Người Mỹ tìm cớ rút lui

25/04/2010 00:18 GMT+7

Rất muốn rút hết người của mình khỏi Sài Gòn, nhưng phía Mỹ vẫn cần một “lệnh tống khứ” do ông Dương Văn Minh ký.

Vào lúc 5 giờ rưỡi chiều 28.4, tướng Dương Văn Minh tuyên thệ nhậm chức tổng thống chính quyền Sài Gòn. Trước khi từ chức, Tổng thống Trần Văn Hương ký sắc lệnh giải nhiệm chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội của đại tướng Cao Văn Viên. Trong khi chờ đợi tân tổng thống bổ nhiệm người thay thế, trung tướng Đồng Văn Khuyên - Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu - xử lý thường vụ chức vụ Tổng tham mưu trưởng.

Tướng Đôn thúc ép

Đúng ra theo hiến pháp, Quốc hội không có quyền ép Tổng thống Hương từ chức để giao chức vụ lại cho tướng Dương Văn Minh. Tuy nhiên, ông Hương lúc này bị áp lực từ nhiều phía, nhất là Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn. Ông Đôn đã hù dọa Quốc hội là chỉ có ông Minh lên làm tổng thống mới có thể thương thảo với “Cộng sản” được mà thôi.

Trong buổi điều trần trước Quốc hội, ba vị tướng: Trần Văn Đôn; Trần Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu thủ đô; Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, đã trình bày trước Quốc hội tình hình nguy ngập của việc bảo vệ Sài Gòn. Theo đó, ngoài các đơn vị ở Vùng 4, tại Vùng 3, VNCH có 3 sư đoàn còn nguyên vẹn là các sư đoàn 5, 25 và sư đoàn dù. Sư đoàn 18 và 22 là hai sư đoàn trừ (tức thiếu quân số), đang được bổ sung. Nội thành thì có 2 liên đoàn Biệt động quân và 2 liên đoàn Cảnh sát dã chiến. Trong khi đó, quân giải phóng đã huy động đến 16 sư đoàn chính quy, chưa kể các lực lượng địa phương, đang dồn các mũi tấn công vào Sài Gòn. Tướng Đôn cũng báo cho Quốc hội biết là bên kia đòi hỏi Tổng thống Hương phải bàn giao chức vụ lại cho tướng Dương Văn Minh trước 12 giờ khuya ngày 27.4 để có cơ hội thương thuyết, còn nếu không, họ sẽ ra lệnh tấn công. Sau đó, 3 tướng Đôn, Minh và Bình ra về để cho các thành viên Quốc hội quyết định.

Tình hình lúc đó cho thấy, một khi chính quyền lọt vào tay đại tướng Dương Văn Minh thì hầu như ông sẽ đầu hàng đối phương. Và vì thế, đại tướng Cao Văn Viên đã vội vàng từ chức, các tướng lĩnh khác ở “trung ương” cũng di tản nhanh.

Trước đó, ngày 26.4 đầy những biến cố có tính quyết định tới vận mạng của chính quyền Sài Gòn. Tại Pháp, Đại sứ VNDCCH là Võ Văn Sung gặp con trai tướng Minh là Dương Minh Đức (đang du học ở Pháp) báo tin là nếu ông Minh lên làm tổng thống thì Hà Nội sẽ chấp nhận đàm phán. Sau khi nhận tin, ông Minh thuyết phục tướng Đôn, để ông Đôn vào dinh Độc Lập thuyết phục ông Hương từ chức, giao quyền lại cho ông Minh. Tổng thống Hương từ chối, nói với ông Đôn rằng, tướng Minh từng là học trò của ông nên ông biết rõ Minh không thể cáng đáng công việc quốc gia vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng. Tướng Minh sau đó đi gặp Chủ tịch Thượng viện Nguyễn Văn Huyền, báo cho ông Huyền biết là cả Thượng tọa Trí Quang lẫn ông Đôn đều ủng hộ ông Minh lên làm tổng thống, và nếu như thế thì ông sẽ đưa ông Huyền làm Phó tổng thống.

Chủ tịch Huyền đồng ý, rồi báo cho Tổng thống Hương là Quốc hội sẽ nhóm họp ngày 28.4, đồng thời khuyên ông Hương từ chức vì “quyền lợi của dân tộc”. Ông Hương trả lời việc đó tùy Quốc hội định liệu. Tổng thống Hương thông báo mọi điều với cựu Tổng thống Thiệu, tướng Khiêm và tướng Viên. Thế nên, ngay tối 26.4 đó, ông Thiệu và ông Khiêm đã rời VN vì biết chắc một điều là ông Minh sẽ đầu hàng. Hai ông lên máy bay đi Đài Loan theo công lệnh của Tổng thống Hương, đại diện VNCH dự lễ tang Tưởng Giới Thạch.

