Lo ngại trẻ sẽ phải ra tòa 2 lần
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) cho rằng đề xuất bắt buộc tách vụ án hình sự khi có người chưa thành niên phạm tội là không hợp lý. Bởi lẽ, tách vụ án sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá toàn diện vụ án cũng như xác định chính xác vai trò của từng đối tượng phạm tội.
Ông Sang lấy ví dụ một vụ án cướp giật có bị can là người chưa thành niên. Sau khi tách vụ án, người chưa thành niên bị xét xử trước, tuyên án tù về tội cướp giật. Đến khi xét xử người trưởng thành, cơ quan tố tụng phát hiện thêm một tội danh mới, vậy lúc này sẽ xử lý với người chưa thành niên thế nào? "Không lẽ bây giờ kháng nghị giám đốc thẩm để hủy án người chưa thành niên?", ông Sang đặt giả thiết.
Vị ĐB cho rằng cần xét xử chung để hội đồng xét xử đánh giá toàn diện vụ án, tất cả tài liệu đều phải được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng từ việc thời gian tố tụng kéo dài, ông Sang đề xuất cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, giao cho địa phương quản lý giáo dục. Trong thời gian chờ xét xử chung, người chưa thành niên phạm tội được sinh hoạt, học tập, lao động bình thường.
Vẫn theo ĐB Sang, tách vụ án còn khiến khối lượng công việc của các cơ quan tiến hành tố tụng tăng rất nhiều, vì thế nên giao quyền ưu tiên cho các cơ quan này để đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng đối tượng, từng vụ án, từ đó quyết định tách hay không tách.
Cùng quan tâm, ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nói khi tách vụ án thì người chưa thành niên sẽ trở thành nhân chứng trong phiên tòa xét xử người trưởng thành, và ngược lại. "Vô hình trung chúng ta lại đưa người chưa thành niên xuất hiện nhiều lần ở các phiên tòa khác nhau, có thể sẽ gây nên những sang chấn về tâm lý cũng như tâm trạng của các em", bà Thu lo ngại và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, chỉ nên tách vụ án khi đã đủ điều kiện.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị quy định theo hướng mở, chỉ ưu tiên tách vụ án nếu điều đó không gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết.
Không tách vụ án, trẻ sẽ thiệt thòi
Bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất của TAND tối cao, ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết dự thảo luật quy định thời hạn tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên chỉ bằng 1/2 so với người trưởng thành (thay vì bằng nhau như hiện nay). Nếu không tách vụ án sẽ dẫn tới trường hợp thời hạn tố tụng của trẻ em đã hết nhưng thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn, chưa thể kết thúc vụ án. Điều này dẫn tới nguy cơ rất cao phải bồi thường vì hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được bị can phạm tội.
Cạnh đó, dự thảo luật còn quy định mọi thông tin của người chưa thành niên phải được bảo mật trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án. Nếu không tách vụ án, kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sẽ phải ghi đầy đủ thông tin cũng như diễn biến hành vi và nhân thân của người phạm tội, trong đó có người chưa thành niên. Đồng nghĩa, nguyên tắc bí mật không được đảm bảo.
Đồng quan điểm, ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) lo ngại về những vụ án có kẻ chủ mưu là đối tượng nguy hiểm, lưu manh, chuyên nghiệp. Trẻ em rất dễ bị tác động tâm lý, dẫn tới sợ hãi, không dám khai đúng sự thật, rất khó để giải quyết vụ án một cách khách quan. Vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để bằng việc tách vụ án. Trường hợp cần đối chất, tòa có thể công bố lời khai trước đó của người chưa thành niên, hoặc bố trí phòng xét xử trực tuyến.
Bà Thu còn cho hay dự thảo luật quy định hàng loạt chính sách về thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên như: không bị còng tay, xét xử ở phòng thân thiện, được ngồi cạnh người đại diện… Nếu không tách vụ án mà xét xử chung với người trưởng thành, những chính sách ưu việt, nhân văn này sẽ không thể thực hiện.
Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cũng đồng tình với đề xuất tách vụ án. Trước lo ngại về việc người chưa thành niên sẽ phải ra tòa 2 lần, ông Chính nói lời khai tại phiên tòa thứ nhất (người chưa thành niên bị xét xử) sẽ là chứng cứ được sử dụng để xem xét, đánh giá trong vụ án thứ hai (người trưởng thành bị xét xử). Vì thế, trẻ không nhất thiết phải có mặt ở cả 2 phiên tòa.
Nếu tách vụ án, trẻ không phải nghe và tiếp cận toàn bộ nội dung vụ án, sẽ tránh được các tác động xấu. Tuy vậy, ông Chính đề nghị tùy từng vụ án cụ thể mà xem xét tách hay không tách, đảm bảo phù hợp với quy định tố tụng.
"Nhân chứng không phải lúc nào cũng ra tòa"
Phản hồi ý kiến các ĐB, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói nếu không tách vụ án thì sẽ vi phạm một loạt nguyên tắc nhân văn mà dự thảo luật đề ra với người chưa thành niên: thời gian tố tụng phải kéo dài, không thể thực hiện các quy trình thân thiện…Trước lo ngại "phải ra tòa 2 lần", ông Bình khẳng định: "nhân chứng không phải lúc nào cũng ra tòa". Người chưa thành niên phạm tội đã bị xét xử 1 lần, toàn bộ chứng cứ của quá trình điều tra đã được thẩm tra công khai. Bản án này nếu có hiệu lực pháp luật thì mặc nhiên được sử dụng như tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa thứ hai, "không nhất thiết các cháu phải ra lần nữa".
Với băn khoăn của ĐB về nguy cơ bỏ lọt tội phạm, ông Bình khẳng định nếu phát hiện có thêm tội danh mới, tòa sẽ kiến nghị điều tra, việc tách vụ án không hề làm mất đi tội danh mới (nếu có). "Việc tham gia hay không tham gia của các cháu không làm ảnh hưởng đến kiến nghị của tòa án", ông Bình nói.
Bình luận (0)