|
Bài giảng về sân khấu kịch ngắn của đạo diễn Thế Lữ hồi năm 1957 bỗng dưng bị gián đoạn vì một người lính. Anh bộ đội đó gầy, cao, khắc khổ ôm một ba lô sờn cũ. Bộ tóc rễ tre thật dày. Đôi mắt sâu hoắm, trung hậu. Sau hồi lâu thập thò ngoài cửa mê mải nghe Thế Lữ nói về kịch, người lính ấy đã quyết nằn nì xin ông vào học. Lớp học khi đó chỉ còn nửa tháng nữa là kết thúc. Thật may, Thế Lữ đã chấp nhận cậu học trò đến sau. Kể từ đó, Thế Lữ trở thành người khai tâm cho người lính Nguyễn Đăng Thục, sau này là Tào Mạt.
Nhưng mối duyên sân khấu của Tào Mạt không chỉ có vậy. Ngay sau đó, lòng yêu sân khấu đã thôi thúc ông đi xem nhiều thể loại sân khấu, để rồi “dính” vào chèo. Vở chèo đầu tiên trong đời ông được xem là Quan âm Thị Kính tại rạp Ái Liên ở phố Huế, Hà Nội. Vở diễn của một thế hệ xuất sắc: nghệ sĩ Trùm Thịnh trong vai Mãng Ông, nghệ sĩ Lệ Hiền vai Thị Kính, nghệ sĩ Cả Tam vai Sùng Bà và nghệ sĩ Bạch Tuyết vào vai cô Thị Màu lẳng lơ. “Tào Mạt như đã ngẫu nhiên nhìn thấy sân khấu chèo trong lúc hiện diện khả ái, xuất thần nhất. Cuộc hạnh ngộ ấy đã in dấu son đậm vào cuộc đời sân khấu chèo sau này của ông. Nó dẫn dắt ông đến với chèo, duyên nợ đến sống chết vì chèo và nảy sinh ở Tào Mạt nhu cầu tự nhiên về sự hoàn chỉnh đồng bộ tất yếu của một vở chèo”, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhớ lại.
|
Rồi Tào Mạt bắt đầu những ngày học chèo cùng với những ngày học viết kịch. Cùng lúc, nhưng lúc nào ông cũng có ý thức về việc kịch và chèo đã giống, khác nhau ra sao. Sự bất đồng giữa các nhân vật kịch được thể hiện qua lời thoại của kịch nói, cũng như những tung hứng giữa hát và múa của chèo thế nào. Sự nghiêm ngắn, khúc chiết của kịch Tây phương cũng không hề giống với sự ngẫu hứng trong các miếng chèo. Sau này, sự ngẫu hứng ấy ông đã thể hiện vô cùng ngoạn mục trong các vở của Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần.
Những ngày đầu sáng tác, theo bà Minh Thái, Tào Mạt đã sớm bộc lộ sự duyên dáng, hóm hỉnh đặc trưng trong ngôn ngữ chèo. Nó cũng thể hiện năng lực tự học ghê gớm của ông. “Tào Mạt làm sân khấu bắt đầu từ con số không. Về sự học hành chính quy, Tào Mạt ngượng ngùng thú nhận là mình chưa bao giờ có chứng chỉ chính thức nào ngoài chứng chỉ học hết lớp hai bậc tiểu học... Tuy nhiên, khá nhiều lĩnh vực ông tự khai thông và hiểu biết sâu sắc. Tào Mạt am hiểu lịch sử nước nhà qua các thời đại. Ông sử dụng thành thạo chữ Hán, chữ Nôm, thông tuệ những vấn đề triết học, mỹ học dân tộc”, bà Minh Thái cho biết.
Đỉnh cao Bài ca giữ nước
Tào Mạt sáng tác nhiều. Những lời thoại, lời hát chèo của ông chân quê, mộc mạc, hóm hỉnh. Nhân vật của Tào Mạt cũng đậm chất nông dân, chất lính. Ngay từ những sáng tác đầu như Cái ba lô, Anh Giang đi bộ đội đã vậy. Nhưng Tào Mạt không dừng lại ở đó. Chất suy tư, tính đối thoại với thời cuộc trong những tác phẩm của ông ngày một tăng lên. Đỉnh cao là bộ ba Bài ca giữ nước với ba phần Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan nhiếp chính, Lý Nhân Tông kế nghiệp. “Chỉ đến bộ chèo ba tập Bài ca giữ nước, Tào Mạt mới bắt đầu tìm được giọng điệu thích hợp và thực sự có một đối thoại khá tâm đắc với người đương thời qua việc dựng lên cả một giai đoạn lịch sử những nhân vật kiệt xuất: Lý Thái Tông, Ỷ Lan, Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông”, bà Minh Thái đánh giá.
