Ông Đỗ Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, là đại diện duy nhất của Việt Nam được Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng 'Thực thi pháp luật về môi trường' của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP).
Các sản phẩm ngà voi bị bắt giữ - Ảnh: Nguyên Bảo |
Giải thưởng do Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), một trong 5 ủy ban khu vực của Liên Hiệp Quốc, trao nhằm tôn vinh cá nhân, tập thể có đóng góp trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã. Nói về vinh dự này, ông Quang cười khiêm tốn: “Tôi chỉ luôn tự nhủ rằng đó là công việc, nhiệm vụ mà mình được lãnh đạo cấp trên giao. Tự bản thân tôi luôn đặt ra cho mình trách nhiệm đối với công cuộc bảo vệ động vật hoang dã. Đồng thời, quán triệt tập thể lãnh đạo, công chức trong đơn vị hiểu đúng và vận dụng đúng vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác cũng như thực thi pháp luật về môi trường”.
Ông Đỗ Thanh Quang nhận giải - Ảnh: nhân vật cung cấp
|
Chúng tôi đến thăm Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất vào một chiều cuối năm. Lúc đó, ông Quang phải vội gom tài liệu “đánh án” và chỉ vào chồng hồ sơ đang xử lý dang dở do ông cùng đồng nghiệp cất công sưu tra từ nhiều năm qua, nói: “Một trong những nhân tố quan trọng góp phần thành công của cuộc chiến này chính là những chiến sĩ thầm lặng hải quan nơi cửa khẩu”.
Theo ông Quang, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo Việt Nam đứng thứ 16 trong số các quốc gia giàu có nhất về đa dạng sinh học nhưng cũng là “thị trường” lớn về buôn lậu động vật hoang dã. Việt Nam vừa là nước có nguồn cầu lớn, vừa là “trung tâm” trung chuyển ngà voi, sừng tê giác và các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng khác. Chỉ riêng hai năm 2014 - 2015, Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất khám phá hơn 20 vụ vận chuyển trái phép các sản phẩm động vật hoang dã từ nước ngoài về qua đường hàng không, thu giữ 136 ngà voi, 50 kg sừng tê giác và 60 kg vảy của loài tê tê châu Phi… “Là đại diện duy nhất của Việt Nam, lần đầu tiên có mặt trong 10 tổ chức, cá nhân của các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận giải thưởng không chỉ là vinh dự đối với tôi, mà qua đó còn khẳng định với thế giới về lập trường kiên định của chúng ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã”, ông Quang nói.
Sừng tê giác cưa thành nhiều miếng nhỏ giấu trong đầu tôm hùm - Ảnh: Nguyên Bảo
Kể về những kinh nghiệm “đánh án”, ông Quang nhớ lại: “Việc buôn bán bất hợp pháp sản phẩm động vật hoang dã thu lợi nhuận cao nên bọn tội phạm không ngừng thay đổi các thủ đoạn. Điển hình như vụ bắt giữ sừng tê giác vận chuyển trái phép ngày 12.3.2015. Bọn tội phạm cưa nhỏ sừng tê giác, giấu trong phần đầu con tôm hùm đông lạnh. Khi tiến hành kiểm tra, lực lượng hải quan thậm chí cắt đôi các con tôm hùm nhưng vẫn không phát hiện được tang vật. Trong khi đó, đối tượng cố tình la lối gây áp lực cho hải quan, yêu cầu bồi thường hàng hóa, danh dự… Tuy nhiên, tôi vẫn chỉ đạo anh em tìm kiếm kỹ vì đây là đối tượng trọng điểm, chúng tôi đã tốn nhiều thời gian thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ. Cuối cùng, cũng phát hiện sừng tê giác giấu trong phần đầu con tôm hùm”.
Ông Quang kể, vụ bắt giữ ngà voi ngày 10.6.2014 cũng là một “kinh nghiệm xương máu”. Lần đó, nghi vấn những kiện hạt điều nhập về có hàng cấm, ông Quang chỉ đạo kiểm tra thì phát hiện 77 ngà voi. “Những vụ việc như thế, nếu quyết định sai các đối tượng sẽ kiện cáo đòi bồi thường, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín đơn vị và quan trọng hơn là áp lực tâm lý lên anh em. Sau này anh em khó đủ dũng khí quyết đoán kiểm tra những đối tượng cứng đầu khác”, ông Quang chia sẻ.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Quang nhắn nhủ: “Điều quan trọng là mỗi người Việt Nam hãy nói không với các sản phẩm động vật hoang dã. Chúng ta không thể phục hồi các loài đã mất nhưng còn nhiều loài nữa đang bên bờ vực tuyệt chủng, cần sự quan tâm và hành động tức thời của chúng ta. Đừng tiếp tay giết hại mà hãy quan tâm và bảo vệ động vật hoang dã trên trái đất”.
Bình luận (0)