Lúc ấy mặt trời đứng bóng, chiếu ánh nắng gay gắt, ai nấy đều tìm vào ngồi dưới bóng mát của các tàng cây đại thụ, hoặc trên các ghế đá quanh vòi phun nước để trốn nắng. Còn ông Hoàng đi lững thững ra giữa trời, phía cổng đường Nguyễn Thị Minh Khai, ngẩng đầu và chăm chú nhìn lên mặt trời. Một vài người đi đường hiếu kỳ đứng lại để xem ông đang nhìn gì mà ngước lên lâu thế. Họ cũng ngước lên theo để tìm trên không gian lóa nắng ấy có gì "lạ" không. Nhưng bất cứ ai bắt chước nhìn mặt trời như ông Hoàng thì chỉ một hai tích tắc sau phải dụi mắt, quay đi, hỏi chúng tôi: "Có cái gì lạ trên kia?".
Mặt trời phản chiếu trong đôi mắt ông Hoàng - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Té ra ông nói thế là muốn chứng tỏ cho chúng tôi biết sau khi nhìn thẳng mặt trời xong, mắt ông vẫn bình thường và phân biệt rõ rệt các màu trước mắt như mọi người. Nghĩa là ông không mắc bệnh "rối loạn thị giác". Hồi lâu, ông vẫn say sưa xoay quanh chuyện con mắt. Theo ông thì mắt liên quan tới lục phủ ngũ tạng, thầy thuốc khám bệnh có thể lật mí mắt bệnh nhân để xem xét màu sắc, các tia máu, những khác lạ trong ấy để chẩn đoán. Những bộ phận trong người như phổi, thận, tim, gan, bao tử đều thông lên tới mắt nên khi các bộ phận ấy bị suy nhược hoặc đau ốm gì đều có thể có những dấu hiệu báo trước phần nào căn bệnh.
Ông Hoàng kể, lúc mới mười mấy tuổi ông đã theo thầy đi bốc thuốc chữa bệnh từ thiện ở dọc các con rạch, con sông vùng Phong Dinh, Long Xuyên, Mỹ Tho, Châu Đốc, xuống tuốt mấy xứ muỗi mòng miệt Cà Mau nữa. Ông nói: "Sau này lớn lên theo các cư sĩ phái Tịnh độ đi bắt mạch chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, tôi vẫn nhớ lời sư phụ nói về sự hệ trọng của đôi mắt, đại ý là: Khi vừa mới lọt lòng mẹ người ta gọi là mở mắt, chết đi gọi là nhắm mắt, trong khoảng đời người ấy hễ con mắt sinh sự lôi thôi là mình bị khổ liền. Mười hai kinh mạch và máu huyết trong người đều liên thông với mắt. Hễ mắt mờ thì do khí ở phổi hoặc tinh ở thận bị bất túc. Hễ mắt đỏ, người choáng váng, thở mạnh, cũng có thể xem chừng trái tim không ổn. Lời thầy khiến tôi chú ý nhiều hơn đến mắt mình. Cho tới một bữa kia, sau ngày thầy mất, tôi ngồi ghe một mình đi bốc thuốc trên một con rạch vùng Hậu Giang, mắt tình cờ hướng nhìn về phía mặt trời, nhìn mãi hồi lâu vẫn tỉnh bơ không bị choáng chút nào. Trong bụng tôi hơi nghi nghi nghĩ rằng mắt mình tự dưng sao lại nhìn được mặt trời không chớp thế này. Để trưa nay nhìn nữa thử xem".
Ông kể tiếp, hôm đó lên bờ, cắt lể cho bà con xong, gần trưa ông ăn ba miếng rồi ra sau rạch lặng lẽ nhìn lên... mặt trời. Ông thấy lạ là đúng ngọ mặt trời sáng chói nhưng ông vẫn nhìn nó bình thường như nhìn một cục than hồng. Từ đó nhìn mặt trời trở thành một thú vui gần như "ghiền" của ông. Về Sài Gòn, đi trên hè phố, thỉnh thoảng ông đứng lại và ngước lên. Người không rõ chuyện tưởng ông tập nhìn mây đoán mưa ăn thua theo lối "đánh bạc với trời" ở chân cầu Nhị Thiên Đường vùng Chợ Lớn một dạo. Còn người biết chuyện gọi ông là "ông lang", hoặc "ông Sáu lang". Riêng ông, ông đã tự thêm cho mình tiếng "thang" vào, thành "ông Sáu lang thang". Thật vậy, cho đến lục tuần rồi mà ông vẫn thích đi đây đi đó. Nên tuy ở chung nhà với người em ruột tại 330/28/9 Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM, song ông đi suốt ngày, có khi lênh đênh xuống miền Tây, hoặc lên núi tìm thuốc cả tháng. Ước muốn của ông hiện nay là muốn dò xem ông có phải là người nhìn mặt trời bằng mắt thường lâu nhất Việt Nam hay không? Và ông sẵn sàng thể hiện khả năng đó trước công chúng để kiểm chứng thực hư, với địa chỉ liên hệ nêu trên.
Có thể bị mù khi nhìn trực tiếp mặt trời Đó là khẳng định của bác sĩ Trần Hải Yến - Trưởng khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt, TP.HCM). Theo bác sĩ Yến: "Khi nhìn trực tiếp vào mặt trời trong vòng 10-15 phút, người ta có thể bị mù ngay lập tức vì tia cực tím, tia hồng ngoại có trong ánh nắng mặt trời là rất mạnh (nhất là thời điểm nắng nóng trong ngày), nó có thể giết chết tế bào võng mạc ở vùng hoàng điểm (hoàng điểm nằm ở trung tâm võng mạc, giúp ta nhìn thấy hình ảnh, màu sắc của đồ vật được rõ nét), giết chết tế bào thần kinh... của mắt dẫn đến mù. Tia cực tím tác động vào mắt còn gây đục thủy tinh thể (nguyên nhân đưa đến mù lòa), vì vậy những người sống ở vùng nhiệt đới có tỷ lệ bị đục thủy tinh thể cao hơn so với những người sống ở vùng khí hậu ôn đới. Ngay cả khi xem nhật thực người ta cũng phải đeo kính mặc dù mặt trời đã bị che khuất. Loại kính dùng để đeo khi xem nhật thực đã được phủ lớp chống các tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời". Chính vì vậy mà theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, ngoại trừ những người có khả năng kỳ lạ như ông Tăng Văn Hoàng (cần được các nhà khoa học nghiên cứu thêm), người bình thường tuyệt đối không được "thử" nhìn trực tiếp vào mặt trời. Thanh Tùng (ghi) |
G.H
Bình luận (0)