Theo bà Thái, câu chuyện tuyển hiền, công cuộc nhiếp chính, công cuộc chống ngoại xâm phương Bắc, công cuộc học đạo làm vua… của những kiệt hiệt đời Lý qua ngòi bút Tào Mạt trở nên ám ảnh, day dứt. Để rồi, lịch sử ở bộ ba chèo này dường như chỉ đóng vai trò nguyên cớ. Nó trở thành những cái đinh để mắc vào đó những chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời hôm nay. “Và phải chăng Tào Mạt đã đưa lịch sử lên sân khấu không phải cho lịch sử mà chính là cho hôm nay. Khi tôi đặt câu hỏi ấy với Tào Mạt, ông gật đầu quả quyết về ý định của mình, về sự liên lạc giữa lịch sử và hiện đại, về việc chọn chính thời Lý chứ không phải thời nào khác, và cũng chính bằng hình thức chèo chứ không phải là hình thức sân khấu nào khác”, PGS-TS Minh Thái nhớ lại.
Không chỉ là câu chuyện lịch sử - bài học đương thời, Tào Mạt cũng thành công rực rỡ từ góc độ âm nhạc với bộ ba Bài ca giữ nước. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, Bài ca giữ nước đã có những khúc hát chèo mới rất hay. “Tào Mạt đã ứng dụng phương pháp dân gian là bẻ làn nắn điệu để tạo ra được những điệu chèo rất hay. Ông ấy ngấm chèo đến mức ông ấy hát thì nó thành chèo. Ông ấy làm văn rồi thì bẻ ra thành các điệu hát hay phết. Trong Bài ca giữ nước phải có đến cả chục khúc hát chèo do Tào Mạt bẻ làn nắn điệu mà thành. Vì thế giá trị sáng tạo về âm nhạc của ông trong vở đó lớn. Ông ấy nối tiếp được lối bẻ làn nắn điệu của chèo cổ. Và không phải ai cũng làm được đâu”, ông Loan nói.
Một thành công của Tào Mạt trong tác phẩm này là nhân vật hề Hoạn. Thông thường, trong các vở chèo cổ, nhân vật hề không phải là vai chính. Họ chỉ là những nhân vật “kích hoạt” để nhân vật chính bộc lộ, hoặc làm rôm rả sân khấu, là chất kết dính. Tuy nhiên, hề Hoạn ở Bài ca giữ nước đã trở thành nhân vật chính xuyên suốt. Hề Hoạn như một nhân vật chính diện, trung tâm biểu trưng cho lẽ công bằng, vì nước vì dân. Chính là nhân dân hiện diện trong các mối quan hệ quân thần, những vấn đề của đất nước, dân tộc.
Nhìn cuộc đời đến “bật cả con ngươi mắt ra ngoài”
Tào Mạt sống rất giản dị. Tác giả Kiều Lan, một “trợ lý” của ông nhớ lại: “Căn phòng chú ở rộng chừng 12 m2, thì gần 1/4 là giá sách, cái giường một, bộ bàn ghế uống nước tự tạo bằng thùng đạn, một bàn làm việc và một ghế ba nan cong. Trên bàn làm việc để một khung ảnh nhỏ chụp Bác Hồ đọc bia Côn Sơn, và trên tường có treo một tấm ảnh đen trắng nhà văn Tào Ngu của Trung Quốc”.
“Về sau này, lúc rảnh rỗi tôi hỏi về ý nghĩa 2 bức ảnh. Chú bảo Bác Hồ đọc bia Côn Sơn là nhắc ta đừng bao giờ quên về bài học Nguyễn Trãi, đó là “Tài thường đi đôi với họa”. Còn ảnh nhà văn Tào Ngu là bởi chú ngưỡng mộ ông Tào Ngu về giai thoại: nhìn đời đến mức bật con ngươi mắt ra ngoài. Chú lấy bút danh Tào Mạt là lấy họ nhà văn Tào Ngu, còn tên Mạt thì chú không nói”, Kiều Lan trầm ngâm.
Với chèo, Tào Mạt đã trung thành với cách nhìn cuộc đời đến “bật cả con ngươi mắt ra ngoài” như thế. Ông xem xét kỹ lưỡng từng vấn đề lịch sử trong vở diễn. Ông cũng xem xét phương thức sáng tạo chèo truyền thống. Chính vì thế, khi chèo hiện đại rơi vào việc “kịch hóa” đến mất cả sự ngẫu hứng thì trong vở diễn của ông, sự ngẫu hứng vẫn còn lấp lánh. Lấp lánh trong cảm xúc chủ đạo của nhân vật. Lấp lánh trong cách bẻ làn nắn điệu rất dân dã.
Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Với riêng sân khấu chèo, Tào Mạt là một trong số ít người biết giá của nó và sẵn sàng để cả cuộc đời vào việc nghiên cứu chèo, làm chèo và giữ giá cho chèo. Có thể nói Tào Mạt có riêng một lối làm chèo, bằng lối riêng ấy, chèo bao giờ cũng có một dung mạo đẹp cổ điển, dung dị, dân dã”.
Tào Mạt đã ca bài ca giữ nước, bài ca giữ chèo của mình như thế.
NSND Tào Mạt (1930-1993) tên thật là Nguyễn Đăng Thục, quê quán Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông tham gia cách mạng từ khi còn rất ít tuổi. Đặc biệt thích văn học Hán Nôm, ông đã tự học, tự nghiên cứu. Một số tác phẩm tiêu biểu: Chị Tâm bến Cốc (kịch, 1960), Đường về trận địa (chèo, 1966), Đỉnh cao phía trước (chèo, 1967), bộ ba Bài ca giữ nước (chèo, 1979-1985) Tào Mạt được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996. |
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)