Người Sài Gòn làm ăn lại trong dịch Covid-19: Chia tay gầm cầu, vui kiếm từng đồng nơi Thủ Thiêm

12/11/2021 16:18 GMT+7

Bão Covid-19 vừa quét qua TP.HCM, bà Thu cùng chồng nói lời tạm biệt gầm cầu nơi gần 4 tháng qua nương náu. Người phụ nữ nhọc nhằn dựng lại xe hàng rong đã 15 năm gắn bó, nhưng ế chỏng chơ.

Bà Thu bán hàng rong hơn 15 năm nay để mưu sinh

CAO AN BIÊN

Ở gầm cầu, nhận gạo từ chính quyền hái rau ăn

Gần 1 tuần nay, cứ 7 giờ sáng bà Phạm Thị Thu (52 tuổi) đẩy chiếc xe hàng rong gửi tạm gần khu vực hầm Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đến Cầu Kênh 1 bán lại. Với số tiền 1 triệu đồng được người quen thương tình ủng hộ, bà lấy làm vốn mua nước giải khát, áo mưa, xăng... để bán cho khách chạy xe qua đại lộ Mai Chí Thọ kiếm chút tiền sống sau dịch. Thế nhưng, những ngày qua bán tới tận 17 - 18 giờ mà chẳng mấy người ghé lại hỏi mua.

Đầu giờ trưa, nhìn dòng xe trên đường rồi nhìn lại xe hàng rong ế ẩm bà tâm sự mới bán được hơn 40.000 đồng cả vốn lẫn lời. Với bà, vậy là còn đỡ chứ những ngày trời mưa thì coi như thất thu. Bán được bao nhiêu, người phụ nữ lấy mua đồ ăn cho qua bữa, còn dư thì đem làm vốn mua thêm đồ để bán chứ chưa biết lỗ, lãi như thế nào.

Bà Thu kể mấy đời nhà mình sống ở Thủ Thiêm trên nhà sàn ven bờ sông. Khi nhà được giải tỏa, với số tiền đền bù, bà lang bạt khắp nơi ở Q.2 cũ (nay là TP Thủ Đức), khi thì ở nhà trọ, khi thì ở nhà người anh, khi thì ở ngoài đường. Để mưu sinh, bà mở một hàng nước nhỏ ven đường gần nhà cũ để kiếm sống.

Sau dịch, việc buôn bán của bà ế ẩm

CAO AN BIÊN

Người phụ nữ rưng rưng kể về những ngày sống ở gầm cầu giữa dịch Covid-19

CAO AN BIÊN

Người phụ nữ tâm sự mình có 2 người con, nếp tẻ đều có đủ. Khi đứa con gái út mới tròn 1 tuổi, bà ly dị chồng rồi một mình chăm sóc các con. Hiện con gái của bà đã lập gia đình, có cuộc sống riêng, con trai lớn thì vẫn chưa lấy vợ, làm lao động tự do kiếm ăn từng bữa. Thương các con khó khăn nên người mẹ vẫn hằng ngày mưu sinh vì không muốn làm gánh nặng.

Đó cũng là lý do mà dịch Covid-19 ập tới, bà cùng người chồng sau quyết ở dưới gầm Cầu Kênh 1 để tránh dịch chứ không qua nhà trọ của con trai. Thêm vào đó, đường từ gầm cầu về nhà trọ của con gần chục cây số có nhiều chốt kiểm soát nên bà cũng không dám đi về vì sợ bị phạt.

Con đường mòn dẫn xuống phía dưới gầm cầu, gần nơi bà Thu bán nước

CAO AN BIÊN

Bà Thu cho biết suốt 3 tháng dịch, mình cùng chồng đã ăn, ngủ, sinh hoạt ở đây

CAO AN BIÊN

Chiếc giường của hai vợ chồng "ngã lưng" chỉ là một tấm ván nhỏ

CAO AN BIÊN

Nhắc đến chồng, bà cười nói hai người nên duyên từ khoảng 7 - 8 năm về trước rồi ở với nhau đến tận bây giờ, không một đám cưới, cũng không đăng ký kết hôn. Chồng của bà cũng làm lao động tự do, ai thuê gì làm nấy, hiện vẫn đang tìm việc.

“Suốt mùa dịch chúng tôi ăn ngủ, sinh hoạt dưới gầm cầu. Được chính quyền cho ký gạo, hai vợ chồng hái rau chay, rau rừng gần đây nấu canh, kho nước mắm ăn cho qua bữa. Giặt giũ cũng bằng nước sông luôn. Cứ như vậy mà an toàn qua mấy tháng dịch”, bà tâm sự.

