Người khó tính

31/05/2012 08:48 GMT+7

Hồi nhỏ, lũ trẻ ở xóm tôi ưa gọi ông là ông Năm “khó tính”.

Ông trở về từ một cuộc chiến xa xôi nào đó mà lũ trẻ chúng tôi chỉ được nghe từ lời kể của những người lớn tuổi. Thuở nhỏ, tôi nhớ hoài hình ảnh ông với một bên chân đi khập khiễng, suốt ngày vào ra chăm sóc liếp rau với mấy đàn gà.

Nhiều đứa trong chúng tôi rất sợ ông Năm. Những trò chui rào nhà hàng xóm bẻ trộm trái cây; nhái điệu bộ, giọng rao của người bán dạo hay bỏ học chạy rong thả diều ngoài đồng… đều bị ông la. Lên bàn ăn mà có mặt ông Năm thì phải liệu mà ăn cho nghiêm túc. Ông dạy trẻ con phải mời và đợi người lớn đụng đũa trước rồi mới tới lượt mình. Ông hay rầy mấy đứa mấy đứa con nít lanh chanh, gắp hết tô này tới dĩa khác. Ăn nói cũng phải đàng hoàng, đứa nào có tật “nói leo” là bị ông “xạc” cho cả buổi. Nhiều đứa sợ ông Năm hơn sợ ba má. Vậy là đứa nào cứng đầu cứng cổ sẽ được gửi tới cho ông Năm “trị”.

Sợ thì có sợ nhưng đứa nào cũng mê ông. Ông là một kho truyện về những vùng đất lạ lẫm ông đã đi qua trong chiến tranh. Thì ra cuộc đời ngoài kia rộng lớn lắm, chớ không phải chỉ tới cái chợ huyện mà mỗi dịp tết má dẫn mấy chị em đi sắm bộ đồ, đôi dép mới.

Tuyệt nhứt là nhà ông Năm có cái ti vi trắng đen, mỗi lần coi mà bị lẹt xẹt thì phải vỗ bồm bộp mới lên hình. Cái ti vi có biết bao điều hấp dẫn mà đứa trẻ nào cũng mê mẩn. Bộ vạt nhà ông Năm luôn đủ chỗ cho đám con nít chen nhau. Có đứa vừa mới đầu tuồng cải lương đã lăn ra ngủ khò khò. Có đứa mít ướt coi tới khúc đào chính gặp cảnh đoạn trường thì òa lên khóc nức nở. Những buổi tuồng hết trễ, đi về khuya qua bụi cây với đủ hình thù kỳ lạ, lũ trẻ hè nhau chạy quáng quàng vì sợ con ma trong lùm bất chợt nhảy ra. Vậy mà ngày khô ráo cũng như mưa dầm, tối nào đám con nít cũng hẹn nhau tới nhà ông Năm coi ké.

“Người khó tính” lâu lâu cũng... dễ tính. Đó là lúc chúng tôi bớt phá phách và học hành được kết quả cao. Ông trích từ khoản lương hưu mua bịch kẹo chia cho mỗi đứa vài cục. Có đứa ngậm viên kẹo ngọt lịm, cười nhe mấy cái răng sún vì không giấu được niềm tự hào của đứa lâu lâu được thưởng.

“Người khó tính” cuối cùng không thể ở lại mãi để dạy dỗ lũ trẻ con. Chúng tôi lớn lên và từ từ nhận ra cuộc đời có nhiều tội nghiêm trọng gấp nhiều lần so với những lỗi lầm cỏn con chúng tôi đã gây ra thời thơ ấu. Cảm ơn ông - “người khó tính” - đã dạy chúng tôi những bài học đầu tiên và dạy chúng tôi cả cách đối xử giữa người với người trong cuộc sống. 

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.