Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô

15/02/2013 15:30 GMT+7

(TNO) Múa thuồng luồng là nghi lễ không thể thiếu của người dân tộc Khơ Mú trong năm mới. Đây là lần đầu tiên, điệu múa thuồng luồng được biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giới thiệu đến công chúng thủ đô.

Sáng nay 15.2, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức khai mạc chương trình Vui xuân Quý Tỵ 2013. Diễn ra từ ngày 15 - 17.2, chương trình phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc các tỉnh vùng cao phía Bắc.

Trong ngày hội, đại diện cộng đồng người Mông sẽ trình diễn thổi khèn, giã bánh dày ăn tết; người Tày trình diễn nấu các món ăn đặc trưng ngày tết như bánh sừng bò, xôi màu, bánh phồng.

Bên cạnh đó, chương trình vui xuân sẽ giới thiệu đến các bạn trẻ thủ đô hơn 20 trò chơi dân gian của các tộc người khác nhau. Người dân tộc Khơ Mú trình diễn chơi leo cột, nhảy chữ thập, luồn dây. Cộng đồng người Dao, Nùng giới thiệu về trò chơi đánh quay hay người Pà Thẻn giới thiệu trò chơi đánh cầu lông gà. Người Thái giới thiệu trò chơi nhảy bước.

Trong ngày khai mạc, khán giả thủ đô có cơ hội trải nghiệm nét văn hóa tín ngưỡng qua nghi lễ nhảy điệu múa thuồng luồng trong lễ cầu mưa đầu năm mới.

Màn trình diễn này do nhóm thanh niên trai tráng, nghệ nhân đội văn hóa dân gian tại xã Nghĩa Sơn, H.Văn Chấn, Yên Bái trực tiếp trình diễn.

Theo nghệ nhân Hà Văn Sinh, múa thuồng luồng là nghi lễ không thể thiếu trong lễ cầu mưa đầu năm của người Khơ Mú.

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô
Mâm lễ cúng cầu mưa phải có gà lễ để nguyên nội tạng, rượu trắng, gạo nếp, điếu cày, thuốc lào. Thông thường, mâm cúng năm sau thường được bày biện to, tươm tất hơn năm trước để cầu sự ấm no, sung túc - Ảnh: P.Hậu

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô
Bên mâm lễ cầu mưa không thể thiếu cây dương xỉ và chuối rừng với búp hoa đỏ. Theo quan niệm của người Khơ Mú, cây dương xỉ là tưởng nhớ về người cổ xưa đã khuất. Còn hoa chuối màu đỏ tượng trưng cho mào của thuồng luồng, linh vật mang lại mưa thuận gió hòa - Ảnh: P.Hậu

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô
Lễ cúng cầu mưa do các bậc cao niên trong thôn, bản làm chủ lễ - Ảnh: P.Hậu

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô
Sau khi khấn vái, chủ lễ sẽ khua chiêng để bắt đầu nghi lễ múa thuồng thuồng - Ảnh: P.Hậu

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô
Thần sét xuất hiện mở màn điệu múa thuồng luồng để hô mưa gọi gió - Ảnh: P.Hậu

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô
Linh vật thuồng luồng do dân bản tự làm và trang trí màu sắc. Chàng trai khỏe mạnh vạm vỡ sẽ được giao trách nhiệm vác đội linh vật thuồng luồng để nhảy múa - Ảnh: P.Hậu

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô
Trong quá trình biểu diễn, người đóng vai thần sét và đội linh vật thuồng luồng phải phối hợp các động tác nhịp nhàng, cùng nhảy múa bên nhau - Ảnh: P.Hậu

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô

Người Khơ Mú múa thuồng luồng ở thủ đô
Trong suốt thời gian trình diễn múa thuồng luồng, thanh niên trong bản sẽ múc nước đổ vào ống tre nứa vẩy làm mưa xung quanh. Theo quan niệm của người Khơ Mú, người đi xem nghi lễ múa thuồng luồng được vẩy nhiều nước sẽ được mạnh khỏe, gặp nhiều niềm vui, may mắn trong năm mới - Ảnh: P.Hậu

Phan Hậu

>> Thi trò chơi dân gian
>> Vui cùng đồ chơi dân gian
>> Tưng bừng lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa
>> Lễ hội ra khơi bám biển
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
>> Lễ hội hoa xuân 2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.