Người mở cõi ở Tây Ninh

13/12/2012 10:29 GMT+7

Dinh thờ Quan Lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản vừa được khánh thành tại TX.Tây Ninh (Tây Ninh). Ông được xem là người đầu tiên đến vùng đất Tây Ninh quy dân lập ấp, cùng nhân dân địa phương chống giặc xâm lược giữ yên bờ cõi.

Theo một vài tư liệu còn ghi lại: ông Huỳnh Công Giản sinh năm Nhâm Dần (năm 1722), quê ở Đàng Ngoài (làng Nhật Tảo) trong một gia đình nông dân. Năm  Kỷ Tỵ (1749), hay tin vùng biên cảnh Tây Ninh đang bị giặc Miên xâm phạm, cướp bóc dân nghèo; nên ông cùng 2 anh em  Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ đến lập ấp, cùng nhân dân địa phương rèn luyện võ nghệ bảo vệ xóm làng. Huỳnh Công Giản cho xây thành lũy, tạo lá chắn vững chắc cho thành Trà Vong (nay thuộc ấp 3, xã Trà Vong, H.Tân Biên) và đích thân ông trấn giữ. Hai đồn trợ thủ là đồn tiêu Bến Thứ (nay thuộc xã Hảo Đước) do Huỳnh Công Nghệ trấn thủ và đồn hậu cứ tại Cẩm Giang (thuộc xã An Cơ, H. Châu Thành) do ông Huỳnh Công Thắng chỉ huy.

 Dinh thờ Quan Lớn Trà Vong
Một nghi lễ cúng dân gian trong ngày khánh thành Dinh thờ Quan Lớn Trà Vong tại TX.Tây Ninh ngày 9.12.-Ảnh: Giang Phương

 
Tư liệu về ông Huỳnh Công Giản ngày nay còn rất ít và chưa đầy đủ. Theo Ban cúng tế Miễu Trà Vong, sử liệu về ông Quan Lớn Trà Vong thì chính sử không ghi chép mà được các nhà nghiên cứu sưu tầm trong dân gian truyền khẩu rồi viết lại.

Ngày 12.2 (âm lịch) mùa xuân năm Nhâm Dần (1782), giặc Miên tràn vào đánh chiếm thành Trà Vong từ bốn phía. Quân giặc tấn công dồn dập nhưng đội quân ông Huỳnh Công Giản kịp thời chống cự. Do  giặc quá đông, chết lớp này lớp khác lại cuồng lên trong khi quân ta quá ít không thể địch nổi. Ông Huỳnh Công Giản một mặt cho liên lạc để Huỳnh Công Nghệ mang quân chi viện, một mặt cùng binh sĩ tả xung hữu đột sẵn sàng tử thủ để giữ thành. Thấy thành sắp rơi vào tay giặc, phận làm tướng phải lấy câu “thành mất thì tướng cũng mất theo” làm đầu nên dù hết sức lực Huỳnh Công Giản vẫn vung nhát gươm cuối quyết tử cùng giặc chứ nhất định không đầu hàng.

Tướng Huỳnh Công Giản ngã xuống, giặc tràn vào chiếm giữ được thành Trà Vong. Vừa lúc đó, viện binh của tướng Hùynh Công Nghệ cũng vừa tới liền truyền lệnh vây thành chặn đường rút lui của giặc. Thế lực địch đã yếu đi nhiều từ trận chiến trước đó nên nhanh chóng rã rời và bị tiêu diệt, thành Trà Vong được giữ lại. Sau trận đánh kinh thiên đó, về sau giặc Miên không dám sang lấn chiếm nữa.

Khi ông Huỳnh Công Giản chết đi, nhân dân ở đây đã an táng ông tại một cánh rừng bên bờ suối Trà Vong (nay là ấp 3, xã Trà Vong). Hàng năm cứ ngày 12.2 (âm lịch) (ngày giỗ) và ngày 15, 16, 17.3 (âm lịch), người dân Tây Ninh cùng khách thập phương đều rủ nhau về chiêm bái, thờ cúng, múa lân bên các miếu thờ để tưởng niệm tri ân đối với bậc tiền nhân mở cõi cho đất nước, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo Ban cúng tế Miếu Trà Vong: “Dù không thấy triều Nguyễn phong sắc thần cho ông, nhưng do nhân dân Tây Ninh nhớ đến công đức nên lập miếu thờ và phong Thần cho Ngài”.

Giang Phương

 >> Khánh thành dinh thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.