Nhiều nghệ sĩ lớn đã phải đánh đổi nhiều thứ để được thành công. Còn ông nói không bao giờ chịu đánh đổi điều gì để đổi lấy tự do |
||
Cuộc thi đã diễn ra lần thứ hai, lần nào ông cũng về nước tham dự. Nghệ sĩ nói, công việc của ông là “giám sát” giám khảo, trước đó là “nhắm” các thí sinh nước ngoài cho cuộc thi. Nhưng hơn hết, mỗi lần trở về là cơ hội để ông hỗ trợ cho nền âm nhạc cổ điển nước nhà, trong đó có những tài năng trẻ.
Những ngày tháng 3 năm ngoái, ông cố gắng thu xếp quỹ thời gian hạn hẹp về nước giảng dạy tại Học viện m nhạc quốc gia Việt Nam. Khán phòng lúc nào cũng kín học sinh, đủ mọi lứa tuổi. Bởi ai cũng hiểu không phải lúc nào cũng có cơ hội quý giá, được ông truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm, và lòng đam mê mãnh liệt theo một cách tự nhiên. Tại Trường đại học Montréal (Canada), NSND Đặng Thái Sơn chỉ nhận 6-7 học trò, nhưng ông nhất định dành chỗ cho sinh viên Việt Nam. Nhiều thế hệ học trò của ông đã trở về nước giảng dạy. Sự kế tiếp khiến ông tự hào, hạnh phúc.
Bên cạnh việc giảng dạy, từ lâu Đặng Thái Sơn luôn tìm cách hỗ trợ đào tạo âm nhạc cổ điển trong nước bằng cách này hay cách khác. Cách đây mười năm, ông cùng những người bạn Nhật Bản thành lập một hiệp hội âm nhạc, hỗ trợ Học viện m nhạc quốc gia (khi đó còn là Nhạc viện Hà Nội). Thầy cô giáo và học sinh đã mừng rỡ vô cùng khi nhìn thấy cây đàn piano hiệu Steinway đầu tiên. NSND Đặng Thái Sơn cũng gom góp những cây đàn cũ từ Nhật Bản chuyển về các trường nhạc trong nước, vận động kinh phí hỗ trợ việc mua sách nhạc... Ông quan niệm, âm nhạc không bao giờ được “bế quan tỏa cảng”, cần học hỏi ở thế giới. Trong khi các cuộc thi quốc tế chỉ mang nhiều tính chất giao lưu, để phát triển tài năng, người học nhạc cần được tham gia khóa đào tạo có thể dài hoặc ngắn hạn, các trại hè. Vậy nên, ông luôn cố gắng dành tặng những suất học bổng đào tạo cho học sinh. “Tôi đều làm những điều đó một cách tự nguyện. Đây là những gì người đi trước có thể làm cho thế hệ sau”, NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ. Cũng có lẽ, ông muốn thế hệ này được đầy đủ hơn thế hệ trước của ông. Một thời gian khó, đến giờ ông vẫn nhớ: “Hồi tôi còn nhỏ, chẳng có điện nên không có điều kiện được nghe băng đĩa. Bảy tuổi, tôi sơ tán lên Hà Bắc. Đàn piano thì cồng kềnh, mấy con trâu bò, mới kéo nổi, trong lớp mọi người tranh nhau một chiếc đàn. Sách nhạc cũng vô cùng thiếu thốn, cả trường có vài quyển. Đám học trò phải ngồi chép lại bằng tay. Đến những năm 1969-1970, Hà Nội có điện mỗi tuần một lần. Chúng tôi rủ nhau tranh thủ tụ tập ngồi nghe đĩa nhạc”.
