Người miền Tây 'thuốc cá vuông', cá 'xỉu' tha hồ vớt

Đình Tuyển
Đình Tuyển
06/05/2019 11:17 GMT+7

Khi người nông dân miền Tây rải nước thuốc cá làm từ rễ cây xuống mặt nước, chẳng mấy chốc, cá lớn cá bé giẫy đành đạch rồi ngửa bụng ngất xỉu. Việc vớt, bắt cá sau đó thật dễ dàng.

Sáng sớm, ông Phạm Thanh Dũng (57 tuổi, ngụ ấp Nam Chánh, xã Ngọc Chánh, H. Đầm Dơi, Cà Mau) đã canh con nước ròng để tháo nước từ vuông tôm ra kinh. Lúc này, nước trong vuông chỉ còn chừng 2 tấc (20 cm).
Ông Dũng bảo, trước khi cải tạo vuông tôm, chuẩn bị cho vụ tôm mới, người nông dân Cà Mau thường sử dụng một loại thuốc làm từ rễ cây để bắt cá tạp tự nhiên, loại thuốc này an toàn cho sức khỏe con người nếu ăn cá.
Cách làm này giúp bắt sạch những loài cá tự nhiên theo con nước kinh vào vuông sinh sôi, nảy nở. “Sở dĩ phải bắt đi số cá này là để tránh việc tôm giống vừa thả xuống vuông đã thành mồi cho chúng ăn”, ông Dũng nói.
Kể về cách thức thuốc cá vuông, ông Dũng cho biết, rễ cây thuốc cá được mua về xay nhuyễn, trộn với nước và sình non, rồi rải trên mặt nước. Chỉ vài phút sau, cá lớn, cá bé đều bị ngộp thở, bơi lờ đờ trên mặt nước. Một số con còn khoẻ thì vùng vẫy cho đến khi đuối sức sẽ nằm yên trên mặt bùn.
Ông Phạm Thanh Dũng rải nước thuốc cá để bắt cá tạp tự nhiên Ảnh: Đình Tuyển
Lúc này, người nông dân chỉ việc xách xô hay đẩy xuồng đi vớt cá rất dễ dàng. Chính vì sự tiện lợi này mà bao đời nay, thuốc cá vuông đã trở thành hoạt động phổ biến trước khi nông dân nuôi tôm quảng canh ở Cà Mau cải tạo vuông và bước vào vụ mới.
Cá nâu bị ngộp giãy đành đạch rồi lăn lên bùn nằm phơi bụng chờ bắt Đình Tuyển
Cá đối, cá rô phi cũng nằm lờ đờ trên mặt nước Đình Tuyển
Một con cá bự bị bắt khi lao lên mặt bùn Đình Tuyển
Kéo xuồng đi vớt cá Đình Tuyển
Tôm sú không bị ảnh hưởng bởi thuốc cá Đình Tuyển
Ông Dũng cho biết, ở Cà Mau, dây thuốc cá mọc nhiều ở U Minh. Một số nơi người dân trồng thuốc cá bán cho thương lái mang lại nguồn lợi kha khá. Theo kinh nghiệm của người dân, dây thuốc cá chỉ có tác dụng với các loài cá, không có tác dụng với những loài giáp xác như như tôm cua. Thậm chí, sau thuốc cá, nước trong vuông sẽ mát mẻ hơn, tôm sẽ lột xác và lớn nhanh như thổi.
Dây thuốc cá cũng không gây hại qua đường tiêu hóa với người hay động vật máu nóng. Chính vì vậy mà cá bắt được sau khi dùng dây thuốc cá vẫn được người dân sử dụng một cách an toàn. Đặc biệt, dù được gọi là cá tạp nhưng đều là cá tự nhiên như cá rô, cá đối, cá chẽm, cá ngát, cá nâu…
Vất vả vận chuyển cá về nhà Đình Tuyển
"Chiến lợi phẩm" là hàng trăm ký cá các loại Đình Tuyển
Những loại cá này đem bán cũng mang lại nguồn thu kha khá cho nông dân  Đình Tuyển
Phải huy động cả gia đình cùng làm cá trước khi vô bọc đem cho bà con, người thân Ảnh: Đình Tuyển
Những loại cá trên, nếu thương lái tới cân cũng được giá từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng một ký. Mắc tiền nhất là có chẽm khoảng 110.000 đồng/kg (loại 5 kg/con trở lên), cá phi 25.000 - 30.000 đồng/kg (cá 4-5 con/kg), cá ngát 40.000 đồng/kg, cá đối 90.000 đồng/kg.
Làm chơi nhưng ăn thiệt, chỉ trong vài giờ đồng hồ thuốc cá vuông, gia đình ông Dũng đã bắt được cả trăm ký cá các loại chia cho họ hàng thân quen. Một ít ông chừa lại gia đình ăn, cá đối đem nướng trên bếp than, cá nâu kho trái giác, cã chẽm, cá ngát nấu lẩu mắm thơm lừng… Một bữa tiệc thịnh soạn thiết đãi những người tham gia bắt cá giúp!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.