Người góp phần nâng tầm khoa học Việt

31/03/2013 03:15 GMT+7

Không chỉ thành công trong nghiên cứu, GS Trần Thanh Vân còn sáng lập và duy trì đều đặn nhiều hội nghị khoa học uy tín toàn cầu và góp phần nâng tầm khoa học Việt Nam.

Người Việt tài trí: Người nâng tầm khoa học Việt
GS Trần Thanh Vân trong lần về VN cuối tháng 3 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Gặp GS Trần Thanh Vân hồi đầu tuần, nhân dịp ông về Việt Nam làm việc, gương mặt có vẻ mệt mỏi sau một chuyến bay dài nhưng ánh mắt vẫn sáng lên sự minh mẫn dù đã ở tuổi 79.

Đóng góp vào khám phá vĩ đại

Thấm thoát đến nay đã được 50 năm kể từ khi luận án tiến sĩ quốc gia của ông góp phần chứng minh rằng hạt neutron, nằm trong hạt nhân nguyên tử, được cấu thành bởi những hạt nhỏ hơn về sau gọi là quark.

Ông chậm rãi kể lại quá trình học tập và nghiên cứu của mình: “Tôi sinh năm 1934 tại Quảng Bình, sang Pháp vào đầu năm 1953 để tiếp tục học lớp 11. Tôi thi tú tài bên Pháp, rồi ở lại học đại học tại nước này. Sau đó tôi vào làm ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp. Lúc bấy giờ, người ta cho rằng hạt proton, một cấu phần của hạt nhân nguyên tử, là một hạt không phân chia được nữa. Đến năm 1957-1958, GS

Hofstadter ở Đại học Stanford (Mỹ) làm thí nghiệm cho biết hạt proton không phải là loại hạt không phân chia được, mà bao gồm các hạt nhỏ hơn bên trong. Khi đó, tôi đang làm luận án (tiến sĩ quốc gia - NV) và đề tài của tôi là tìm xem hạt neutron có giống proton hay không. Tôi làm về lý thuyết và phối hợp với thí nghiệm về vấn đề ấy. Luận án đã đưa đến kết luận là hạt neutron cũng có kết cấu giống proton và cũng bao gồm những hạt nhỏ hơn bên trong gọi là quark. Từ đó đến nay cộng đồng khoa học đã khám phá ra 6 hạt quark, 6 hạt lepton và 6 neutrino. Tháng 7.2012, Trung tâm CERN (Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu u - NV) mới tìm ra một hạt mới tương tự với hạt Higgs mà lý thuyết Mô hình chuẩn đã dự đoán. Đầu tháng 3 vừa qua, Gặp gỡ Moriond (Rencontres de Moriond) vinh dự được CERN chọn làm nơi công bố hạt Higgs mà các nhà khoa học đã “săn lùng” từ gần 50 năm nay”.

Nơi gặp gỡ của các nhà khoa học

 
Chúng tôi mong có thể tạo điều kiện cho các bạn trẻ để các bạn có cơ hội tiếp xúc với các nhà khoa học thế giới và đóng góp vào sự tiến triển của khoa học và công nghệ nước ta

GS Trần Thanh Vân

Đặc biệt, đối với cộng đồng khoa học thế giới, việc CERN chọn Gặp gỡ Moriond cũng là một sự kiện khẳng định tầm vóc của chương trình này. Đây là hội nghị do GS Vân sáng lập từ cách đây 50 năm. Kể lại quá trình hình thành Gặp gỡ Moriond, ông cho biết: “Vào năm 1966, tôi cùng một số bạn đồng nghiệp sáng lập Gặp gỡ Moriond. Lúc đầu, chỉ khoảng 20 người làm việc với nhau. Hội nghị này không chỉ là nơi để mọi người đến báo cáo kết quả nghiên cứu rồi đi. Tôi muốn tạo điều kiện để các nhà khoa học có thời gian bàn luận sâu sắc với nhau, có sinh hoạt chung để tạo điều kiện tốt cho sự cộng tác trong tương lai”.

Từ đó đến nay, Gặp gỡ Moriond được tổ chức liên tục hằng năm và trở thành điểm đến cho hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhiều người trong số đó từng đoạt giải Nobel Vật lý. Chưa dừng lại ở đó, vào năm 1989, GS Vân đã sáng lập Gặp gỡ Blois chuyên về vật lý hạt, vật lý thiên văn, toán và toán tinh học, hóa học và sinh học. Thành phố Blois đã dành riêng cho hội nghị sử dụng lâu đài hoàng gia Blois, một lâu đài rất danh tiếng, mỗi năm trong cả một tuần lễ. Gặp gỡ Blois cũng đã trở thành một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng khoa học thế giới.

