Người mẹ bán mắm - Truyện ngắn của Trầm Hương

30/05/2021 07:00 GMT+7

“Mẹ ơi, có đứa gọi con là con hoang”. “Không. Ba con là một người đàn ông đẹp trai, tốt bụng và tài giỏi. Con đã cất tiếng khóc chào đời giữa cánh đồng hoa cúc quỳ vàng rực rỡ. Ba con đã hôn con vội vã rồi hòa vào đoàn quân tiến về phía trước. Chuyến đi ấy ba đã không về…”. Mẹ tôi nói về ba, tự hào, xa vắng.

Tôi không giấu được nỗi hoang mang: “Nhưng tại sao…”. Mẹ nhìn tôi, đăm đắm: “Nói làm gì. Chỉ mẹ con mình biết là đủ. Con biết tự hào, mẹ biết để yêu thương. Mẹ không muốn tình yêu của mình bị thẩm định, trả giá. Mãi mãi, mẹ chỉ yêu ba con. Và tình yêu ấy mẹ truyền lại cho con!”.
Tôi im lặng, dù còn nhiều ấm ức trong lòng nhưng tôi hiểu không nên hỏi thêm mẹ nữa. Câu chuyện về người vắng mặt bí ẩn dừng lại ở đây. Tôi đọc được trong mắt mẹ một nỗi đau da diết và thầm kín. “Đừng chạm đến nỗi đau của mẹ”. Trái tim một đứa con gái mới lớn của tôi luôn thôi thúc được trở về nguồn cội, nhưng hỏi làm gì khi mẹ muốn im lặng. Tôi có mẹ và mẹ yêu tôi là đủ. “Mẹ muốn được sống thanh thản, dù khổ cực nhưng không xấu hổ trước lương tâm là được”. Đó là bài học vỡ lòng về ứng xử, mẹ đã dạy cho tôi. Bài học ấy khiến tôi vào đời không kém phần lao đao, vất vả vì người đời không đơn giản như mẹ con tôi. Người ta thích sống bằng bề ngoài giả tạo hơn giá trị tâm linh của con người…
Người dân xứ sở đồng bằng thích ăn mắm. Nhờ sở thích ấy, mẹ con tôi sống qua ngày với nghề bán mắm. Mắm lóc, mắm sặc, mắm linh, mắm cá cơm, mắm thái, dưa mắm… Đã là mắm thì phải có mùi đặc biệt. Ngôi nhà bé nhỏ của mẹ con tôi lưu cữu mùi mắm. Thường ngày tôi giúp mẹ trộn thính vào mắm cho thơm và tươi màu, trộn dưa mắm… Bàn tay thon nhỏ của tôi quen với công việc nặng nhọc mang tính gia truyền này. Mắm của mẹ tôi đặc biệt ngon nhờ bí quyết trộn và giữ gìn riêng nên đắt khách. Quầy bán mắm của mẹ tôi tuy ở trong góc khuất nhà lồng chợ nhưng luôn có người tìm đến mua. Bạn hàng quen đưa mắm của mẹ về các chợ ở thành phố. Nhờ vậy, mẹ kiếm được tiền nuôi tôi ăn học, một phần để dành khi ốm đau, hữu sự.
Ngoài hàng mắm, mẹ tôi còn bán kèm theo những loại rau ăn mắm như bắp chuối, rau mác, rau đắng, hoa kèo nèo… Vì vậy, mẹ tôi còn có biệt danh “Cô Hai kèo nèo” thoạt nghe không lấy gì làm dễ chịu lắm. Kỳ thực, cái tên hoa kèo nèo nghe thật quê mùa nhưng đâu ai biết nó đẹp một cách kỳ lạ. Nhờ trả tiền khá hậu nên những người nông dân ưu tiên mang đến hàng mắm mẹ tôi những bó bông kèo nèo bum búp, bụ bẫm, xanh mướt. Nếu bó bông đó có trộn lẫn hoa nở, tôi nhặt ra, đem cắm vào bình. Những bông hoa màu tím ngắt đẹp một cách kỳ lạ. Nó gợi lên trong lòng tôi một nỗi buồn thầm kín, mênh mang. Tôi tự nhủ: “Mẹ có một vẻ đẹp giống như hoa kèo nèo. Hoa kèo nèo đẹp mà buồn, tím ngắt, lặng lẽ như đời mẹ”.
