửa hồn thương đau, Đôi mắt huyền, Dang dở, Tơ tình, Oan ơi Ông Địa , Bóng người đi, Ngậm ngùi, Sóng tình,  Mười năm giông tố, Xin đừng bỏ em... Trong những phim ấy, Thẩm Thúy Hằng đã sánh vai với nhiều diễn viên nổi tiếng khác lúc bấy giờ: La Thoại Tân, Trần Quang, Thành Được, Kim Cương, Thanh Thúy, Túy Hoa, Út Bạch Lan...

Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn thành đạt trong các loại hoạt động ca nhạc, kịch nói, cải lương. Trước năm 1975, Thẩm Thúy Hằng thường xuyên xuất hiện trên sân khấu Đại nhạc hội để hát tân nhạc. Một số ca khúc do Thẩm Thúy Hằng thể hiện khá thành công như: Hai chuyến tàu đêm của Trúc Phương và Tình lỡ của Thanh Bình.

Trong lĩnh vực sân  khấu, ban kịch Thẩm Thúy Hằng được xếp vào hàng “top ten” của những ban kịch nổi tiếng thời bấy giờ như: Kim Cương, Mộng Tuyền, Dân Nam, Tân Dân Nam, Duy Lân, La Thoại Tân, Túy Hoa - Túy Phượng... Thẩm Thúy Hằng không chỉ đóng vai trò trưởng ban kịch mà còn viết kịch bản, thủ vai chính. Một số vở kịch phát trên sóng truyền thanh và trên màn ảnh nhỏ thời ấy có sự góp mặt của Thầm Thúy Hằng được nhiều khán giả không quên là: Sông dài, Vũ điệu trong bóng mờ, Người mẹ già, Đôi mắt bằng sứ, Suối tình, Dạt sóng…

Sống giữa Sài Gòn xa hoa đầy những thú ăn chơi thời thượng, nhiều giai nhân thời bấy giờ không giữ được mình, vướng vào những  chuyện  xấu xa. Trong khi đó, Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng là người đẹp nhất lại hầu như không có chút tai tiếng gì.

Thẩm Thúy Hằng cùng với Thanh Nga là hai nghệ sĩ được công chúng ái mộ nhất trong thời gian dài, hình ảnh hai người thường xuyên xuất hiện  trên bìa các báo xuân và lịch tết. Mỗi người mỗi vẻ, họ đều là biểu tượng của sắc đẹp, một người là “Nữ hoàng điện ảnh”, người kia là “Nữ hoàng sân khấu”. Người ta thường nghĩ và nói: “Hồng nhan đa truân”. Thanh Nga đã được mọi người quý mến nhưng lại bị kết thúc cuộc đời một cách bi thảm. Còn Thẩm Thúy Hằng, cũng là một mỹ nhân được công chúng yêu thương, số phận sau đó thế nào? (còn tiếp)   

Đạo diễn Lê Dân

>> Cuộc đời Thẩm Thúy Hằng lên phim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.