Người Pháp đã tính toán 'điểm rơi phong độ' cho giải đấu tại quê nhà

10/06/2016 18:56 GMT+7

Chuyên gia bóng đá Đặng Gia Mẫn luôn là khách mời quen thuộc của báo Thanh Niên ở mỗi kỳ World Cup hay EURO . Đến hẹn lại lên, ở kỳ EURO năm nay, ông đã ‘khai màn’ bằng bài viết đặc sắc về trận đấu đầu tiên thuộc khuôn khổ bảng A giữa chủ nhà Pháp và đội Romania (2 giờ. ngày 11.6).

Chắc hẳn bạn đọc Việt Nam chưa thể quên những kỷ niệm hào hùng của đội tuyển Pháp ở một quá khứ rất xa. Sau 32 năm, vòng chung kết EURO mới quay trở lại nước Pháp, nơi bộ tứ huyền ảo Michel Platini, Jean Tigana, Alain Giresse, và Luis Fernández từng làm mưa làm gió, cuốn phăng đi tất cả để lên ngôi vô địch. Nơi Platini ghi 9 bàn, trong một giải chỉ 8 đội, kỷ lục có lẽ là vĩnh cửu dù ngày nay có 16 hay 24 tham dự.
Có lẽ định mệnh của các chú Gà Trống gắn liền với mảnh đất quê hương, khi họ lên ngôi tại các tất ca các giải được đăng cai từ EURO 1984 đến World Cup 1998. Còn lần này, để làm được điều đó,. Họ cần vượt qua Romania trong trận khai mạc.
phap-va-romania
Pháp đang có một đội hình tài năng và trẻ trung Ảnh FFF
Nhìn lại lịch sử, Pháp và Romania đã gặp nhau tổng cộng 15 lần trong các giải chính thức, thì Pháp đang chiếm ưu thế với 7 chiến thắng và 5 trận hòa. Nhưng có một điều nuối tiếc, dù Pháp và Romania có nhiều giai đoạn sở hữu những ngôi sao xuất chúng, lối đá siêu kỹ thuật được ví như Brazil của châu Âu, nhưng những thế hệ đó luôn lệch nhau, bởi vậy người hâm mộ chưa được chứng kiến màn so tài đỉnh cao giữa họ.
Vào thời điểm bộ tứ huyền thoại Michel Platini, Jean Tigana, Alain Giresse, và Luis Fernández làm mưa làm gió tại các giải đấu lớn đầu thập kỷ 80 thì những Duckadam, Lacatus, Belodedici, Piţurca huyền thoại chưa bước ra ánh sáng cùng Steaua Bucarest. Đến cuối thập kỷ 80, khi Steaua vô địch Cúp C1, nơi họ đã phô diễn lối đá một chạm ban bật tam giác đầy mê hoặc, Platini và các đồng đội đã bước vào tuổi 30, sườn dốc bên kia của sự nghiệp.
Trải qua những năm đầu thập niên 90, cả Pháp và Romania dù có nhiều hảo thủ nhưng chẳng tạo nên một đội bóng lừng danh để rồi sau cú lật bóng tai họa của David Ginola tại phút cuối cùng của trận cuối cùng vòng loại trên sân Công viên các Hoàng tử, Kostadinov tung cú sút loại Pháp khỏi World Cup 1994, thì đó lại mở ra sân khấu hoành tráng tôn vinh đội tuyển Romania “version 2” huyền thoại. Với Petrescu, Lupescu, Popescu, Hagi, Dumitrescu, Radiciou, Romania đã phô diễn lối đá tốc độ, kỹ thuật bậc nhất tại Mỹ. Chính họ và Argentina chứ không phải Brasil và Ý, đã làm nên trận cầu hay nhất, hấp dẫn nhất tại tất cả các vòng chung kết World Cup. Thật trớ trêu khi đó, những Catona, Ginola, Dechamps, Desailly, ở nhà xem giải bóng đá thế giới qua TV còn Zidane mới chỉ là chàng trai trẻ học việc tại Bordeau.
Nhưng chỉ 4 năm sau, tại World Cup 1998 tổ chức tại quê nhà, khi lứa Lizarazu, Deschamps, Petit, Karembeu, Thuram, Blanc, Djorkaeff, Pires, Zidane ở độ chín của sự nghiệp, Pháp không còn đối thủ tại tất cả các đấu trường quốc tế, thì Romania ở giai đoạn suy tàn, lứa cầu thủ cuối thập niên 80 đã lớn tuổi, họ thua dễ trước Croatia 0-1 và bị loại ngay tại vòng 2.
phap-va-romania
Pháp tự tin sẽ có 3 điểm trước Romania Ảnh FFF
Và giờ đây, khi 2 đội sẽ gặp nhau 3 ngày tới, có vẻ Romania đang ở giai đoạn khủng hoảng lực lượng, những tuyển thủ của họ đến từ Wardford, Vallecano, Cordoba sẽ vô cùng vất vả trước một đội tuyển Pháp dám “hy sinh” World Cup 2014 để cho ra lò những Pogba, Griezmann, Martial, Cabaye, Sagna... Hẳn người Pháp đã tính toán “điểm rơi phong độ và lực lượng” cho giải đấu tại quê nhà, thường đem lại cho họ nhiều may mắn. Pháp chắc chắn sẽ là ứng viên vô địch, còn nếu để tìm ngựa ô của giải, Romania có lẽ không phải là đội bóng phù hợp, ít nhất trong 4 năm nữa.
Xem ra, cơ hội cho Romania có cuộc lật đổ trước Pháp trong trận khai mạc giải là không nhiều và hy vọng được thưởng thức trận thư hùng, ngang tài ngang sức Pháp - Romania sẽ vẫn còn nằm trong giấc mơ của người hâm mộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.