Mỗi sáng, tôi thức dậy cùng mẹ bưng bê những thau mắm vun ụ được đậy điệm cẩn thận, những bó rau ăn kèm với mắm chất trên chiếc xe gỗ rồi ì ạch đẩy ra chợ, lích kích dọn hàng. Xong xuôi, tôi vội vã trở về nhà tắm rửa, chuẩn bị sách vở đến lớp. Tối, ăn cơm xong, tôi giúp mẹ trộn mắm chuẩn bị cho phiên chợ hôm sau rồi ngồi vào bàn, đốt lên ngọn đèn dầu nhỏ học bài. Cái bóng lẻ loi, cô độc của tôi in lên vách. Những bông hoa kèo nèo trong bình tàn tạ, héo úa, gãy gục. Hoa đẹp mau tàn, đời hoa chỉ trong khoảnh khắc. Đời mẹ tôi có lẽ chỉ rực rỡ trong khoảnh khắc. Khi được yêu người đàn ông ấy để hoài thai sinh ra tôi. Sau đó là sự lãng quên, lặng lẽ. Mẹ cam chịu nhưng tôi không cam lòng. Nhiều lúc, tôi mơ hồ đợi tiếng gõ cửa dội lên từ tiềm thức. Nhưng tôi không thấy gì ngoài hiên vắng, thảng hoặc có tiếng mèo kêu ai oán trong đêm, tiếng cành cây khua trên mái tôn, đơn điệu và tẻ nhạt…
Ầu ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời…
Tự bao giờ tôi đã thấm thía lời ru buồn của mẹ. Và cũng tự bao giờ, nỗi buồn ấy đã đốt cháy trong tôi ngọn lửa của khát vọng. Mẹ tôi là người đàn bà đẹp, mái tóc dài đen mượt được búi gọn sau gáy, chiếc áo bà ba sậm màu tôn thêm nước da trắng của mẹ. Tại sao một người như mẹ lại chọn cuộc đời lặng lẽ, hẩm hiu trong góc nhà lồng chợ tăm tối, chật hẹp. Không son phấn lụa là, không màng đến phồn hoa, lễ hội, hương sắc bốn mùa xuân hạ thu đông, vây quanh mẹ là thau, hũ với những con mắm trở nhợt nhạt hôi tanh, là những bó hoa dại kèo nèo đắng nghét, hoa chuối tím bầm, rau mác, hẹ ruộng... Mẹ dùng đũa lớn, gắp gắp, gói gói, mời chào. Thế giới của mẹ chỉ có bấy nhiêu thôi, không có được một khoảng trời, với mùi mắm lưu cữu vây quanh, ám vào mẹ, mùi hoa dại hăng hăng, nồng nồng. Tại sao?! Tại sao một người đàn bà đẹp như mẹ chấp nhận một cuộc sống lặng lẽ như vậy khi đời thiếu nữ của mẹ đầy sôi động. Mẹ đã gặp và yêu ba dưới ánh trăng vàng lãng mạn, đã sinh ra tôi giữa cánh đồng đầy hoa cúc quỳ rực rỡ… Sao giờ này mẹ lại chọn một góc hẹp cho cuộc đời mình? Tôi tự hỏi và suy nghĩ miên man trong lúc đã vào giường buông màn, mắt nhắm nghiền. Mẹ nghĩ tôi đã ngủ say, kéo chăn đắp kín ngực cho tôi, nhìn ngắm tôi với niềm say mê kỳ lạ rồi hôn lên vầng trán của tôi. Tôi nằm im cơ hồ nín thở vì sợ mẹ biết tôi còn thức và giây phút êm đềm ấy vụt bay biến đi ngay. Tôi ứa nước mắt để nhận ra bài học về lòng hy sinh và sự cam chịu. Mẹ cam chịu cho tương lai của tôi, cho khung trời rộng mở của tôi phía trước. Khoảng mở ấy từ góc nhà lồng chợ tối tăm, chật hẹp và hôi tanh mà mẹ đã tự nguyện chọn làm điểm khởi đầu. Mẹ chỉ có một ước nguyện duy nhất là mong tôi học hành giỏi giang, nên người. Lẽ nào tôi phản bội mẹ. Ngọn lửa khát vọng được đốt lên, lẻ loi, cô độc và bền bỉ…
