Người phụ nữ mở rộng 'bán kính' đời mình bằng những chuyến xe xuyên Âu - Việt

30/01/2017 21:05 GMT+7

Một năm sau khi mua xe và biết lái xe, tôi bắt đầu dành những ngày nghỉ tết để lái xe xuyên Việt, cũng là đường về quê, từ TP.HCM ra Hà Nội, có thể đi xa hơn, lên Tây bắc, Đông bắc.

Nếu đã mua xe hơi, những cỗ máy có khả năng tăng tốc từ vị trí xuất phát lên 100 km/giờ chỉ tính bằng giây, phút thì “bán kính cuộc đời” không còn là vài cây số, vài chục cây số mà là hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn cây số...

tin liên quan

Chơi xe địa hình cần cái duyên
Tự mày mò đến với offroad, sau vài lần mắc lầy, tự tìm cách xử lý khi có kinh nghiệm kha khá, anh Trần Phát mới bắt đầu tham gia các nhóm chơi xe địa hình rồi tham dự các cuộc thi.
Tôi nghĩ thế và đã mở rộng “bán kính” đời mình, từ những chuyến lái xe xuyên Việt, xuyên Lào, rồi xuyên châu Âu...
Mở rộng “bán kính” đời mình... 1
Xuyên Việt
Một năm sau khi mua xe và biết lái xe, tôi bắt đầu dành những ngày nghỉ tết để lái xe xuyên Việt, cũng là đường về quê, từ TP.HCM ra Hà Nội, có thể đi xa hơn, lên Tây bắc, Đông bắc.
Từ bấy tới nay có lẽ cũng 7 - 8 lần xuyên Việt khứ hồi như thế, mà chẳng lần nào giống lần nào, cả đường ra lẫn đường vào, từ phong cảnh đến cảm xúc. Hàng không hay đường sắt cũng chỉ có một đường, chứ đường sau tay lái thì vô vàn.
Khi đi đường 1A, lúc ngược lên Kon Tum theo đường Trường Sơn, năm bám theo đường biển, khi dừng lại ở chốn này, khi lại rẽ ngang một nơi khác, có lúc đến nơi đang nắng chói, ngày mai nơi khác đã gặp mưa phùn, nghe những tiếng người khác nhau, món ăn thức uống mỗi vùng cũng khác. Có nơi ghé qua để thăm lại người bạn cũ, có nơi dừng lại chỉ vì một cái tên. Bao câu chuyện đời thu nhặt được dọc đường, bao hình ảnh đã ghi lại...
Năm 2015, tôi có dự định lái xe xuyên nước Mỹ cùng gia đình Giáo sư - tiến sĩ âm nhạc Jason Gibs (chồng Mỹ, vợ Việt, hiện đang sống tại San Francisco). Chuyến đi chưa thực hiện được vì một vài lý do khách quan nhưng trước đó, để chuẩn bị lịch trình, Jason gửi cho tôi tham khảo “Bản đồ lái xe xuyên Mỹ qua các tác phẩm văn chương” (The Obsessively Detailed Map of American Literature’s Most Epic Road Trips).
Thật kinh ngạc và thú vị khi biết rằng người ta có thể vẽ được 12 lộ trình xuyên Mỹ khác nhau từ 12 cuốn sách viết về hành trình khám phá nước Mỹ sau tay lái. Tôi mới đọc 2 trong số đó nhờ bản dịch tiếng Việt, một là On the Road (Trên đường) của Jack Kerouac, hai là cuốn tiểu thuyết dạng tự truyện của cây bút Nobel John Steinbeck - Travel with Charley (Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ).
Đặc biệt, Travel with Charley không đơn thuần là một hành trình du ký mà là một hành trình tìm lại nước Mỹ để hiểu nước Mỹ, dự cảm về tương lai nước Mỹ một cách vô cùng sống động, sâu sắc với một tình yêu lớn. Đọc Steinbeck, bất giác thấy yêu hơn những chuyến đi xuyên Việt của mình. Và một chút tiếc nuối, là hình như chưa có một “bản đồ văn chương xuyên Việt” nào xứng tầm với dải đất này?
Mở rộng “bán kính” đời mình... 1
Tác giả và những cung đường đã đi qua
Xuyên Lào
Sau vài cái tết xuyên Việt thì tôi quyết định dành một cái tết xuyên Lào. Tại sao lại là Lào? Rất đơn giản, nhờ có hiệp định giao thương đường bộ giữa hai quốc gia mà thủ tục nhập/xuất cảnh xe tự lái sang Lào rất thuận tiện, nhanh chóng (cho tới nay vẫn thế, duy nhất trong khu vực). Xin “visa” cho xe ở sở giao thông Vận tải TP.HCM, chỉ mất 1 tuần và 50.000 đồng lệ phí!
Từ cửa khẩu Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum), tôi và chiếc xe Terios bắt đầu hành trình ngược từ miền nam lên bắc Lào. Hồi đó chưa có Google Map như bây giờ, tôi lên hành trình trên bản đồ giấy cùng một cuốn Lonely Planet.
Cũng may, đường Lào cũng như người Lào, mộc mạc, đơn giản, cả nước không có trạm thu phí tự động nào, chỉ có vài chỗ để cây chắn như quê mình, xe đến thì mua vé rồi có người ra kéo cái cây lên.
