Người mang con mắt trong trái tim

05/05/2013 03:25 GMT+7

Bùi Xuân Phái là người duy nhất chiếm tới 2 bài trong tập phê bình Tiếp xúc với nghệ thuật với những bài viết kiệm lời của Thái Bá Vân. Trong đó, ông Vân đã gọi ông Phái là người có con mắt của trái tim.

Bùi Xuân Phái là người duy nhất chiếm tới 2 bài trong tập phê bình Tiếp xúc với nghệ thuật với những bài viết kiệm lời của Thái Bá Vân. Trong đó, ông Vân đã gọi ông Phái là người có con mắt của trái tim.

Hội họa Việt Nam có đến hai bộ tứ, và bộ tứ thứ hai tính theo thời gian thì gần chúng ta hơn. Đó là “nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”. Một trong những người đó - Bùi Xuân Phái - theo nhà phê bình Thái Bá Vân, hấp dẫn nhờ sự “đáng yêu và hiếm hoi”. Điều kỳ lạ, sự đáng yêu của họa sĩ, dường như chia thành hai mảng, cũng là hai mảng tranh ưu quyền của ông. Một thật thị dân với tinh thần phố cổ. Một thật dân gian với những bức vẽ chèo.

 Họa sĩ Bùi Xuân Phái
Họa sĩ Bùi Xuân Phái - Ảnh: từ facebook của họa sĩ Bùi Thanh Phương

Bùi Xuân Phái dường như đã không may mắn trong sự nghiệp khi là thế hệ cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương - khoảng thời gian mà do nhiều khó khăn, họa phẩm đều bị cắt giảm. Ông cũng không may mắn khi bức vẽ minh họa truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh đã khiến ông phải dời cuộc đời vẽ chính thức nhiều năm. Trong những năm đó, Bùi Xuân Phái kiếm sống bằng nhiều hình vẽ minh họa. Nhiều tác phẩm của ông, cũng do khó khăn vật chất, được thể hiện trên những chất liệu giản tiện, tiết kiệm kỳ lạ: bì thư, vỏ thuốc, vỏ diêm. Tuy nhiên, cũng chính tinh thần giản tiện trong từng chi tiết, sự rạng rỡ của tưởng tượng, kỹ thuật hình họa điêu luyện đã làm nên sự duyên dáng thầm kín của ông.

Thổi hồn vào phố

“Bùi Xuân Phái vẽ nó (phố Hà Nội) trong mọi tâm trạng, bằng mọi chất liệu và kích thước, từ trên những tấm vải sang trọng đến trên một tờ báo cũ, một chiếc bì thư, một vỏ thuốc lá, một vỏ diêm”, nhà phê bình Thái Bá Vân viết. “Ông đã vẽ nó từ nguyên hình thể đến trừu tượng, khi nó chỉ còn là nhịp điệu và ánh sáng gần, xa của kỷ niệm. Tôi đã gọi nó là “phố tiềm thức” trong một cuộc triển lãm gần đây tại nhà riêng của ông”.

 

Cái cột điện nghiêng nghiêng, liêu xiêu trên phố trong tranh Phái như chính cuộc đời và thân phận họa sĩ vậy

Họa sĩ Bùi Thanh Phương

Những bức họa Phố Phái đẹp đến mức, thân quen đến mức, con trai ông- họa sĩ Bùi Thanh Phương còn cho biết có rất nhiều minh họa cho bài hát về Hà Nội đã sử dụng những phố này. Tại ngôi nhà của ông Phương, tranh Phố Phái treo san sát, với những thần thái riêng biệt của chỉ một con người song chớp lại tại nhiều điểm thời gian.

Ông Phương chia sẻ, thuở còn sống, ông Phái vẽ phố nhiều đến mức, khi ông đứng vẽ nhiều người dân còn tưởng ông là người của Sở điện, đi vẽ cột điện. Những bức vẽ của ông, theo họ, chả khác gì sơ đồ cột điện. Thế là họ xúm lại phàn nàn về tình hình cắt điện của khu, sao mà điện đóm chập chờn, phập phù quá. Cũng theo ông Phương, khi nói về đặc trưng của tranh Phố Phái, thì ai cũng biết là mái ngói thâm nâu, những ô cửa sổ. Nhưng để tạo nên hồn phách của của tranh Phố Phái lại chính là cái cột điện. Cái cột điện nghiêng nghiêng, liêu xiêu trên phố trong tranh Phái như chính cuộc đời và thân phận họa sĩ vậy.

