|
>> Người Sài Gòn than trời vì mưa to, ngập nước
>> Ngập nước, kẹt xe nghiêm trọng tại TP.HCM
>> Lại tái diễn cảnh ngập nước, kẹt xe khủng khiếp
>> Hàng trăm học sinh nghỉ học vì trường ngập nước
Ngập ngụa trong nước
Sáng 8.11, nhiều hộ dân ở phường 25, quận Bình Thạnh vẫn phải chịu cảnh sống chung với nước ngập. Nhiều người ở khu vực ngập nước này vẫn chưa sinh hoạt lại bình thường, chưa kể việc họ đã phải nghỉ làm để ở nhà tát nước, kê bờ cả ngày hôm trước.
Cô Du Mỹ Kim (61 tuổi, sống tại nhà 68/60, đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết: “Chân tôi thì đau khớp, lại lội nước cả ngày nên sưng và rộp hết lên. May là nhà còn có gác nên có chỗ để ngả lưng khi nhà lênh láng nước”.
Tất cả đồ đạc xài điện như tủ lạnh, máy giặt thì được ngắt tạm thời và phải chịu ngâm nước, chỉ có một ít vật dụng khác được bà Kim dồn lên gác.
Còn anh Hải, một chủ hộ khác trên đường này, khi chúng tôi đến, anh chỉ vào chiếc võng được mắc khá cao so với sàn nhà :"Tìm chỗ nằm tạm bợ nhưng ngủ võng không quen nên sáng ra đau hết cả mình mẩy”. Vì phòng anh thấp hơn các phòng bên cạnh nên nước vào là anh lại phải còng lưng tát bằng hết, nhưng nước cứ thích trêu ngươi, anh tát bao nhiêu, nước lại vào bấy nhiêu!
Từ mấy năm nay, hẻm 158 Bình Qưới (phường 27, quận Bình Thạnh) là điểm nóng của ngập triều cường. Người dân ở đây than trời về cảnh ngập nước nhưng đâu lại vào đấy. Và họ, những người dân ở đây chỉ biết xây bậc tam cấp, chắn những bao cát trước nhà để nước vào ít hơn.
Sáng 7.11, khi những cơn mưa trút ào ào xuống thành phố thì nơi đây cũng là lúc triều cường dâng theo đợt đầu tháng. Mưa và triều cường đã làm cho khu này trở thành "bể bơi" ngay sau cơn mưa chưa đầy 2 tiếng.
Gia đình chị Hồng (40 tuổi, ngụ hẻm 158 Bình Qưới, phường 27, quận Bình Thạnh) tấn thêm các bao cát ngay cửa để ngăn nước vào, mặc dù đã xây cao bậc cửa nhưng không ăn thua những lúc nước ào ạt tràn vào như lúc này... Vậy là chỉ con cái của anh chị được ngủ, còn hai vợ chồng vừa còng lưng tát nước vừa nối hệ thống bơm để dẫn nước ra ngoài. Mưa lớn, triều cường dâng, gia đình chị lại tiếp tục những ngày ngủ không tròn giấc, thấp thỏm ứng phó với nước ngập như nhiều hộ dân ở hẻm “thủy thần” này.
Trưa cùng ngày, nước mới bắt đầu rút khỏi hẻm và nước trong nhà chị cũng được tát ra gần hết. Mệt phờ sau buổi tát nước, chị nói: “Nhà xây theo bậc tam cấp nhìn như cái hầm, nhìn ra ngoài đường ngập như sông. Không biết đến bao giờ người dân thành phố mới hết chịu cảnh ngập ngụa trong nước”.
Chiều 7.11, thời điểm triều cường bắt đầu dâng, chúng tôi có mặt tại hẻm này và chứng kiến cuối con hẻm dẫn ra bờ sông nước bắt đầu tràn vào, những đụn nước nhiều hơn và bắt đầu lan rộng. Chỉ gần 1 tiếng đồng hồ sau, nước đã dâng ra gần đến hết hẻm.
Trong nhà bà Cúc (60 tuổi, một cư dân ở hẻm 158) đã sẵn sàng xô, chậu và máy bơm để bắt đầu "công cuộc" tát nước.
Bà Cúc kể: “Buổi sáng trời mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp, nước dâng sợ luôn. Nước bên ngoài tràn vào, nước dưới sàn tràn lên, nước theo ống thoát nước chui vào, không kịp trở tay”.
Mấy năm chống chọi nước ngập, người trong nhà gọi bà Cúc là “dũng sĩ tát nước”. Bởi cứ một tháng triều cường lại dâng ngập 2 lần, mỗi lần kéo dài 2-3 ngày.
Bao giờ hết cảnh “sông nước” Sài Gòn?
Anh Nguyễn Minh Trí (35 tuổi, ở đường D2, quận Bình Thạnh) nói: “Nhà tôi chủ yếu buôn bán tạp hóa, mà ngập sáng giờ không thể buôn bán gì được chỉ biết ngồi đắp cát rồi tát nước ngăn không cho tràn vào”.
Nhà anh Trí còn có con nhỏ 6 tháng tuổi, vợ anh chỉ biết bồng trên tay chứ không sao dám rời vì nước trong nhà ngập không khác gì ngoài đường.
“Giờ nhà như rối tung lên đồ đạc hàng hóa thì ướt gần như phân nửa, chỉ cầu mong cho nước mau rút để vợ chồng còn thu dọn lấy lại được bao nhiêu thì lấy”, anh Trí than.
Cứ những ngày triều cường dâng, anh Bình (ở phường 27, quận Bình Thạnh) lại phải gửi xe ở chỗ khác vì sợ xe chết máy nhiều nhanh hư.
Anh Bình kể, ban đầu còn cố gắng chạy xe nhưng có một lần khi đang chạy ra khỏi hẻm để đi làm thì xe máy của người đi trước tự dưng chết máy, vậy là anh không kịp phanh nên chồm lên xe trước.
“May mắn là tôi và người kia chỉ bị xây xát nhẹ nhưng tôi được tắm nước ngập luôn. Từ đó, mỗi lần nước ngập là tôi gửi xe bên ngoài cho chắc để tránh rủi ro”, anh Bình nói.
“Ở trong nhà đi con, đừng có ra ngoài nước sâu lắm, té chết”, ông Ngô Văn Trương (54 tuổi, ở trọ đường D2, quận Bình Thạnh) nhắc nhở hai cháu ngoại của mình vì bao quanh phòng gia đình ông là cả một “biển nước”.
Ông nói trong nghẹn ngào: “Ở dưới quê nghèo lên đây thuê trọ kiếm sống mà còn gặp nước ngập thế này, nghỉ không biết khi nào mới được đi làm lại, khổ càng thêm khổ. Hơn nữa phòng thì 5 người mà giờ chỉ còn cái giường bé tẹo không ngập nên nước thế này chỉ có nước ngủ ngồi”.
Một số hình ảnh do PV Thanh Niên Online ghi nhận vào tối 7.11:
|
Hà Minh - Lương Ngọc
(thực hiện)
Bình luận (0)