Người điều hành Ai Cập thời quá độ

16/02/2011 23:52 GMT+7

Người đang điều hành Ai Cập thời “hậu Mubarak” là một nhân vật bị đánh giá là không mặn mà với cải cách.

Chủ tịch Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập Mohamed Hussein Tantawi hiện là lãnh đạo cao nhất tại nước này, sau khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức hôm 11.2 và giao quyền điều hành đất nước cho quân đội. Nhiều người đang kỳ vọng vào những thay đổi sau khi ông Mubarak phải ra đi sau 30 năm cầm quyền, nhưng cũng có nhiều ý kiến lo ngại vì cho rằng ông Tantawi cũng là “đệ tử” của tổng thống bị lật đổ.

“Chống lại sự thay đổi”

Ông Tantawi, 75 tuổi, mang hàm nguyên soái đồng thời đang giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Theo CNN, ông từng tham gia cuộc chiến Sinai của Ai Cập chống Anh, Pháp và Israel vào năm 1956. Ông cũng tham gia các cuộc xung đột với Israel vào các năm 1967 và 1973. Kể từ khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng năm 1991, ông Tantawi có quyền quyết định gần như tuyệt đối trong quân đội.

Theo Reuters, ngay khi nắm quyền điều hành đất nước hôm 11.2, quân đội Ai Cập nhanh chóng cam kết họ sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân, cũng như cam kết tôn trọng những hiệp ước khu vực và quốc tế mà Ai Cập đã ký kết. Quân đội cũng đã giải tán Quốc hội và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử dân chủ sau khoảng 6 tháng nữa.

Tuy nhiên, những ai hy vọng ông Tantawi sẽ mở ra một thời đại mới cho nền dân chủ Ai Cập được khuyên đọc kỹ những nhận xét của Đại sứ quán Mỹ trong một bức mật điện vào tháng 3.2008. Vừa được website WikiLeaks tiết lộ, bức điện viết: “Ông ấy và Mubarak tập trung vào sự ổn định chế độ và duy trì hiện trạng suốt thời gian cầm quyền. Họ tuyệt đối không có nghị lực, xu hướng và tầm nhìn để cải cách”. Cũng theo bức điện này, ông Tantawi “có sức hút và nhã nhặn”, nhưng cũng “già cỗi và chống lại sự thay đổi”.

Ông Tantawi cũng không có được sự hậu thuẫn của sĩ quan và binh lính thuộc quyền. Theo CNN, một bức thư tín ngoại giao khác dẫn lời một số sĩ quan Ai Cập giấu tên mô tả ông Tantawi “giống như một công chức”, “bất tài” và thậm chí là “con chó xù của Mubarak”. Website phân tích quân sự Globalsecurity.org cũng nhận định “tinh thần sẵn sàng về chiến thuật và hành động của các lực lượng vũ trang Ai Cập đã xuống cấp” trong thời gian ông lãnh đạo.

Cơ hội và thách thức

Theo BBC, ông Tantawi được xem là một trong những ứng viên khả dĩ trở thành tổng thống tiếp theo của Ai Cập. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng tuổi cao và sức khỏe kém là những rào cản đối với ông. Tiết lộ của WikiLeaks và đánh giá của Globalsecurity.org cũng đang gây nghi ngờ về cam kết cải cách theo hướng dân chủ của vị nguyên soái này.

Tuy nhiên, ông Tantawi cũng được ca ngợi vì quân đội Ai Cập dưới sự lãnh đạo của ông đã không ra tay đàn áp các cuộc biểu tình chống ông Mubarak. Họ cũng được xem là ít tàn bạo và tham nhũng hơn lực lượng cảnh sát, theo BBC. Cũng có chuyên gia nhận định sự kiềm chế của quân đội trong suốt 18 ngày máu lửa vừa qua là nhằm quan sát tình hình và chờ cơ hội mượn tay nhân dân thực hiện “đảo chính mềm”.

Báo The New York Times nhận định Nguyên soái Tantawi là nhân vật quân sự mạnh nhất trong giai đoạn hiện nay. Nhưng Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập còn có một thành viên nặng ký khác là Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ai Cập Sami Hafez Enan, 63 tuổi. Trẻ tuổi hơn Bộ trưởng Tantawi, trung tướng Enan sẽ có khả năng được cất nhắc vào một vị trí cao cấp hơn sau các cuộc bầu cử. Ngoài ra, ông này còn có được cảm tình của Mỹ sau khi tỏ ra “đồng cảm” với Washington trong lo ngại về sự can thiệp của Iran trong việc giải quyết xung đột Ả Rập-Israel. Trước mắt, Mỹ vẫn đang ủng hộ Hội đồng Tối cao mà cả hai ông là thành viên trong nỗ lực ổn định đất nước thời hậu Mubarak.

Mọi con mắt đang đổ dồn về ông Tantawi và các tướng lĩnh Ai Cập để xem họ có giữ đúng lời hứa bảo đảm cho nền dân chủ tại nước này hay không. Mọi tham vọng bám giữ quyền lực đều đe dọa một lần nữa xé nát quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập.

Phóng viên CBS bị cưỡng hiếp ở Ai Cập

Thông tín viên quốc tế nổi tiếng của Đài truyền hình CBS Lara Logan, 39 tuổi, đang được chăm sóc tại một bệnh viện ở Mỹ sau khi bị một nhóm người Ai Cập đánh đập và cưỡng hiếp tại Cairo trong lúc đưa tin về sự kiện Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. CBS hôm 15.2 cho biết Logan đang tường thuật từ Quảng trường Tahrir ở Cairo hôm 11.2 thì cô và nhóm phóng viên đi cùng bị hơn 200 người tấn công. Cô bị tách khỏi đồng nghiệp và bị làm nhục trước khi được một nhóm phụ nữ và 20 binh sĩ Ai Cập giải cứu. Logan được đưa trở về Mỹ ngay sáng hôm sau.

Trong một diễn biến khác, Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập đã yêu cầu một ủy ban chuyên trách hoàn tất soạn thảo sửa đổi hiến pháp trong 10 ngày tới.

T.Q

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.