Đến dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương…
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo cả nước đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao giải thưởng báo chí quốc gia.
Theo Chủ tịch nước, báo chí đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, trở thành lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng, Nhà nước, tích cực vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, kịp thời phản ánh sinh động, thực tiễn phát triển kinh tế văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh đối ngoại, bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, hoạt động diễn biến hòa bình, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động cũng như những hành vi, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức, lối sống, góp phần quan trọng vào động viên các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng giải quyết những khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường thuận lợi xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Chủ tịch nước mong muốn trong những năm tới, báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, vươn lên đáp ứng sự nghiệp cách mạng và xu thế hội nhập quốc tế. Tích cực phát hiện, góp phần đấu tranh ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực, các tệ nạn xã hội... Báo chí đồng thời là diễn đàn rộng rãi để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát, phản biện xã hội, nâng cao dân trí, động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng… “Mỗi người làm báo cần thường xuyên học tập, tu dưỡng rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không uốn cong ngòi bút trước những cám dỗ, mặt trái của kinh tế thị trường, nỗ lực phấn đấu là người chiến sĩ xung kích, kiên cường trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu cho biết Hội đồng chung khảo giải Báo chí quốc gia lần thứ 10 đã quyết định trao tặng giải thưởng Báo chí quốc gia cho 92 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất (gồm: 8 giải A, 25 giải B, 40 giải C và 19 giải khuyến khích) từ 142 tác phẩm xuất sắc thuộc 4 loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử) vào chung khảo. Báo Thanh Niên giành một giải B (giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn - báo in) với loạt 3 bài viết Bẫy thâu tóm từ nhà đầu tư ngoại của tác giả Nguyễn Thị Hằng Nga (Nguyên Nga) và một giải C cho loạt bài Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa, tác giả Mai Thanh Hải (giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép - báo điện tử).
PV Thanh Niên đoạt giải nhất giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng
Ban tổ chức giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam lần thứ 10 (2015 - 2016) hôm qua đã tổng kết trao giải, trong đó PV Thanh Niên Lê Hoàng Sơn đã đoạt giải nhất thể loại báo viết với loạt bài 4 kỳ Kinh hoàng mua bán chất độc cyanua. Để thực hiện loạt bài này, PV Lê Hoàng Sơn đã thâm nhập thực tế tại “lãnh địa vàng tặc” ở khu vực đào đãi vàng trái phép gần mỏ vàng Bồng Miêu (H.Phú Ninh) trong vòng 1 tuần. Cùng với nhiều tư liệu lưu trữ liên quan, tác giả đã phản ánh thực trạng chất kịch độc tràn vào Quảng Nam, sự liều lĩnh đối phó của các nhóm mua bán trái phép cyanua, những hậu họa khó lường nhưng khó diệt tận gốc...
Đợt này, ban tổ chức đã trao 41 giải thưởng cho 41 tác giả, nhóm tác giả thuộc các thể loại: báo viết, báo hình, báo nói, ảnh báo chí; tổng trị giá giải thưởng gần 200 triệu đồng.
H.X.Huỳnh
|
Bình luận (0)