Hỏi sao bà không qua trọ ở với con trai cho khỏe?, bà nói rằng 2 vợ chồng không có tiền nên không muốn qua làm gánh nặng cho con, khi đó con bà cũng thất nghiệp.

Với 1 triệu đồng làm vốn, bà dựng lại gánh hàng rong đã gắn bó hơn 15 năm

CAO AN BIÊN

Suốt buổi sáng, số tiền kiếm được hơn 40.000 đồng

CAO AN BIÊN

Bà bán xăng, áo mưa, nước giải khát mưu sinh

CAO AN BIÊN

Vì phải trông coi hàng nước, bà hướng dẫn tôi men theo một con đường mòn xung quanh toàn cỏ dại xuống gầm cầu để xuống nơi bà ở suốt mấy tháng dịch hoành hành. Bên dưới ẩm thấp, có một góc nhỏ là bếp than, những tấm gỗ được kê vào nhau làm thành giường và những đồ dùng như mền, gối để hơi bừa bộn. Gần đó, là những sợi dây được mắc giữa các cây làm sào phơi đồ.

“Hai vợ chồng mới tạm biệt chỗ này chưa lâu tại giờ cũng hết dịch, đi lại dễ hơn. Ban ngày ổng phụ tôi dọn hàng, rồi chạy vòng vòng coi ai thuê gì làm đó để có chút tiền. Tối về thì ghé phòng trọ của con ăn uống, giặt giũ, ngủ nghỉ chứ không ở đây nữa”, bà nói.

Ước mơ xa xôi

Lát sau, một vị khách ghé vào gánh hàng của bà Thu nói: “Đổ em 10 ngàn xăng”. Thấy có người đến mua, ánh mắt người phụ nữ sáng rỡ, lật đật chạy ra đổ xăng cho khách. Thấy khách đưa 500.000 đồng, bà nói: “Tôi không có đủ tiền thối rồi, để mai ghé lại đưa cũng được”. Vị khách bối rối đưa đỡ cho bà chủ 2.000 đồng rồi chạy xe rời đi, hứa sẽ đưa lại đủ.

Sau một ngày buôn bán, bà kiểm đếm lại số tiền. Hôm nay bán được 200.000 đồng

CAO AN BIÊN

Thu dọn đồ đạc, bà gửi xe ở một chỗ gần đó

CAO AN BIÊN

Chỉ vào thùng tiền lẻ được mắc trên xe hàng, bà nói đếm hết cũng chừng hơn 100.000 đồng. Công việc sau dịch gặp nhiều khó khăn, nhưng bà vẫn phải làm vì đây là sự lựa chọn duy nhất.

“Không làm được cái này thì làm gì bây giờ. Thôi thì cứ bán, rồi từ từ sẽ ổn định lại thôi. Biết đâu sau này làm ăn khá giả, rồi giàu lên đủ tiền thuê nhà trọ, thậm chí mua nhà không chừng. Mơ ước thì nghe xa xôi nhưng cứ mơ thôi, được hay không thì không biết”, bà cười lạc quan.

Bà đẩy bộ gần 2 km đến chỗ gửi xe

CAO AN BIÊN

Sau một ngày làm việc, bà về phòng trọ của con trai nghỉ ngơi

CAO AN BIÊN

Anh Nguyễn Văn Tý (30 tuổi, con trai bà Thu) tâm sự thời điểm dịch bệnh, mẹ bị kẹt lại dưới gầm cầu nên bản thân cũng có phần lo lắng, thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm. Sau dịch, cả mẹ và cha dượng đều về phòng trọ của anh thuê để nghỉ ngơi, thương mẹ nên anh cũng thường nấu sẵn đồ ăn cho bà, về nhà là có để ăn liền. Hiện anh vẫn tiếp tục công việc thợ sơn, tuy nhiên mưu sinh sau dịch có nhiều khó khăn hơn, “bữa đực bữa cái” nên cũng thiếu thốn đủ đường, không chăm lo nhiều cho mẹ được.

Gần 19 giờ, bà Thu đếm lại số tiền hôm nay kiếm được, vui mừng vì cũng xấp xỉ 200.000 đồng. Bà gói cẩn thận vào túi rồi dọn dẹp trở về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị một ngày mới mưu sinh với bao nỗi lo toan đan xen hy vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.