Người Nhật nhặt rác ở Sài Gòn

23/08/2010 21:02 GMT+7

Sáng sớm, người ta thấy trên các đoạn đường Trương Định, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) một nhóm thanh niên thường mặc âu phục đen, trong đó có một người Nhật, tay mang lỉnh kỉnh các thứ nào chổi, nào ki... đi nhặt rác!

Anh chàng người Nhật đó chính là Oshima Mitutere, quản lý Viện mẫu tóc Mano Mano. Đến Việt Nam từ tháng 6.2009 và từ gần 1 năm nay, đều đặn mỗi ngày Oshima Mitutere cùng các nhân viên người Việt ở Viện mẫu tóc bắt đầu ngày mới bằng việc làm giản dị: quét, nhặt rác!

Yêu nên muốn đường phố sạch đẹp

Oshima sẽ tròn mắt ngạc nhiên nếu có ai đó hỏi: “Tại sao anh làm việc này (quét, nhặt rác)?”. Không hoa mỹ, không lý tưởng, Oshima dẫn dắt đến một vấn đề rất gần gũi: “Khi mở tiệm kinh doanh, ai cũng muốn nơi mình làm việc sạch đẹp. Nhưng nếu chỉ nơi mình làm việc sạch đẹp thôi thì chưa đủ. Phải quan tâm đến môi trường xung quanh”. Trong trường hợp này, Oshima được xem là người đàn ông duy mỹ. Nhu cầu về cái đẹp của chàng trai 34 tuổi này thật thiết thực. Muốn đẹp nên làm đẹp cho mọi người, cho phố phường nơi mình đang sống, làm việc. Điều tưởng chừng như quá đơn giản ấy không phải bất kỳ ai cũng ý thức và thực hiện được.

Oshima thổ lộ, khi mới chuyển đến Việt Nam công tác, thật khó khăn để thích nghi với khí hậu ở đây. Thời tiết Sài Gòn lúc nắng lúc mưa, dỗi hờn như một “cô em” mới lớn. Nhưng thời gian giúp anh làm quen để thương “cô em” ấy hơn. Oshima Mututere cười khe khẽ khi nói về tình yêu giữa anh và mảnh đất lạ này. “Việt Nam quả thực là vùng đất lành. Sài Gòn thật bình yên!”, anh nói và cho biết cả ngày làm việc mệt mỏi nên anh ít có dịp đi đâu đó chơi. Cuối ngày, anh lại trở về căn hộ chung cư bên 5 người bạn xa xứ khác. Tình yêu nảy nở từ tách cà phê, tô phở... và trong từng góc phố dịu dàng. Cũng chính vì tình yêu ấy, anh muốn những góc phố ở nơi mình làm việc, đi qua phải sạch đẹp hơn.

Bảo vệ môi trường là bảo vệ giống nòi

Oshima thấy gì qua gần 1 năm miệt mài nhặt rác mỗi sáng? Tôi hỏi và nhận được câu trả lời với giọng đầy lo lắng: “Một loại rác độc hại - những kim tiêm đã qua sử dụng”, vì: “Ở Nhật, tôi chưa từng gặp trường hợp kim tiêm lăn lóc trên lề đường như thế”. Theo Oshima, những người già đi bộ tập thể dục, những đứa trẻ thiên thần đuổi bắt nhau... sẽ thật khổ sở nếu có ai đó đạp phải kim tiêm. Nỗi sợ hãi vô hình đó thôi thúc anh phải mạnh dạn nhặt bỏ chúng.

Thêm một điều nữa Oshima trăn trở, ấy là hằng ngày anh nhận thấy không ít những nam thanh nữ tú ăn mặc sành điệu đi qua đoạn đường này tiện tay vứt vỏ chai, bao thuốc... xuống đường. Đôi khi là những em nhỏ ngồi sau xe vô tư ném bỏ hộp sữa lung tung mà không nhận được bất kỳ sự răn đe nào từ cha mẹ. Quan điểm của anh: xả rác là hành động sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ đời sau. “Người Nhật và người Việt Nam có chung một đặc điểm, đó chính là yêu thương giống nòi. Vậy thì tại sao chúng ta không biết bảo vệ bản thân cũng như con cháu bằng cách bảo vệ môi trường!”, Oshima nói.

Các nhân viên của Mano Mano rất hào hứng khi kể chuyện về “anh sếp người Nhật”. Lan Trinh (thông dịch viên) vui vẻ thừa nhận: “Một số nhân viên lúc đầu hơi... mắc cỡ khi làm công việc này (nhặt rác - PV) cùng anh ấy. Nhưng Oshima đã nhẹ nhàng thuyết phục họ rằng không gì là mắc cỡ cả, chỉ có những người xả rác mới phải xấu hổ!”.

Ngân Vi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.