Người phụ nữ Việt Nam cao tuổi nhất thế giới

24/06/2011 23:01 GMT+7

Trong những ngày qua và đến nay, tổ chức kỷ lục Guinness thế giới đã tiếp nhận để xem xét nhằm xác lập danh hiệu “Người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới” cho cụ bà Trần Thị Viết - 119 tuổi, sinh năm 1892...

Đang lúc các thủ tục đăng nhập, gửi thông tin chi tiết giữa tổ chức Guinness thế giới và đại diện của cụ bà Trần Thị Viết được tiến hành thì cụ đã mất đột ngột vào lúc hơn 4 giờ sáng ngày 18.6.2011. Vậy danh hiệu trên có được Guinness tiếp tục xem xét để kết luận và xác lập kỷ lục hay không?

 

Để tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp xúc với những người có trách nhiệm và được biết công việc bắt đầu từ ngày UBND tỉnh Long An - quê hương của cụ Trần Thị Viết - mở cuộc họp với Sở LĐ-TB-XH vào hôm 31.3.2011 để nghe Giám đốc Công ty văn hóa nghệ thuật Phú Thảo là nhà văn Mặc Tuyền trình bày về ý nghĩa và việc cần thiết phải liên hệ với tổ chức Guinness để xác lập kỷ lục Người phụ nữ Việt Nam cao tuổi nhất thế giới cho cụ bà Trần Thị Viết.

Theo đó, việc xác lập kỷ lục người phụ nữ Việt Nam cao tuổi nhất thế giới trong trường hợp này không chỉ có ý nghĩa kỷ lục đơn thuần do Guinness công bố, mà qua đó còn cho thế giới biết đến sức sống bền bỉ của người phụ nữ Việt Nam. Cụ bà đã sống qua 3 thế kỷ, cụ là nhân chứng sống động về sự tồn tại vươn lên của con người kham khổ trên vùng Đồng Tháp Mười và là bà mẹ anh hùng có 7 người con là liệt sĩ, xót xa và thương đau nhưng cụ vượt qua tất cả...

Chủ trì cuộc họp trên, ông Trần Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng nhiều đại diện các ban ngành, trong đó có Sở VH-TT-DL tỉnh Long An, tất cả đều đồng ý để Công ty văn hóa nghệ thuật Phú Thảo và nhà văn Mặc Tuyền đứng ra liên hệ với tổ chức Guinness thế giới. Khi bắt tay vào việc mới thấy không đơn giản chút nào. Lý do là thủ tục đăng ký đề xuất kỷ lục với Guinness thế giới và những bước tiếp theo như thế nào không mấy ai biết rõ.

Nhà văn Mặc Tuyền tìm đến Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam để hỏi các chi tiết về việc liên hệ với Guinness thế giới và được trung tâm hướng dẫn để ông đại diện gia đình cụ bà Viết trực tiếp đăng ký. Theo quy định của tổ chức Guinness, các bước thực hiện đăng ký, thông tin, giao dịch được tiến hành trực tiếp trên website của kỷ lục Guinness thế giới và tất cả đơn thư, tài liệu liên quan đều phải dịch sang tiếng Anh để gửi đi. Trong quá trình đối thoại cũng đều dùng tiếng Anh. Sau khi tìm hiểu các điều kiện trên, ông Mặc Tuyền đã tìm đến anh Lê Hồ Ngạn (con trai nhà thơ Lê Văn Ngăn) - là người đang giảng dạy tại Đại học Hoa Sen về công nghệ thông tin, đồng thời cũng là người rất giỏi tiếng Anh - hội đủ điều kiện để đứng ra đại diện giao dịch với Guinness thế giới.

Thư đầu tiên do Mặc Tuyền và Lê Hồ Ngạn gửi đến mục Đăng ký kỷ lục là đơn đăng ký vào cuối tháng 5.2011. Theo thể lệ của Guinness thế giới, thư (đơn đăng ký) muốn được xét nhanh hay chậm hơn tùy người gửi chọn. Thông thường phải mất từ 4 - 6 tuần để duyệt đơn. Còn muốn nhanh để xét trả lời chỉ trong 3 ngày phải nộp một khoản chi phí. Phía Công ty văn hóa nghệ thuật Phú Thảo và Mặc Tuyền - Lê Hồ Ngạn chọn giải pháp nhanh, vì thế tính đến ngày 10.6.2011 đã chuyển khoản cho Guinness thế giới số tiền tương đương với 780 USD.

