Người lùn mưu sinh

05/06/2008 01:28 GMT+7

Trưa. Bãi cỏ xanh phẳng dưới tán dừa ven bờ biển Quy Nhơn loang nắng chiếu bỏng rát. Trải tấm bạt chừng 3 mét vuông cũ nát, năm người lùn cùng nhau ngon giấc. Khi đã xế chiều, họ tất bật mang túi xách tiếp tục hành trình mưu sinh lắm nỗi nhọc nhằn...

Tự sự của đôi vợ chồng lùn

Trở về nhà trọ sau một ngày rong ruổi bán hàng khắp phố, anh Phạm Đức Vinh nhễ nhại mồ hôi khiến tấm áo khoác trên người đã cũ giờ trông nhàu nát hơn. Đã 53 tuổi, nhưng anh chỉ cao chưa tới 1 mét. Người đàn ông tí hon này kể quê mình ở xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Bố mẹ anh Vinh sinh hạ 5 người con, anh Vinh thứ tư. Ai cũng cao lớn bình thường, chỉ có riêng anh là "ăn mãi vẫn không... chịu lớn"!

Tuy chiều cao không phát triển, nhưng trí não anh Vinh lại có nhiều nổi bật. Bốn tuổi, anh đã đọc được chữ. Sáu tuổi, anh vào lớp 1 như bao đứa trẻ đồng trang lứa. Học giỏi đến lớp 7, anh phải nghỉ ở nhà vì không ai đưa đón. Đoạn đường từ nhà đến trường dài gần 20 km. Lúc này, bố mẹ đã qua đời, các anh em mỗi người mỗi nơi. Có hôm anh tự đi một mình, khi đến trường thì lớp học vắng tanh, vì giờ học đã kết thúc. Anh Vinh ngậm ngùi bảo ngày mẹ còn sống, sợ con mình mặc cảm, nhụt chí rồi nghĩ vẩn vơ, bà thường dặn dò "tuổi nhỏ làm việc nhỏ, đừng bao giờ nản bước trước nghịch cảnh cuộc đời". Nhớ lời mẹ, anh tự lao động mưu sinh qua ngày, xây dựng mái ấm gia đình, dù mọi cái anh có được hôm nay hết sức tình cờ và thật không dễ dàng.

Sống gần trọn cuộc đời, anh Vinh mới tìm được mái ấm hạnh phúc cho riêng mình. Vợ anh là chị Phan Thị Hợi, năm nay 39 tuổi. Chị Hợi cũng chỉ cao ngót nghét 1 mét. Trước đó, nhà chị Hợi rất gần nhà anh Vinh. Mới đầu, hai người này chẳng có tình ý và cũng chẳng dám nghĩ tới chuyện kết duyên. Bao khó khăn, nỗi mặc cảm và tuổi tác đè nén tình yêu trong họ. Nhưng có lẽ nhờ tài thổi sáo, tiếng sáo của Vinh đã đem đến cho chị Hợi nhiều cảm xúc và chị Hợi quyết định sang thăm nhà anh. Chị bảo đó là một quyết định "bạo gan" nhất trong đời mình. Hai người đến với nhau. Đám cưới của họ được tổ chức rất bài bản trước sự chứng kiến của họ hàng, thân hữu. Khi đã chung một mái nhà, đôi vợ chồng tí hon nuôi nhau nhờ mấy sào ruộng. Tuy không có sức khỏe, vóc dáng cao lớn nhưng hai người vẫn có thể cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch... Những việc nặng nhọc, họ thuê mướn người làm. Lao lực thì nhiều nhưng sản phẩm làm ra không đủ ăn. Cuộc sống của họ rẽ sang một hướng khác khi gia nhập Hội Người tàn tật Nghệ An...

Trên nẻo đường mưu sinh

Nhóm "5 người tí hon" ngoài vợ chồng anh Vinh còn có thêm 3 người khác: Nguyễn Thị Thu (48 tuổi), Đỗ Văn Hải (38 tuổi) và Nguyễn Văn Thắng (22 tuổi) đều chỉ cao khoảng 1 mét, ở thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau khi cùng gia nhập Hội Người tàn tật, để tự mưu sinh, những người tí hon này được hội cấp phát hàng (viết, tăm, trà...) đi bán dạo. Chuyến đi đầu tiên của họ là vào Quảng Ngãi, được 1 tháng, họ tiếp tục hành trình vào Quy Nhơn (Bình Định) cùng thuê nhà trọ với giá 300.000 đồng/tháng. Cứ mỗi đợt đi 2 tháng, họ về lại quê nhà thu hoạch mùa màng, trả tiền hàng cho hội.


Anh Đỗ Văn Hải (phải) và Nguyễn Văn Thắng

Suốt cả ngày rong ruổi trên phố, nhưng tính đoạn đường đi của họ chỉ chừng 4 km. Mỗi chiều độ 4 giờ, họ ghé quán cơm bụi, ăn vội đĩa cơm rồi tranh thủ về nhà trọ vì sợ trời tối bị lạc đường. Có ngày bán được hàng, có ngày "sớm đi tối về không" nhưng tất cả vẫn miệt mài. Với họ, đi cho biết đó biết đây, tự nuôi sống bản thân để khỏi mặc cảm đã là một niềm vui. Chị Nguyễn Thị Thu đến nay vẫn chưa có chồng. Chị cứ thẹn thùng mỗi khi có ai hỏi chuyện gia đình.

Dù lắm truân chuyên nhưng mong ước lớn nhất của những người tí hon là về già có thể ổn định được cuộc sống, được xã hội quan tâm, không xem thường và nhìn nhận họ như mọi người bình thường khác.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.