Tôi thi chuyển cấp đạt điểm cao. Nhờ vậy, tôi được học ở một trường có tiếng tăm của thị xã. Bạn bè mới, thầy cô mới… Tôi lạc lõng và xa lạ giữa đám bạn toàn con nhà giàu có, thế lực. Ngay từ thời cắp sách, tôi đã thấm thía sự phân cấp này. Điều đó thật dễ hiểu đối với một đứa con không có cha và mẹ là “Cô Hai kèo nèo” làm nghề bán mắm. Thằng Tuấn, áo quần bảnh bao, vênh váo khoe ba nó là chủ tịch thị xã. Nó tuyên bố sẽ vào bất kỳ đại học nào nếu nó thích. Con Hoa được mọi người xum xoe vì ba nó là nhà văn nổi tiếng. Những bài văn của nó thuộc vào hạng trung bình nhưng được tán tụng như một thiên tài văn chương trẻ tuổi, dù tôi cảm nhận thấy sự sáo rỗng, vô hồn đằng sau những ngôn từ lấp lánh kêu vang. Thằng Bình được tôn làm thần tượng của các mốt thời trang do ba nó có một cửa hàng quần áo lớn nhất thị xã. Nó đến trường trong những bộ cánh sang trọng, hợp thời nhất lớp… Lạ thay, điều chúng nó tự hào không phải là những điểm mười, điểm tám mà là cái bóng vinh quang và sức mạnh của ba mẹ, nhân thân.
Tôi tìm cho mình một góc riêng biệt. Những đứa bạn mới giương mắt nhìn tôi. Tôi nhìn lại với một sự tự tin và thách thức thầm lặng. Thằng Tuấn chun chun mũi: “Mùi gì kỳ quá ta, thúi, thúi hoắc!”. Nó nghếch chiếc mũi tẹt trên gương mặt đầy mụn trứng cá nhìn quanh quất. Những đứa khác hưởng ứng ngay sự khám phá của nó như một trò chơi xu thời. Chợt nó dừng lại bên tôi, hét tướng lên sau cái nhăn mũi đầy khinh miệt: “Con Diệu, chính thủ phạm là nó. Đúng rồi, mẹ nó bán mắm nên nó hôi rình”. Nó khum mũi xuống đôi bàn tay chuyên nghề trộn mắm của tôi xác nhận mục tiêu đã được khám phá. Với sự khinh miệt và hợm hĩnh, Tuấn xê ra khỏi tôi như tránh một con hủi: “Thấy ghê! Mặt mũi sáng sủa vậy mà sặc mùi mắm thúi, con gái “Cô Hai kèo nèo” bán mắm tụi bây ơi!”. Nỗi uất giận làm mắt tôi trào lệ. “Phải, tao là con gái của “Cô Hai kèo nèo” bán mắm đây. Nhưng điều ấy có gì để chúng bây khinh miệt khi tao vẫn có quyền tự hào: Tao - Diệu này là con gái của “Cô Hai kèo nèo” bán mắm! Tao cũng có quyền tự hào lắm chứ. Mẹ tao là một bà bán mắm nhưng đã cho tao biết bắt đầu cuộc đời từ đôi bàn tay của chính mình, cho tao biết thế nào là lòng hy sinh… Chắc gì chúng mày hiểu được. Phải, tao là Diệu, con gái của “Cô Hai kèo nèo” bán mắm ở chợ cầu đúc Bưng Môn đây! Tao sẽ dạy cho mày biết thế nào là con
gái của một thường dân bán mắm!”. Tôi thu hết sức mạnh dang thẳng cánh tay tát vào má thằng Tuấn. Tuấn hét lên, lảo đảo trước cái nhìn sững sờ của mọi người…
Thấy gương mặt đầm đìa nước mắt của tôi, mẹ hiểu ra mọi chuyện. Mẹ lặng lẽ làm cơm cho tôi ăn. Mẹ nhìn tôi sâu thẳm: “Con xứng đáng là con của mẹ, của ba con”. Suy nghĩ đăm chiêu một lúc, mẹ nói:
- Thôi, từ nay con đừng trộn mắm nữa.
