(TNO) Trung úy Trần Đại Dương là một trong hai người lính trẻ có thành tích xuất sắc của đồn biên phòng Cô Tô nằm trên hòn đảo tiền tiêu Cô Tô, Quảng Ninh.
Những người lính biển của đồn biên phòng Cô Tô vững vàng trước sóng gió - Ảnh: Lê Nam
|
8X tiêu biểu của huyện đảo Cô Tô
Ra thăm đồn biên phòng Cô Tô vào một ngày tháng 5 rực nắng, chúng tôi được thượng tá Bùi Thế Tuyên - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cô Tô - tiếp đón niềm nở. Trong số nhiều chiến sĩ đang công tác trên đảo, thượng tá Tuyên nhắc nhiều đến cái tên nghe đã thấy “mùi biển” Trần Đại Dương.
Trần Đại Dương sinh năm 1987 tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên. 18 tuổi, anh nhập ngũ và được phân vào Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 9.2008, anh thi đỗ vào Học viện Biên phòng, ra trường được điều động về Đồn biên phòng Cô Tô, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh.
Được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội vận động quần chúng, trong đó phần việc quan trọng của người lính trẻ là làm cho người dân biết cần xây dựng phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.
Vì là nơi đảo xa nên công tác tuyên truyền nơi đây có nhiều đặc thù riêng, muốn gặp được người dân khá khó khăn vì phần lớn người dân ở Cô Tô làm nghề đánh cá, rất ít khi có mặt ở nhà. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Dương ra cầu cảng lên từng thuyền một để nói chuyện với bà con về cách khai thác thủy sản an toàn. Những ngày mưa gió, biển động, thuyền không ra khơi được, anh đến nhà mọi người để tiếp tục công việc. Nhờ sự tận tụy tuyên truyền của Dương, người dân đã không còn sử dụng thuốc nổ để đánh cá như trước nữa.
Trần Đại Dương là gương điển hình tiên tiến của huyện đảo - Ảnh: Lê Nam
|
Tuổi đời còn trẻ nhưng Dương đã phối hợp với cơ quan chức năng phá nhiều vụ án.
Tháng 10.2014, Nguyễn Thị Bài, quê ở Quảng Ngãi, liều lĩnh ẩn giấu 105 kg thuốc nổ tinh vi trong 4 thùng xốp và 2 bao tải lớn, vận chuyển vào đảo dưới hình thức hàng hóa lương thực. Với con mắt nghiệp vụ, thấy nhiều điểm nghi vấn, anh đã tiến hành kiểm tra hành chính, sau đó bắt giữ đối tượng rồi lập hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để xử lý vụ việc. Ghi nhận kết quả trên, UBND huyện Cô Tô đã tặng giấy khen cho anh vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Hai năm trước, anh nhận nhiệm vụ cùng với Huyện ủy mua giống vật nuôi hỗ trợ cho 3 hộ nghèo, tổng giá trị 18 triệu. Đến nay, cả ba gia đình đều thoát nghèo, từng bước làm kinh tế. Hiện tại, anh cùng với đồn biên phòng còn nhận đỡ đầu hai em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Hằng tháng anh đều đến thăm hỏi và trao khoản tiền 500.000 đồng hỗ trợ cho các em.
Trong chương trình “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, anh Dương cùng với nhân dân xã Đồng Tiến bỏ ra nhiều ngày công xây dựng 5 km đường bê tông.
Tâm tình người lính nơi biển đảo
Đã lâu anh Dương chưa về được về thăm gia đình, nhưng với những người lính biển như anh đó là chuyện rất đỗi bình thường.
Tháng 4 năm ngoái, anh Dương được đơn vị cho về đất liền khoảng 1 tuần để... lập gia đình. Hơn 1 tháng sau, người vợ trẻ mới có dịp ra đảo gặp lại chồng.
Chị Đỗ Thu Ảnh, sinh năm 1989, kém anh Dương 2 tuổi, là người cùng làng, cách nhà anh 400 m. Đang làm việc tại một ngân hàng ở huyện Khoái Châu.
Chị Ảnh say sóng nhưng vẫn gắng ra thăm anh được 2 lần trong khoảng thời gian trước và sau khi cưới. Cuối năm nay, gia đình nhỏ của người lính trẻ sẽ đón thêm một thành viên mới.
Nhắc đến cái tên Trần Đại Dương, anh tự hào cho biết đó là cái tên ông ngoại đặt cho anh. Ông ngoại đã dành cả tuổi trẻ cho biển cả với nghề lái tàu, đến hôm nay cháu cũng đã trở thành người lính bảo vệ hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Bình luận (0)