Ba ngày sau (13.6), tổ chức Guinness thế giới phản hồi nhanh cho biết đã nhận được hồ sơ xem xét kỷ lục và những thông tin liên quan đến cụ bà Trần Thị Viết. Trong thư phản hồi, tổ chức Guinness thế giới cũng cho biết hiện nay người phụ nữ lớn tuổi nhất đang còn sống là bà Maria Gomes Valentin ở bang Carangola (Brazil) được công nhận kỷ lục Guinness thế giới vào ngày 18.5.2011. Vào thời điểm công nhận trên, bà Maria Gomes Valentin được 114 năm 313 ngày tuổi.

Như vậy, so với cụ bà Trần Thị Viết thì bà Maria Gomes Valentin kém tuổi nhiều, vì vào thời điểm trên cụ bà Trần Thị Viết đã hơn 119 năm tuổi. Vì thế tổ chức kỷ lục Guinness thế giới đã thông báo để phía những người đại diện của bà Viết ở Việt Nam gửi gấp hồ sơ chi tiết theo quy định, nguyên văn: “Chúng tôi cần những hồ sơ, tài liệu từ các ông gửi đến cho chúng tôi và chúng tôi có những chuyên gia để kiểm tra những xác thực của hồ sơ này. Xin vui lòng gửi cho chúng tôi càng sớm càng tốt. Chúng tôi cần các ông gửi thêm giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, tài liệu liên quan hợp lệ và có chứng nhận của Chính phủ. Những bằng chứng này sẽ là cơ sở để chúng tôi xác minh trường hợp trên. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp, chúng tôi sẽ có những quyết định cụ thể” (còn tiếp).

Cụ bà Trần Thị Viết

Thẻ căn cước do chế độ cũ cấp ngày 28.12.1970 ghi rõ họ tên: Trần Thị Viết, sinh năm 1892 tại Tuyên Bình (Kiến Tường). Chứng chỉ tín đồ do Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cấp ngày 5.6.1968 chứng nhận Phật tử Trần Thị Viết sinh năm 1892, pháp danh Diệu Mãnh, quy y ngày 30.11.1966 tại chùa Thanh Lập Tự, xã Thạnh Lợi, huyện Mỹ An, Kiến Phong.

Một số bài báo phát hành tại Việt Nam viết về cụ bà Trần Thị Viết dịch sang tiếng Anh và gửi theo yêu cầu của Guinness thế giới, kèm tiểu sử tóm lược dưới đây: Cụ bà Trần Thị Viết sinh năm 1892, quê quán: làng An Hòa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, nơi cư trú: ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Có 10 người con, trong đó có 7 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ: 1. Nguyễn Văn Liểng, sinh năm 1916, hy sinh năm 1953. 2. Nguyễn Văn Kiến, sinh năm 1918, hy sinh năm 1962. 3. Nguyễn Văn Anh, sinh năm 1935, hy sinh năm 1972. 4. Nguyễn Văn Tao, sinh năm 1938, hy sinh năm 1960. 5. Nguyễn Văn Trị, sinh năm 1941, hy sinh năm 1963. 6. Nguyễn Văn An, sinh năm 1942, hy sinh năm 1972. 7. Nguyễn Văn Dẫu, sinh năm 1947, hy sinh năm 1968. Bà có hơn 30 cháu nội ngoại, hơn 100 cháu cố và 300 cháu sơ. Cháu nội của bà Viết có người đã 70 tuổi.

Bà là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người cao tuổi nhất nước ta. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cùng lãnh đạo tỉnh Long An đến thăm và mừng thọ bà Trần Thị Viết 119 tuổi vào đầu năm 2011.  

G.H

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.