Tôi biết mẹ muốn tôi đến trường sạch sẽ, thơm tho, sang trọng. Mẹ muốn tôi có được một bề ngoài để đừng ai khinh thường. Nhưng ý nghĩ của mẹ thật sai lầm, thật tội nghiệp. Tôi kiên quyết nói:
- Không, con vẫn trộn mắm, vẫn đi bán mắm. Bàn tay con hôi mắm nhưng vào giờ kiểm tra không đứa nào dám chê mùi mắm của con đâu.
- Con thật là…
Mẹ nhìn tôi, ánh mắt vừa trách móc vừa pha lẫn niềm tự hào.
Năm cuối cấp ba trôi đi trong tất bật, vội vã. Ngoài vật lộn với những môn thi cuối cấp, tôi lao vào các kỳ thi TOEFL, SAT, viết bài luận với sự quyết liệt thầm lặng. Trong căn phòng nhỏ nơi thị xã tĩnh lặng, với chiếc máy tính kết nối, tôi gửi đến các trường đại học trên thế giới khát vọng xin học bổng du học. Sau kỳ thi tú tài, điểm số của tôi vào được nhiều trường đại học tốp cao trong nước. Cùng lúc, tôi nhận được I-20 của một trường đại học ở Mỹ. Niềm vui, tự hào trong tôi ùa đến cùng nỗi lo âu. Con gái một bà bán mắm làm sao đủ tiền du học. Dù tôi có được học bổng miễn học phí nhưng tiền ăn ở mỗi năm hơn mười ngàn đô la. Số tiền ấy quá lớn với mẹ con tôi.
Suốt mấy ngày liền, tôi sống trong tâm trạng ngổn ngang, giằng xé. Không chỉ khó khăn về tiền bạc, tôi không khỏi đắng lòng nghĩ đến cảnh tôi ra đi biền biệt, bỏ mẹ lại trong căn nhà lưu cữu mùi mắm. Ai giúp mẹ trộn mắm, dọn hàng... Cuối cùng, tôi đành trao cho mẹ bức thư tôi được nhận vào một trường đại học nước Mỹ. Tôi rưng rưng nói với mẹ: “Mẹ ơi, nhà mình nghèo quá nên dù khao khát được du học, con quyết định ở lại…”.
Mẹ chăm chú đọc tờ giấy bằng tiếng Anh. Mẹ không biết tiếng Anh, nhưng mẹ hiểu nội dung của lá thư bằng tình mẫu tử. Mẹ ôm tôi vào lòng, khóc tức tưởi, nghẹn ngào. Rồi chợt mẹ đẩy tôi ra, lau nước mắt, ngẩng mặt nhìn tôi, nghiêm trang nói: “Không, con phải đi. Con phải bay xa. Tương lai con ở phía trước!”. Tôi bật khóc nức nở: “Nhưng mẹ ơi, nhà mình đâu có tiền…”. Mẹ lau nước mắt cho tôi, chưa bao giờ tôi thấy mẹ quyết liệt và kiêu hãnh đến thế: “Mẹ có. Mẹ đủ tiền cho con đi học!”. Mẹ xoay người, giở vạt giường lên, lấy ra chiếc giỏ đan bằng lát, mở nó ra. Mẹ run rẩy lấy ra những miếng giẻ rách nát, từ đáy giỏ, một luồng ánh sáng lộng lẫy rọi đến tôi. Tôi mở to mắt, không thể nào tin được. Mấy mươi lượng vàng được cất trong chiếc giỏ lát quê kiểng, cũ kỹ. Mẹ chắt chiu, mấy mươi năm bán mắm, cho tương lai bằng cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời mẹ!
“Ôi, mẹ ơi!”. Mắt tôi nhòa đi. Mẹ tôi, người đàn bà bé nhỏ bán mắm suốt đời giam mình trong góc nhà lồng tăm tối, chật hẹp sẽ cho tôi bay vào khung trời cao rộng! Mẹ tôi đã viết nên chuyện cổ tích từ thế giới hỗn mang này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.