Người nặng lòng với sáo

05/06/2013 10:05 GMT+7

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây sáo, đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, nghệ sĩ Huy Thọ (Dương Văn Thọ, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) vẫn miệt mài gìn giữ và phổ biến loại hình âm nhạc truyền thống này.

Duyên nợ của nghệ sĩ Huy Thọ với cây sáo đến vào năm ông 12 tuổi. Ông đã mê ngay khi nghe tiếng sáo của anh hai, nhân một lần anh từ Sài Gòn về thăm nhà. Không được dạy sáo, ông để dành 18 đồng mua sáo và mày mò tự học. Bước ngoặt đến với nghệ sĩ Huy Thọ vào năm 1973, khi ông gặp nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, người được mệnh danh là “sáo thần” của Việt Nam vào thập niên 60-70. Dù không được nhận làm học trò, nhưng nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghĩa cũng phải thừa nhận khả năng thổi sáo thuộc loại “khá” của ông và tặng ông một cây sáo bằng gỗ cẩm lai làm kỷ niệm. Từ đó, ngoài việc học, ông tiếp tục tìm nghe, thu âm những bài thổi sáo của các nghệ sĩ nổi tiếng, rồi tự ký âm và bắt chước tập theo. Qua quá trình khổ luyện, tiếng sáo của ông ngày càng điêu luyện và được nhiều người biết tới.

Người nặng lòng với sáo
Nghệ sĩ Huy Thọ miệt mài luyện sáo mỗi ngày

Sau giải phóng, nghệ sĩ Huy Thọ vào làm biên tập và nhạc công cho Ban Văn nghệ Đài Truyền hình khu vực Cần Thơ (cũ). Được làm đúng sở trường, ông không ngừng phát huy khả năng của mình. Ông vẫn nhớ như in những chuyến đi biểu diễn để lại nhiều ấn tượng. Năm 1978, ông tham gia hội diễn văn nghệ ngành giao thông vận tải với tiết mục độc tấu Trên đường chiến thắng của tác giả Đinh Thìn, viết theo điệu Lý con sáo Gò Công. Năm 1984, ông theo Đài truyền hình mang tiếng sáo đến biểu diễn ở các tỉnh biên giới phía Bắc…

Không dừng lại là một nghệ sĩ thổi sáo, nghệ sĩ Huy Thọ còn muốn mình là người làm ra sáo. Để có được một cây sáo hoàn chỉnh, ông đã đầu tư không ít công sức. Ông cho biết phải chọn đúng loại trúc ta, thân thẳng, mắt dài. Mỗi cây trúc như vậy, ông lấy không quá 2 - 3 đoạn. Trúc đem về để khô tự nhiên từ 6, 7 tháng đến 1 năm mới có thể bắt đầu làm. Trước kia, khi chưa có máy thẩm âm, ông thường tự đánh đàn ghi ta để xác định tông khoét lỗ sáo. Việc này khiến nhiều người ngạc nhiên, vì nghệ sĩ phải có đôi tai “thẩm âm” trời phú và khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế mới có thể làm được. Ông có thể làm các loại sáo theo “tông” của từng người: tông cao như nốt đô; tông trầm như nốt la, son…

Luyện sáo, làm sáo, dạy học trò… là những công việc mà nghệ sĩ Huy Thọ vẫn làm đều đặn mỗi ngày. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn chưa có dấu hiệu nghỉ ngơi, bởi ông luôn tâm niệm: “Sáo đối với tôi là cái duyên trong đời. Hạnh phúc của một nghệ sĩ như tôi là được mang tiếng sáo của dân tộc đến với mọi người”.

Bách Hợp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.