Lưu giữ hàng ngàn vỏ bom đạn ở trong vườn nhà, ông Nguyễn Tú Lâm (62 tuổi, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) là người duy nhất ở Bình Dương có được bộ sưu tập này…
Ông Lâm cho biết mong muốn của ông là lưu giữ lại những chứng tích chiến tranh để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ sau này. Để có được hàng ngàn vỏ bom đạn, ông Lâm đã bỏ công tìm kiếm và lưu giữ trong suốt 32 năm qua.
|
Mưu sinh từ bom đạn
Trong chiến tranh, xã Thanh Tuyền nằm trong vùng “tam giác sắt”, gồm các vùng: Củ Chi (TP.HCM) và xã An Tây (Bến Cát), Thanh Tuyền (Dầu Tiếng, Bình Dương)- là cơ sở của các cơ quan cách mạng. Chính vì vậy, đây là nơi bom đạn của địch đã rải xuống rất nhiều nhằm tiêu diệt cơ sở cách mạng của ta. Sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất “tam giác sắt” còn sót lại rất nhiều bom, đạn, pháo… nên nhiều người dân đã đi thu gom lấy sắt vụn bán để mưu sinh. Ông Lâm cho biết, những vỏ trái bom, đạn cái nào bằng thép thì dùng làm dụng cụ cho sản xuất nông nghiệp, còn lại thì bán sắt vụn lấy tiền trang trải cuộc sống.
|
Trong một lần đi thăm địa đạo Củ Chi, ông Lâm thấy những người khách nước ngoài rất cảm phục ý chí quật cường của người Việt Nam. Dù phải hứng chịu “mưa bom, bão đạn” nhưng người Việt Nam vẫn anh dũng đứng lên. Từ đó, thôi thúc ông Lâm đi tìm kiếm và mua lại những vỏ trái bom, đạn để lưu giữ làm kỷ niệm cũng là để cho thế hệ thanh thiếu niên sau này biết đến.
Trong 32 năm tìm kiếm những thứ của “thần chết”, đến thời điểm này ông Lâm đã sưu tập được hàng ngàn vỏ bom, đạn, pháo, mảnh bom B52, cối, pháo sáng hoả châu… và nhiều loại khác. Có vỏ trái bom nặng cả tấn, đường kính lên tới 203 cm. Tâm sự với chúng tôi, ông Lâm bảo: “Tôi chẳng biết chúng tên gì, thấy nó có hình thù giống con heo, cây viết… thì nó gọi vậy thôi. Giống con heo thì gọi là bom heo, giống con cá mập thì gọi là bom cá mập, giống cái lu thì gọi là bom lu…tất cả chúng đã được cưa lấy hết thuốc trước khi tôi mua về rồi nên không còn khả năng sát thương”.
Người nhà cũng thấy sợ
Chia sẻ về việc làm không giống ai của chồng mình, bà Nguyễn Thị Mật (59 tuổi - vợ ông Lâm), cho biết: “Nhiều người nói ổng không bình thường, nhưng thấy ổng đam mê nên thôi cứ để ổng ấy làm những gì tùy theo ý thích. Thật lòng tôi thấy “chơi” với bom đạn như này nguy hiểm quá”. Bà Mật kể tiếp: “Có lần ông ấy tìm được trái bom lớn mà trong nhà không còn đủ tiền, ông đã bán luôn chiếc xe ben đang cho thuê, để mua trái bom”.
Trong quá trình thu mua, lưu giữ những kỷ vật một thời chiến tranh, ông Lâm đã được nghe nhiều câu chuyện trong chiến đấu của những người từng tham gia kháng chiến đến để mua lại một vài vỏ bom về làm kỷ niệm, để nhớ lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ qua. “Thấy được tâm nguyện, hoàn cảnh của họ có cái gì đó giống mình nên tôi đã tặng hoặc để lại lại cho họ với giá vốn” – ông Lâm chia sẻ.
Ngoài số bom, đạn, pháo cung cấp cho nhà truyền thống công ty cao su Dầu Tiếng và địa đạo Củ Chi. Những vỏ trái bom còn lại trưng trong khu vườn tại nhà của ông Lâm cũng đủ để người xem hiểu về một cuộc chiến tranh trong quá khứ đầy đau thương. Nhất là đối với người dân khu vực “tam giác sắt” và một thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Những mảnh bom, đạn là sức mạnh của kẻ xâm lược. Thế nhưng nó lại không khuất phục được tinh thần đoàn kết, yêu nước của cả một dân tộc. Đó là một điều kỳ diệu mà không phải ai trong thế hệ trẻ ngày nay cũng tận mắt thấy được.
Huy Anh
>> Còn đó nỗi đau từ bom đạn
>> Sống dưới bom đạn của UAV
>> Tiêu hủy 2,1 tấn bom đạn phát hiện dưới nền nhà dân
>> Hơn 185.000 bom đạn được xử lý
>> Phát hiện nhiều bom, đạn trong nhà dân
Bình luận (0)