Cái thời thiếu thốn trăm bề đã qua lâu, nhưng chỉ vài năm trở lại đây, cơ sở vật chất mà theo cách nghệ sĩ gọi là “phần cứng” đã phát triển hơn, số lượng bạn trẻ học đàn nhiều hơn. Nhưng “phần mềm” giáo trình dạy học, chất lượng đào tạo vẫn là điều khiến ông phải bận tâm. Theo ông, điều có thể làm ngay và không bất cứ khó khăn gì là tạo cách làm việc chuyên nghiệp, học nhạc trong môi trường hoàn toàn im lặng, tập trung. Người thầy cũng là yếu tố cần nói đến. Thầy cô có thể coi như huấn luyện viên trưởng đội bóng, nhiều khi là yếu tố quyết định cho người nghệ sĩ nếu đi đúng đường, nhưng nghệ thuật đòi hỏi nhiều ở tính cá nhân. Điều cốt lõi nhất là người chơi phải có tài năng, không thể tiếp thu lời thầy dạy một cách thụ động. NSND Đặng Thái Sơn nói, ông đã nhìn thấy lứa thế hệ tài năng mới, nhưng các em mới chỉ là những viên đá quý, cần phải mài giũa. Chỉ có một viên ngọc mà ông thấy đã bắt đầu tỏa sáng là Lưu Hồng Quang. Ông trò chuyện hứng khởi hơn khi nhắc đến cậu: “Tôi thấy Quang là một tài năng thực sự”.
|
Không đánh đổi tự do
Định cư ở Canada nhưng Đặng Thái Sơn lại sống ở khắp thế giới. Cuộc sống của ông là những chuyến dịch chuyển, dày kín những lịch trình lưu diễn, ghi âm, giảng dạy. Ông đang thực hiện chuyến hành trình khắp thế giới chinh phục khán giả với 5 bản concerto của Beethoven. Thời gian này ông lưu diễn tại Brazil, tháng sau sẽ mang chương trình tới Tokyo (Nhật Bản). Tháng 1.2013, ông trở lại Việt Nam. “Đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay của tôi tại quê hương”, ông nói. Chuyến du hành âm nhạc với Beethoven sẽ tiếp tục sang Nga và nhiều quốc gia khác.
Sau thành công tại cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin (năm 1980 tại Warsawa, Ba Lan), Đặng Thái Sơn được coi như một người đi đầu. Đi đầu nghĩa là phải tự mình mở đường, tự mình trải qua bao chông gai, vấp ngã, sự tin tưởng, kỳ vọng đôi khi cũng tạo thành áp lực. Nhưng ông tự hào vì ông biết, cái tên Đặng Thái Sơn đã giúp thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Nhiều nghệ sĩ lớn đã phải đánh đổi nhiều thứ để được thành công. Còn ông nói không bao giờ chịu đánh đổi điều gì để đổi lấy tự do. Có lẽ với ông, tự do là khi tâm hồn thăng hoa, đôi bàn tay được chơi nhạc. “Tôi thấy mình hạnh phúc”, ông mỉm cười đầy mãn nguyện.
Đặng Thái Sơn (sinh ngày 2.7.1958 tại Hà Nội) xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, cha ông (Đặng Đình Hưng) là nhà thơ và mẹ (Thái Thị Liên) là nghệ sĩ piano. Năm 1965, ông học tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1976, Đặng Thái Sơn được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moscow (Liên Xô). Ông nổi danh khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tháng 10.1980 ở Warsawa (Ba Lan). Đó là lần đầu tiên một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải của một trong những kỳ thi dương cầm nổi tiếng quốc tế. Năm 1983, khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky, ông nhận lời mời sang giảng dạy tại Nhạc viện Tokyo (Nhật Bản). Kể từ khi đoạt giải Chopin, ông đã trình diễn hầu như ở tất cả các phòng hòa nhạc nổi tiếng và tham gia các dàn nhạc lớn trên thế giới. Năm 1984, Đặng Thái Sơn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSND. Khi đó ông mới 26 tuổi và là NSND trẻ nhất khi được trao danh hiệu này từ trước đến nay. Năm 1991, ông định cư tại Montréal, Canada và dạy ở Đại học Montréal. |
Ngọc An
Bình luận (0)