“Nhiều người đã hỏi mình những câu hỏi thú vị như tại sao Bùi Xuân Phái thường vẽ cột điện mà không bao giờ thấy có dây điện? Tại sao trên mình cái cột điện trong tranh ông thường có gắn biển cấm đường một chiều?... Mình cho rằng, chỉ Bùi Xuân Phái mới có câu trả lời thỏa đáng về những điều đó”, ông Phương chia sẻ trên trang cá nhân.

Nếu phố cổ thâm trầm, thì chính Phái lại hóm hỉnh, náo động một cách sâu cay ở tranh chèo. Ông Thái Bá Vân đọc từ chèo của Phái cả tiếng trống cầm chầu đến tiếng đàn, tiếng sáo đến tiếng mõ, nhất là tiếng đế chèo. Chúng bước ra từ những hòa sắc và bố cục dìu dặt, lắng đọng, ở những đốm màu bất chợt chói, bất chợt chua, trên cái đối xứng nội tâm của từng đôi trai gái. Có những gã hề say, hề gậy, lão mốc của Phái, bao giờ cũng ngật ngưỡng trong những hình họa vô cùng điêu luyện. “Phái đã đế thêm vào chèo một ngôn ngữ hội họa của riêng ông”, ông Vân viết.

Ông Phương nhớ lại, thời thập niên 70, có một luật không thành văn về những đề tài không có "nội dung" trong đó có trừu tượng, khỏa thân, tĩnh vật. Chúng sẽ bị loại thẳng khỏi các cuộc triển lãm mà không cần phải xem xét mức độ nghệ thuật có nhiều hay có ít. “Dẫu biết vậy, nhưng cả mảng ba đề tài này, Bùi Xuân Phái vẫn âm thầm lặng lẽ vẽ nhiều và vẽ đẹp, bởi lẽ đơn giản ông chỉ vẽ những gì mà con tim ông thành thực có cảm hứng và yêu thích... Những bức tranh ở mảng đề tài này, được vẽ chủ yếu dành tặng bạn bè và người mộ điệu, mặt khác những mảng đề tài này cũng không bán được vào thời đó”, ông Phương viết trên trang cá nhân.

Chính vì thế, sự gặp gỡ của Phái trong nghệ thuật với các nghệ sĩ lớn trên thế giới, những thử nghiệm hội họa của ông phải mãi sau này mới được định giá nhờ các nhà sưu tập lớn. Còn trong suốt cuộc đời hội họa của mình, ngoài các bức minh họa để mưu sinh, tranh của ông là thôi thúc nội tâm của chính mình. Sự thôi thúc và tài năng của Bùi Xuân Phái mạnh đến mức, theo ông Thái Bá Vân: “Có khi tôi tự hỏi nếu hội họa Việt Nam không có Bùi Xuân Phái? Và tôi tự trả lời, thì có một khoảng trống không bù đắp được trong tâm tưởng và hình hài Hà Nội, ở Việt Nam và ở mọi chân trời”.

Không nghi ngờ gì nữa, Bùi Xuân Phái chắc chắn là một nhân tài hội họa. Ông cũng lớn ở cái tình với các nhân tài khác. Trong di bút của mình, ông viết: “Hãy quý trọng nhân tài một cách thực sự. Đừng để họ khổ sở kéo dài. Chính những con người này sẽ làm vẻ vang cho đất nước”.  

Họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988) tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1946. Cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, ông là một trong những tên tuổi của trường ảnh hưởng tới mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia kháng chiến. Năm 1952, ông trở về Hà Nội, sống và sáng tác tại nhà cho đến khi mất.

Chuyên về chất liệu sơn dầu, Bùi Xuân Phái để lại ấn tượng qua hai dòng tranh: tranh phố Hà Nội và tranh vẽ sân khấu chèo. Khi không đủ họa phẩm, ông còn vẽ lên vải, giấy, bảng gỗ, giấy báo. Bùi Xuân Phái cũng vẽ tranh minh họa cho các báo.

Triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất khi ông còn sống được tổ chức vào năm 1984.

Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Trinh Nguyễn

>> Trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội
>> Triển lãm tác phẩm đoạt giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội
>> Tranh giả Bùi Xuân Phái bán ở Sotheby's
>> Người Hàn Quốc yêu tranh của Bùi Xuân Phái
>> Triển lãm tranh Bùi Xuân Phái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.