Nghệ nhân Quang Dũng giới thiệu con beo được chế tác bằng gốc tre gai - Ảnh Thiên Lộc
Cá sấu, đại bàng và beo được làm từ gốc tre - Ảnh Thiên Lộc |
Sướng như… trúng số
Từng theo nghề thú y nhưng niềm đam mê nghệ thuật đã khiến ông Dũng rẽ sang hướng khác. Sau nhiều lần thử qua các chất liệu như gốc cây, gỗ lũa, đá cảnh... ông vô tình “gặp” được gốc tre và nảy sinh ý định làm ra tác phẩm từ loại chất liệu đậm chất làng quê Việt Nam này. Ông Dũng cho biết trong những gốc tre hình dáng thô kệch, xấu xí đều chứa vẻ đẹp tiềm ẩn. Điều quan trọng là nghệ nhân phải có óc thẩm mỹ, sự kiên trì để nhìn ra những tác phẩm “ẩn mình” trong đó.
Để thỏa niềm đam mê, hơn 10 năm qua, ông Dũng đã lặn lội khắp nơi tìm kiếm, đào xới gốc tre. Những gốc càng già nua, cằn cỗi, nhiều hốc, khe rãnh ông lại càng tâm đắc. Ông tâm sự: “Cứ mỗi lần phát hiện được bộ rễ tre có hình dáng kỳ quái là tôi sướng như người… trúng số”. Sau khi mang về, ông đem ngâm gốc tre trong ao, xử lý mối mọt, chùi rửa rồi bắt đầu chế tác. Đầu tiên, ông ngắm nghía gốc tre để hình dung ra đề tài muốn thể hiện, rồi vẽ mẫu phác thảo. Sau đó, ông tiến hành loại bỏ những chi tiết rườm rà, dư thừa, chỉ giữ phần chính để làm nổi bật đề tài và thêm vào những phần còn thiếu.
Lúc đầu tay nghề còn non kém nhưng trải qua nhiều năm tự mày mò sáng tạo, cộng thêm niềm đam mê nên đến nay, ông đã trở thành một người có tiếng trong giới chế tác thú bằng gốc tre.
Trân trọng vẻ đẹp tự nhiên
Từ những gốc tre tưởng chừng như vô dụng nhưng qua bàn tay tài hoa, khéo léo của ông đã trở thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Trong số những con vật do ông “thai nghén”, ông rất tâm đắc các con đại bàng, ó, beo, cá sấu, kỳ đà và khỉ. Theo ông, những tác phẩm này giá trị đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy cùng làm bằng chất liệu gốc tre nhưng mỗi tác phẩm đều có thần thái riêng và không hề trùng lắp. Con đại bàng, con beo dũng mãnh đại diện cho sức mạnh hoang dã của núi rừng; cá sấu tượng trưng cho sự hung tợn, vùng vẫy dưới nước…
Ông Dũng cho biết nét độc đáo của tác phẩm làm từ gốc tre là dù ở kiểu dáng nào nó vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của gốc rễ ban đầu. Ông chỉ gia công để nâng cao giá trị thẩm mỹ chứ không can thiệp quá sâu. Bởi vậy, khi thưởng thức tác phẩm của ông, người xem cảm nhận sự mạnh mẽ, dẻo dai của những con thú nhưng vẫn thấy được cái “hồn” của gốc tre.
Mặc dù không trải qua một trường lớp nghệ thuật nào cũng chưa nghiên cứu tài liệu chuyên sâu về kỹ thuật chế tác nhưng ông Dũng làm việc như một nghệ nhân thực thụ và nghiêm túc. Một tác phẩm dù đơn giản ông cũng phải mất vài ba tuần chăm chút tỉ mẩn cho đến khi thực sự hoàn hảo, không còn chi tiết chỉnh sửa mới thôi. Ông cũng thường xuyên đem tác phẩm đi trưng bày tại các hội chợ triển lãm để giới thiệu đến đông đảo người xem loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Ngoài say mê chế tác các sản phẩm bằng gốc tre, ông còn có một sở thích khác là sưu tầm và trồng các cây dược liệu, trong đó có những cây thuộc vào hàng quý hiếm như sâm hồng, ngãi bìm bịp…
Thiên Lộc
Bình luận (0)