img

Anh Việt là Đội trưởng Đội cứu hộ FAS Angel (First Aid Support Angel) và cũng chính anh đã lập nên đội cứu hộ miễn phí này từ tháng 9.2019, sau hơn 2 năm làm công việc này một mình.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 1.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 2.

Tính đến nay, Đội cứu hộ FAS Angel có 28 thành viên nòng cốt, quản lý các hoạt động trực tiếp và gần 300 tình nguyện viên; 1.500 người là cộng tác viên thường xuyên báo tin, hỗ trợ FAS Angel tiếp cận hiện trường, giúp đỡ người bị nạn.

Trong hơn 4 năm, FAS Angel đã có mặt tại hàng chục nghìn vụ tai nạn và cứu sống hơn 17.000 người. Trong đó, anh Việt có mặt ở quá nửa số vụ tai nạn; mỗi lần cứu người đều mang lại cho anh cảm xúc khác nhau. Có những lúc anh vui mừng, sung sướng khi cứu sống nạn nhân, có những lúc lại cảm thấy uất nghẹn khi họ ra đi trên chính đôi tay của mình; có cả những lúc bị mắng chửi, xúc phạm thậm tệ, rồi nặng hơn là bị vu oan, hành hung khi đang cứu người.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 3.

Anh Phạm Quốc Việt và các thành viên Đội cứu hộ FAS Angel (First Aid Support Angel)

Đình Huy

“Trước đây, nhiều người bảo tôi làm công việc này dễ bị vu oan, rồi bị đánh nhầm. Đúng thật, tôi đếm không hết những lần mình bị xúc phạm, hành hung từ người nhà nạn nhân, nhưng tôi không thể làm ngơ khi thấy người bị nạn được. Đây là tính cách của tôi”, anh Việt nói.

Kể về lần bị hành hung đáng nhớ nhất, anh Việt cho biết, đó là vụ tai nạn xe máy vào năm 2022. Khi đó, 2 xe máy đi ngược chiều đâm nhau, một người lớn tuổi bị xây xát, người còn lại bị thương nặng, máu chảy rất nhiều. Theo bản năng, anh lao vào sơ cứu người bị nặng hơn. Lúc này, người lớn tuổi kia đã điện cho cả cháu, con ở gần khu vực tai nạn và nói “người kia đi ngược chiều đâm vào mình”.

Khi thấy người nhà kéo ra, anh Việt ngăn cản và nói: “Tôi là người sơ cứu ở đây, tôi đang giúp nạn nhân cầm máu, tôi cấm ai động vào nạn nhân!” và được đáp lại “anh không cần phải cứu, do họ đâm vào chú em”. Vừa sơ cứu, anh vừa phân tích và lấy ví dụ “nếu như bây giờ là trường hợp ngược lại, người nhà các cậu là người sai, các cậu có nói như thế được không?”.

Đội cứu hộ FAS Angel thực hiện diễn tập

Đình Huy

Khi đôi bên vẫn đang nói chuyện, bất ngờ anh hứng trọn một cái đạp từ một người nhà đến sau, ngã lăn ra đất. Cú đạp khá đau nhưng anh Việt vẫn bình tĩnh cư xử. Chứng kiến câu chuyện, người dân ở đó lao vào can ngăn và kể lại do người lớn tuổi kia đi sai, dù đâm vào người khác nhưng đã gọi điện cho người thân để đổ lỗi cho người khác. Sau đó, xe cứu thương của FAS Angel cũng vừa đến, giúp anh Việt sơ cứu phần còn lại và đưa cả hai người vào viện kiểm tra. Kết quả, cả hai đều không có vấn đề gì, người bị nặng hơn chỉ bị rách da đầu, chưa tổn thương vào não. Cả hai bên yêu cầu hòa giải nội bộ.

Còn nhiều vụ khác nữa mà anh Việt cho rằng, mối nguy hiểm không chỉ đơn giản là người nhà mà còn ở chính nạn nhân nữa. Thời gian gần đây, câu chuyện của FAS Angel được đưa tin trên khắp mặt báo nên việc bị hành hung, hiểu nhầm giảm đi đáng kể. “Những bài báo đã làm thay đổi số phận đội cứu hộ của chúng tôi. Từ một đội cứu hộ không ai biết đến, giờ đây chúng tôi là chủ đề khai thác của nhiều tờ báo lớn và những chương trình đặc biệt, trong đó có Báo Thanh Niên”, anh Việt kể.

Theo anh Việt, sau khi nổi tiếng, FAS Angel nhận được nhiều món quà lớn, những chiếc xe ô tô cứu thương và nhiều dụng cụ y tế… “Tôi gửi lời cảm ơn đến báo chí nói chung và Báo Thanh Niên nói riêng đã lan truyền tinh thần của chúng tôi đến với cộng đồng. Đặc biệt, đã gắn kết được hàng trăm tình nguyện viên trẻ tuổi tham gia đội cống hiến, giúp đỡ mọi người, đó là món quà lớn nhất đối với tôi”, anh Việt nhấn mạnh.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 6.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 7.

FAS Angel phát triển trên tinh thần tự nguyện, mỗi tối, từ 21 - 24 giờ, các tình nguyện viên và các đội viên di chuyển bằng xe máy, tập trung về các điểm trực chính, dễ xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội là Ngã Tư Sở (Q.Thanh Xuân), Cầu Diễn (Q.Nam Từ Liêm), Ngọc Hồi (H.Thanh Trì)… Khi có tai nạn, các thành viên sẽ tiếp cận được hiện trường, chụp ảnh nạn nhân gửi vào nhóm chat chung. Nhận được tin báo, căn cứ định vị, đội trưởng sẽ biết thành viên nào ở gần hiện trường nhất, từ đó trực tiếp điều phối họ tới sơ cứu nhanh chóng trong trường hợp xe cứu thương 115 không kịp đến.

