'Người lao động cần được rút BHXH một lần và rút thỏa đáng nhất'

23/11/2023 10:51 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút BHXH một lần và rút một cách thỏa đáng nhất có thể.

Sáng 23.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật BHXH sửa đổi. Một trong những nội dung được quan tâm, đó là nên giữ hay bỏ rút BHXH một lần.

'Người lao động cần được rút BHXH một lần và rút thỏa đáng nhất' - Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật BHXH sửa đổi

GIA HÂN

Do đây là vấn đề nhạy cảm, tác động lâu dài đến lưới an sinh nên dự thảo luật đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: giải quyết rút BHXH 1 lần với nhóm lao động tham gia trước khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1.7.2025), sau 12 tháng nghỉ việc, không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có nhu cầu thì được rút BHXH 1 lần.

Đối với nhóm người tham gia hệ thống từ sau ngày 1.7.2025 sẽ không được rút BHXH 1 lần, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án 2: người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (nghỉ việc), không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có yêu cầu nhận BHXH 1 lần thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH về sau.

'Người lao động cần được rút BHXH một lần và rút thỏa đáng nhất' - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

GIA HÂN

Trao quyền lựa chọn và siết chặt điều kiện hưởng

Cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhận định rút BHXH một lần đang là thực trạng "vô cùng day dứt", tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân.

Những năm qua, dù các cơ quan, tổ chức đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến nhưng tình trạng rút BHXH một lần vẫn chưa có xu hướng giảm.

Theo bà Nga, các trường hợp cần rút BHXH một lần đều là những trường hợp gặp khó khăn về kinh tế. Vì vậy, việc sửa đổi nội dung này rất dễ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, nếu không có những quy định triệt để thì rất khó có thể dần xóa bỏ tình trạng rút BHXH một lần.

Vị đại biểu tỉnh Hải Dương nói, trong bối cảnh đời sống người dân còn nhiều khó khăn như hiện nay, muốn loại bỏ hoàn toàn quy định về rút BHXH kể từ khi luật mới có hiệu lực là chưa thực sự phù hợp.

Để hạn chế câu chuyện trên, bà Nga cho rằng nên siết chặt theo 2 khía cạnh sau. Thứ nhất là trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH để giữ chân người lao động trong hệ thống BHXH. Thứ hai là quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút BHXH một lần, tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút BHXH một lần.

Đại biểu Quốc hội: Người lao động cần được rút BHXH một lần và rút thỏa đáng nhất

Chưa phải là phương án tốt hỗ trợ cho người lao động

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho rằng, cả 2 phương án đều chưa thực sự tối ưu, cần tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp để có phương án thấu đáo, đáp ứng nguyện vọng của người lao động trong việc rút BHXH một lần.

'Người lao động cần được rút BHXH một lần và rút thỏa đáng nhất' - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang)

GIA HÂN

Theo phân tích của bà Cầm, phương án 1 sẽ không bảo đảm công bằng giữa người tham gia BHXH trước và sau khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực.

Bởi lẽ, lý do chính khiến người lao động rút BHXH một lần là để bù đắp cho những khó khăn về kinh tế, lo cho cuộc sống trước mắt. Quy định như phương án này có nguy cơ không động viên được người trẻ, người lao động mới tham gia BHXH, khi mà tích lũy từ tiền lương của người lao động còn rất thấp.

"Như vậy, vô hình trung sẽ không tạo động lực cho người lao động trẻ, mới tham gia BHXH, không đảm bảo nguyên tắc công bằng như quan điểm xây dựng luật đã nêu…", bà Cầm nói.

Còn với phương án 2, nữ đại biểu tỉnh Tiền Giang cho rằng người lao động vẫn được rút BHXH một lần nhưng không quá 50%, là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Việc chỉ được rút 50% chưa phải là phương án tốt hỗ trợ cho người lao động, khi họ đang phải đương đầu với khó khăn trước mắt của cuộc sống.

Chưa kể, phương án này sẽ tạo khác biệt khá lớn về số tiền hưởng BHXH một lần giữa người hưởng BHXH một lần trước và sau khi luật sửa đổi có hiệu lực. Chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu mở rộng, gia tăng quyền lợi, tạo sự hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH.

"Tôi ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút BHXH một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể", bà Cầm nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh cần có các hình thức hỗ trợ về tín dụng và đẩy mạnh truyền thông để người lao động nhận thức được lợi ích của việc tham gia BHXH lâu dài, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.

Rút bảo hiểm xã hội một lần: 'Rất khó để có một phương án chỉ toàn ưu điểm'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.