Nhưng cũng chính những con đường quê quê mộc mạc ấy lại dạy cho tôi bài học lái xe văn minh không còi, thái độ nhường nhịn, không chen lấn vượt mặt - suốt hành trình hàng ngàn ki lô mét không nghe một tiếng còi xe, xe đạp, xe máy thấy xe hơi tự động đi nép vào bên đường.
Cũng do đi xe của mình và cẩn thận không thừa khi du lịch dạng “lonely planet” khuân theo đủ cả nồi niêu xoong chảo, bếp gas du lịch, can nước, bát đũa... mà chúng tôi đã có một hành trình đầy ắp trải nghiệm.
Đi chợ địa phương, nấu cơm bên suối và đánh chén ngay bên đường, trong những cái chòi gỗ người dân dựng sẵn làm chỗ nghỉ chân (ở Lào không có hàng quán ăn san sát phục vụ 24/24 như ở ta, phải vào thành phố, thị trấn mới có).
Nhâm nhi cá nướng với bia Lào ngắm hoàng hôn trên bờ sông Mê Kông. Vãn cảnh chùa, đi massage ngay trong vườn chùa rồi ngồi vắt vẻo bar sang trọng ở thủ đô Vientiane. Chơi chợ đêm ở Luang Phrabang, ngược dốc Hua Phan, ngủ đêm Sầm Nưa nhớ câu hát em gái Sầm Nưa năm nào của nhạc sĩ Trần Tiến.
Mùng hai tết xông đất anh em cửa khẩu Na Mèo - suốt 3 ngày qua giờ mới “tóm” được vị khách đầu tiên, anh em công an hải quan bộ đội tíu tít như gặp người nhà, pha trà đãi bánh bắt ăn cơm và còn mang phong lan rừng tặng làm quà. Một chuyến đi xuyên năm mới và một cái tết chưa từng có trong đời...
Mở rộng “bán kính” đời mình...3
Và xuyên Âu
Từ chuyến xuyên Lào tới xuyên Âu trên 4 bánh xe là cả một thời gian dài chờ đợi. Ngay sau khi Việt Nam chính thức cấp giấy phép lái xe quốc tế sử dụng được trên 80 quốc gia trong đó hầu hết ở các nước trong khối Schengen và châu Âu, tôi đăng ký và nhận được sau 7 ngày với phí tổn 130.000 đồng.
Nhưng châu Âu khác hẳn. Quê hương của những tập đoàn chế tạo xe hơi hàng đầu thế giới, nơi duy nhất có đường cao tốc không giới hạn tốc độ, nơi có đường biên mở rộng tới 26 quốc gia (khối Schengen) với nhiều nền văn minh, văn hóa khác nhau, chính là nơi tôi học được nhiều bài học “để sống sót” trên đường nhựa và cả trên đường đời.
Học từ cách sử dụng các loại thẻ tín dụng để thuê xe tự lái đến cách đọc hướng dẫn đường theo vệ tinh trên Navi. Học lại nguyên tắc STOP tại nút giao với đường ưu tiên và nhường xe bên trái ở các vòng xuyến. Học cách ứng xử trên các loại đường, từ cách chuyển làn đến cách dừng xe bất khả kháng sử dụng áo phản quang và tín hiệu cấp cứu như thế nào cho an toàn...
Tất nhiên, với người đến từ xứ mà văn hóa xe hơi mới chỉ ở lớp vỡ lòng thì thoạt đầu cũng khá căng thẳng với các nguyên tắc lái xe “toàn cầu hóa” này. Nhưng cái gì thuận, cái gì đúng cũng sẽ rất nhanh thẩm thấu...
Đã từng du lịch châu Âu vài lần kiểu “truyền thống” là ngồi gật gù trên tàu hoặc xe buýt đường dài, là chỉ cần biết “đích đến” không cần biết “đường đi”, giờ đây chưa bao giờ châu Âu gần với tôi đến thế. Những ngôi làng nhỏ xinh cổ kính như trong cổ tích. Những con đường đi giữa đồng cỏ xanh mênh mông với đàn bò Hà Lan thong dong gặm cỏ.
Buổi hòa nhạc ở nhà hát có lịch sử 800 năm. Xơi món vẹm xanh phô mai đút lò ở quán ăn của ông Leon đến từ Brussels. Thưởng thức rượu trên con đường rượu vang vùng Alsace nước Pháp... Là hành trình choáng ngợp từ Napoli, “nơi phải đến trước khi chết”, trở về Sorrento và Almafi - bờ biển quyến rũ nhất của nước Ý.
Là hành trình “lên đỉnh” theo nghĩa đen của địa lý và theo nghĩa bóng của cảm xúc, ở Sassi di Matera, thành phố trong hang đá có lịch sử 9.000 năm, nơi cuộc sống đương đại vẫn diễn ra bên cạnh bối cảnh những bộ phim sử thi như Ben Hur, Passion of Christ.
Là cuộc gặp tình cờ, cảm động với người nông dân Ý trong cửa hàng nông sản tự cung tự sản, nơi gi gỉ gì gi cái gì cũng chỉ có giá 1 euro (khoảng 25.000 đồng) cho 1 cân táo, 1 cân nho, 1 cân hồng, 1 cây bắp cải thiệt bự. Tổng giá trị toàn bộ cửa hàng người nông dân ấy không bằng hóa đơn hoàn thuế của một vị khách châu Á tại một outlet hàng hiệu cách đó chừng 20 - 30 km!
Tất cả là những ngày tôi được sống với nhiều đời sống khác, để thấy mình rộng mở hơn và cũng... bé nhỏ hơn trong thế giới bao la và cũng gần gụi này. Bạn có lái xe cùng tôi không?...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.