Khi chưa có tai nạn, cả đội sẽ cùng nhau ôn luyện lại các kỹ năng sơ cứu cơ bản, qua đó tăng thêm sự chính xác khi xử lý các ca va chạm ở hiện trường.

Đội cứu hộ FAS Angel với thông điệp “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”

Đình Huy

Trên chiếc xe sơ cứu, anh Việt trầm ngâm nhớ lại cơ duyên hàng đêm ra đường giúp đỡ người bị nạn. “Năm 2016, tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Một chiếc xe máy đã đâm thẳng vào người, khiến tôi ngất luôn tại chỗ. Khi tỉnh lại, toàn thân như bị tê liệt, không thể cử động, chỉ có đầu óc là tỉnh táo nhưng vẫn không có ai giúp đỡ. Đó là những phút giây không thể nào quên, tôi hoàn toàn bất lực trước dòng người. May mắn thay, cuối cùng cũng có một người qua đường quyết định dừng xe và đưa tôi đi cấp cứu, khiến tôi luôn nhớ mãi và biết ơn", anh Việt xúc động nhớ lại.

Trải qua vụ tai nạn, anh Việt trở về với cuộc sống bình thường. Một năm sau, khi xe ôm công nghệ xuất hiện tại Việt Nam, anh đăng ký tham gia. Ban đầu, anh chỉ tranh thủ làm thêm vào buổi tối, vừa chở khách kiếm tiền, vừa chú ý quan sát, hễ chỗ nào xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), có người bị thương, anh sẽ hỗ trợ đưa họ đi cấp cứu.

“Đã có những người bị TNGT nặng, họ nắm chặt tay tôi mong muốn được giúp đỡ. Với tất cả những thứ nhỏ nhoi có trong tay, tôi cố gắng giúp họ vượt qua cơn nguy kịch. Đặc biệt, khi nhìn vào ánh mắt của những người gặp nạn, tôi thấy hình ảnh của mình về lần tai nạn ở Tuyên Quang. Đây cũng là động lực để tôi quyết định từ bỏ công việc văn phòng, dành thời gian thành lập Đội cứu hộ FAS Angel với thông điệp “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”. Đó là việc tôi luôn muốn hướng tới, giúp đỡ người bị nạn không vì một cái gì cả”, anh Việt khẳng định.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 9.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 10.

Người đội trưởng 36 tuổi cho biết, trước đây, đội hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Sau khi có những phương tiện sơ cứu bằng ô tô, FAS Angel đang hoạt động 24/24 giờ. Nhận được thông tin về TNGT hay người bị thương cần hỗ trợ, đội sẽ đến ngay lập tức.

Nhớ lại lần tham gia cứu nạn ám ảnh nhất, ánh mắt anh Việt đượm buồn khi nhắc về vụ cháy chung cư mini ở P.Khương Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong. Là một trong những người vào bên trong hiện trường cứu người, những hình ảnh thảm khốc nhất của vụ hỏa hoạn đến nay vẫn còn ám ảnh tâm trí người đội trưởng.

Anh kể, khoảng 23 giờ 45 ngày 12.9, khi anh ở Cầu Diễn hỗ trợ một người dân bị TNGT thì nhận được tin báo xảy ra vụ cháy ở Khương Đình, có nạn nhân mắc kẹt.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 11.

Ngay lập tức, anh đã điều động 1 xe sơ cứu ở khu vực Ngã Tư Sở đến hiện trường. Sau đó, nhận được tin của lực lượng tham gia cứu hỏa, anh cùng 21 thành viên đã nhanh chóng đến tham gia hỗ trợ.

“Lúc tôi đến, ngọn lửa đã nuốt chửng căn nhà. Ám ảnh hơn là hình ảnh những người cha, người mẹ đang cố gắng ôm chặt, bảo vệ con trong biển lửa mong muốn cứu sống các con, những âm thanh của tiếng kêu cứu, tiếng khóc phát ra… Thế nhưng, khi lửa tắt, phép màu đã không xuất hiện”, anh Việt trầm ngâm và nói cả đội đã cố gắng hết sức nhưng chỉ cứu được hơn 10 người. Sự việc khiến anh sốc nặng, đau đớn và bất lực.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 12.

Khi được hỏi về việc dành thời gian quá nhiều cho công việc cứu người thì thời gian đâu để dành cho gia đình và bản thân, anh Việt cho hay bản thân anh từng lập gia đình và có một con nhỏ đang học lớp 4. Hiện tại, con anh đang được bố mẹ giúp đỡ chăm sóc. Anh cũng rất an tâm khi bố mẹ ủng hộ, giúp anh có thể toàn tâm đi làm thiện nguyện.

“Tôi cũng đang có một cửa hàng sửa chữa xe máy, tạm gọi là trạm cứu hộ sửa chữa 01. Đây là một trong những mô hình tôi gây dựng để tái tạo lại quỹ cho đội bằng cách dạy nghề sửa chữa xe máy cho các thành viên trong đội. Nó vừa là nơi sửa chữa xe máy cho nạn nhân của các vụ tai nạn, vừa là nơi để các thành viên trong đội có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, tạo được khoảng không gian ổn định vào ban ngày, phòng trường hợp nhận được thông tin vụ tai nạn, mình có thể đi từ cửa hàng đến hiện trường sơ cứu”, anh Việt tiết lộ.

Người hùng “bóng đêm” cứu hàng nghìn người bị tai nạn - Ảnh 13.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.