Người sao, ta vậy để ăn miếng trả miếng

30/05/2022 16:00 GMT+7

Chuyện mắc mớ hiện tại giữa Hy Lạp và Iran về việc hai bên bắt giữ tàu chở hàng của nhau gợi liên tưởng chuyện Canada và Trung Quốc bắt giữ công dân của bên kia.

Cả hai đều mang mô thức trả đũa kiểu “người sao, ta vậy”.

Ban đầu, Hy Lạp bắt giữ một con tàu Nga chở dầu, rồi quyết định trả tự do cho tàu, nhưng chưa trả tự do cho con tàu thì phải tiếp tục giữ lại theo yêu cầu của Mỹ. Không bao lâu sau, Iran bắt giữ 2 tàu chở hàng của Hy Lạp. Người ta có thể dễ dàng dự liệu được kết cục cuối cùng là hai bên đều trả tự do cho các tàu bị bắt giữ.

Delta Poseidon là một trong 2 tàu hàng của Hy Lạp bị Iran bắt giữ

tehran times

Như trong vụ việc bà Mạnh Vãn Chu, một trong các lãnh đạo của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc), bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc bắt giữ công dân Canada với cáo buộc hoạt động gián điệp và đưa ra tòa xét xử. Cuối cùng thì Canada phải trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu để đổi lấy tự do cho các công dân bị Trung Quốc tuyên phạt án.

Canada và Hy Lạp đều là đồng minh của Mỹ, tự đẩy mình vào thế hủy hoại quan hệ với Trung Quốc và Iran để đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Trung Quốc và Iran trả đũa trực tiếp Canada và Hy Lạp, nhưng thực chất nhằm vào Mỹ. Mô thức xử lý quan hệ quốc tế như thế xem ra đã trở nên phổ biến, thậm chí còn trở thành khuôn mẫu. Điểm đặc trưng khiến dư luận thế giới chú ý ở các vụ việc như thế là Mỹ luôn được lợi, Trung Quốc và Iran không có sự lựa chọn đối sách nào khác. Trong khi đó, Canada và Hy Lạp ngay từ đầu thừa biết là chỉ có thể thiệt chứ không thể được lợi từ việc gây trắc trở với đối tác này để làm hài lòng đối tác khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.