Nỗ lực vì quê nhà

 
Nước Mỹ vinh danh

Năm ngoái, GS Trần Thanh Vân trở thành người châu Á thứ 3 và là người Việt Nam đầu tiên được Viện Vật lý Mỹ (API) trao huy chương Tate. Đây là sự vinh danh của Viện Vật lý Mỹ dành cho những nhà khoa học, nhà lãnh đạo tổ chức nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý. Chia sẻ với Thanh Niên về sự kiện này, GS Vân cho biết: “Trong hơn 50 năm, từ lúc thành lập vào năm 1959 đến 2012, API chỉ tặng huy chương Tate cho 12 người, trong ấy có 2 nhà bác học nổi tiếng là GS Abdus Salam, giải thưởng Nobel năm 1979 - người sáng lập Trung tâm quốc tế vật lý lý thuyết (ICTP) ở Trieste, Ý và GS Yu Lu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc”.

Không chỉ thành công nơi xứ người, GS Trần Thanh Vân còn vận dụng điều đó để đóng góp cho quê hương khi sáng lập nên Gặp gỡ Việt Nam, từ mô hình Moriond. Mọi việc bắt đầu hồi năm 1990, ông kể: “Tại Việt Nam, tôi có một người bạn rất thân là GS Nguyễn Văn Hiệu. Năm 1990, GS Hiệu đề nghị tôi về nước tổ chức hội nghị quốc tế để góp phần thúc đẩy khoa học nước nhà. Năm 1993, chúng tôi tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đầu tiên. Đến năm 2006, chúng tôi đã tổ chức được 6 hội nghị. Thông qua các hội nghị ấy, những nhà khoa học thế giới đến để trao đổi với các nhà khoa học Việt Nam và tạo điều kiện để nhiều bạn trẻ khoa học Việt Nam có dịp gặp gỡ các nhà khoa học thế giới. Đó là mục tiêu đầu tiên của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi thấy cần có mạng lưới kết nối các nhà khoa học thế giới với Việt Nam. Vì thế, chúng tôi mong muốn xây dựng một trung tâm khoa học để mời các nhà khoa học thế giới đến cộng tác, nhằm nâng cao hình ảnh khoa học Việt Nam trên thế giới cũng như vị thế của khoa học Việt Nam. Trong năm 2011 và 2012, chúng tôi đã tổ chức Gặp gỡ Việt Nam lần 7 và lần 8 ở Quy Nhơn, với sự tham dự của hàng trăm nhà khoa học đến từ 27 quốc gia. Tháng 8 tới, sẽ tổ chức tại Quy Nhơn cùng một lúc 4 hội nghị trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9. Vào dịp đó, cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi sẽ tiến hành lễ khánh thành Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành bên bờ biển Quy Nhơn”.

Với Ban Cố vấn quốc tế gồm hàng chục GS đầu ngành thế giới trong đó có 9 GS từng đoạt giải Nobel, uy tín của Gặp gỡ Việt Nam ngày càng tăng cao, thu hút nhiều nhà khoa học nổi tiếng đến tham dự. GS Trần Thanh Vân kỳ vọng: “Chúng tôi mong rằng trong 5-10 năm nữa, với sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước,  trung tâm sẽ là nơi tập trung của các nhà khoa học thế giới cũng như các Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Blois”.

GS Vân còn đặc biệt nỗ lực để hỗ trợ thế hệ trẻ Việt Nam nghiên cứu khoa học. Hồi năm 1993, sau khi Gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, ông cùng với GS Nguyễn Văn Hiệu nhận thấy cần phải có một lớp học để giúp các bạn trẻ VN cập nhật kiến thức về vật lý năng lượng cao, vật lý thiên văn. Từ năm 1994 đến nay, lớp học như vậy được tổ chức hằng năm, kéo dài trong 2 tuần dưới cái tên tiếng Anh là Vietnam School of Physics. “Nhằm mục tiêu đào tạo những nhà vật lý cho tương lai”, GS Vân chia sẻ.

Bên cạnh đó, ngay từ năm 1994, ông cùng với vợ mình là GS Lê Kim Ngọc (cũng 79 tuổi) nhà khoa học nổi danh thế giới suốt nửa thế kỷ qua với lý thuyết lát mỏng tế bào, đã lập quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh và sau đó từ năm 2001 kết hợp cùng GS Odon Vallet trao hàng ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam với con số lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Đối với GS Trần Thanh Vân, việc chăm sóc thế hệ trẻ cần được quan tâm ngay từ sớm. Đó là lý do vợ chồng ông đã thành lập nên 3 làng trẻ em SOS ở Đà Lạt, Huế và Quảng Bình lần lượt vào các năm 1974, 1999 và 2006. Từ năm 2000, GS Vân đã triển khai chương trình “Bàn tay nặn bột” với mục tiêu khuyến khích và nâng cao tiềm năng khoa học của các em học sinh tiểu học. Sau 10 năm hoạt động và đào tạo gần 2.000 giáo viên tiểu học trong chương trình này, Bộ GD-ĐT đang lập dự án để phát triển chương trình này ở tất cả các tỉnh thành. Ông tóm lại: “Mục tiêu là làm sao để trẻ em VN có cơ hội đi học và được mở mang trí tuệ”.  

Người Việt tài trí: Người nâng tầm khoa học Việt
GS Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Tổ chức Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp, thăm Làng trẻ em SOS Đồng Hới, tháng 9.2012 - Ảnh: Hàm Châu

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.