Đại tướng Minh ký lệnh “đuổi Mỹ”

Chỉ một ngày sau khi nhậm chức Tổng thống VNCH thay thế ông Trần Văn Hương, Tổng thống Dương Văn Minh ngày 29.4 đã ra lệnh cho tất cả những người Mỹ phải rời VN trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Cuộc di tản người Mỹ và người Việt liên tục không ngừng qua đêm.

Vì sao ông Minh đi đến quyết định này?

Một sĩ quan tùy viên của đại tướng Minh là cựu thiếu tá Trịnh Bá Lộc đã thuật lại nguyên nhân dẫn đến quyết định trục xuất người Mỹ, xin được tóm lược lại như sau:

Một hôm, đại tướng Minh đang họp với các cộng sự thì ông Charles J.Timmes, cựu thiếu tướng, nguyên Trưởng phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) đến xin gặp. Ông Timmes lúc đó đang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Thiếu tá Lộc báo tin rồi đại tướng Minh gặp gỡ ông Timmes trong phòng kín. Khi tiễn ông Timmes ra về, thiếu tá Lộc nghe ông Timmes nói với đại tướng Minh, đại ý là Đại sứ Martin muốn rằng trong bài diễn văn nhậm chức, đại tướng Minh có đề cập đến việc yêu cầu nhân viên Tòa đại sứ Mỹ và cơ quan DAO rút khỏi VN. Tướng Minh không trả lời mà hẹn sẽ cho biết sau.

Ngày hôm sau, ông Timmes lại đến, có dẫn theo một chuyên viên và xin mắc đường dây điện thoại đặc biệt, nói là để tiện việc liên lạc trực tiếp giữa ông Minh và Tòa đại sứ Mỹ. Tướng Minh không cho, nói là chỉ cần gắn điện thoại tại nhà thiếu tá Lộc, để sĩ quan tùy viên có gì báo lại. Ông Lộc cho biết, đường dây này chỉ có 3 số, không qua tổng đài, và chỉ liên lạc với những quan chức cấp cao. Ông Timmes có nhắc lại yêu cầu của ngày hôm qua, nhưng đại tướng Minh vẫn không trả lời.

 
Thủy quân lục chiến bảo vệ Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trong ngày di tản

Sau khi Quốc hội trong phiên họp lưỡng viện tối 27.4 biểu quyết chấp thuận cho Tổng thống Hương giao quyền lại cho đại tướng Dương Văn Minh, chiều 28.4 diễn ra lễ nhậm chức của ông Minh. Bài diễn văn nhậm chức lúc đó đã chuẩn bị xong xuôi, nên ngay trưa hôm đó, lúc ông Minh chưa đọc diễn văn, ông Timmes đã nhận được một bản bằng tiếng Việt. Nội dung bài diễn văn không có đề cập gì đến yêu cầu nhân viên Tòa đại sứ Mỹ và cơ quan DAO rời khỏi VN.

Ngay trong đêm hôm đó, dinh Độc Lập bị phi cơ oanh kích, và Sài Gòn cũng bị pháo, tức không đúng như những gì mà những người ủng hộ ông Minh nói là ông Minh lên cầm quyền thì sẽ có “cơ hội” đàm phán với “phía bên kia”. Sáng ngày 29.4, ông Timmes lại đến tư dinh ông Minh. Khi ra về, lúc ngang qua chỗ bộ phận tham mưu của tướng Minh làm việc, ông Timmes có nói: “Đại sứ Martin nói là Cộng sản chỉ bằng lòng nói chuyện hòa bình với chính phủ của đại tướng chỉ khi nào tất cả nhân viên tòa đại sứ và DAO của Mỹ bắt đầu rời khỏi VN theo lời yêu cầu chính thức của đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống VNCH, được phổ biến trên đài phát thanh”.

Theo lời kể của thiếu tá Lộc thì lúc đó, giáo sư Lý Chánh Trung nói nhỏ: “Thôi thì đại tướng làm theo yêu cầu của họ”. Ông Minh trầm ngâm trong chốc lát, rồi nói chậm rãi: “Được rồi! Độ một giờ nữa, khi nào làm xong, thiếu tá Lộc sẽ mời ông đến nhận”.

Ông Timmes mừng rỡ cáo từ. Sở dĩ tướng Minh làm như vậy vì theo ông, là nếu ông không yêu cầu, thì người Mỹ cũng sẽ rút lui như ở Campuchia, thế nên, cần giúp người Mỹ rút trong danh dự, và dù sao, cũng đã có 58.000 quân nhân Mỹ thiệt mạng trên chiến trường VN.

Giáo sư Vũ Văn Mẫu trong vai trò thủ tướng chính phủ, được mời đến ngay. Sau khi trình Tổng thống Dương Văn Minh ký tên, thiếu tá Lộc gọi điện mời ông Timmes đến nhận. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đã đọc văn bản chính thức trên đài phát thanh. Và chỉ trong vòng một giờ sau, máy bay của Mỹ vần vũ trên không phận Sài Gòn. Cuộc rút lui chính thức của người Mỹ bắt đầu. 

Tuyết Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.