Cụ ông Jamal Furani ở thành phố Haifa (Israel). Sau khi ghép giác mạc nhân tạo, cụ đã có thể đọc báo và nhận ra người thân, theo Times of Israel.
Cụ Furani mắc bệnh phù nề giác mạc và một số bệnh khác khiến ông bị mù trong khoảng 10 năm nay. Cụ là một trong 10 bệnh nhân được đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm ghép giác mạc nhân tạo, diễn ra tại Bệnh viện Rabin Medical Center ở thành phố Petah Tikva (Israel).
Ca phẫu thuật ghép giác mạc kéo dài gần 1 giờ, được thực hiện vào tháng 12.2020. Giác mạc nhân tạo do một công ty ở Israel sản xuất. Cụ Furani là người đầu tiên được ghép giác mạc loại này.
Giác mạc được làm từ chất liệu xốp tổng hợp không bị phân hủy. Chất liệu này phù hợp để sản xuất giác mạc nhân tạo, thay thế cho giác mạc đã bị tổn thương hay biến dạng của bệnh nhân.
Sau khi cấy ghép vào mắt, chất liệu đặc biệt này sẽ kết hợp với mô sống trong mắt bằng cách kích hoạt quá trình tăng sinh tế bào trong mắt. Một phần quá trình này được kích thích nhờ kỹ thuật hóa học ở quy mô nano, theo Fox News.
Sau khi tháo băng ở mắt, cụ ông Furani đã có thể nhìn thấy ánh sáng, công ty cho biết trong một tuyên bố chính thức hôm 11.1.
"Ca phẫu thuật cấy ghép giác mạc diễn ra suôn sẻ và kết quả đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi", giáo sư Irit Bahar, một trong những người thực hiện ca cấy ghép giác mạc, cho biết.
Phương pháp ghép giác mạc nhân tạo này đang chờ cơ quan quản lý phê duyệt ở Mỹ, Pháp và Hà Lan.
Bình luận (0)