Người sửa đàn dương cầm tài ba

07/11/2009 20:15 GMT+7

(TNTS) Không chỉ giới văn nghệ sĩ, người sống ở TP.HCM coi anh là vị cứu tinh khi đàn dương cầm (piano) của họ bị hỏng, mà những gia đình ở các tỉnh, thành khác cũng sẵn sàng thuê xe mời anh đến sửa. Anh tên là Phó Khánh Hoa, nhưng mọi người thường gọi anh với cái tên thân mật là… Xiếu.

Xin cứu người bạn tri âm của tôi

Là câu đầu tiên mà hầu hết những gia chủ nhờ anh phục hồi đàn cổ đều thốt lên. Anh Xiếu kể cho tôi nghe về trường hợp phục hồi chiếc piano, được sản xuất những năm đầu thế kỷ 20 cho ông Andersion (người Mỹ) cách đây vài tháng. Ông Andersion đang ngụ tại khu dân cư Thảo Điền, Q.2, TP.HCM.

Chiếc piano ấy ông luôn mang theo khi đi bất cứ nơi đâu. Dù nó đã bị hỏng từ lâu, nhưng ông luôn trông đợi có ngày gặp được người có thể phục hồi nó. Nên khi gặp anh Xiếu, ông Andersion rất xúc động và nói chi phí bao nhiêu cũng không thành vấn đề, miễn là anh giúp cho “người bạn” của ông lên tiếng trở lại.

Nhìn qua cây đàn bị hỏng hết cả bàn phím bằng ngà voi, đứt dây, máy hư, anh Xiếu bảo: “Được rồi, cho tôi vài ngày”. Xiếu về nhà lục lại những phụ tùng cũ mà người cha hay làm cho khách cách đây hàng chục năm và bắt đầu sửa đàn cho ông Andersion.

Ngồi mày mò lại bộ máy cũ, làm thật cẩn thận, cuối cùng chiếc piano cũng được phục hồi. Khi trao trả cây đàn cho Andersion, Xiếu rất sung sướng khi ông hết ôm đàn lại ôm anh rồi nói: “Xin cảm ơn anh rất nhiều. Nhờ anh mà người bạn tri âm của tôi sống lại. Tôi có thể mua cây đàn mới nhưng tôi chỉ muốn làm bạn với cây dương cầm này thôi. Nó đã đi cùng tôi qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, rất nhiều kỷ niệm gia đình cũng gắn liền với nó...”. Anh Xiếu kể với nụ cười mỹ mãn, đầy tự hào.

“Phục hồi đàn cổ hoặc cũ là đẳng cấp bậc nhất của người sửa đàn. Vì phục hồi đàn khó gấp bội so với sửa đàn. Việc làm lại một bộ bàn phím, bộ búa, bộ dây đàn trong cây đàn là hoàn toàn không tưởng đối với người thợ thường thường, chỉ cần một chi tiết không chính xác là coi như hỏng hết. Phải am hiểu về các thương hiệu đàn như Moutrie, Gaoveur, Pleyel, Kiein, Wuizer, Yamaha… và các model đàn qua từng thời kỳ thì mới phục hồi được. Có thể gọi anh Xiếu là “sư phụ” trong việc này.  Tôi luôn tin tưởng mỗi khi giới thiệu anh cho người cần phục hồi đàn và chưa trường hợp nào bị thất bại cả” - anh Hiến, một giáo viên dạy nhạc ở TP.HCM nói về anh Xiếu.

Tiếng lành đồn xa, năm 2005, cô Hải ở Cần Thơ nhất định mời cho bằng được anh Xiếu xuống sửa đàn. Anh rất ngại đi do chi phí sửa không đủ chi phí đi lại, ăn uống. Hơn nữa, anh lại quá bận bịu. Nhưng cô Hải bảo sẽ lo cho anh ăn ở tươm tất, thuê xe cho anh xuống sửa. Cô còn lặn lội tìm những gia đình trong thành phố có nhu cầu sửa đàn gom lại một mối để thuyết phục anh Xiếu. “Trước tấm chân tình của họ mình không thể từ chối, và đến rồi càng khó từ chối vì người ở tỉnh rất chân thật, hiếu khách” - anh tâm sự. Cứ thế, sau mỗi lần đi tỉnh, thành khác về là danh sách khách hàng thường xuyên của anh càng dài thêm.

Còn trong giới nghệ sĩ anh càng được biết nhiều hơn. Những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng như Nguyễn Ánh 9, Trần Tiến, Trần Hiếu, Xuân Quang, Bảo Chấn… là khách hàng thường xuyên của anh trong nhiều năm qua. Cứ định kỳ vài tháng là anh đến cân dây đàn và kiểm tra máy một lần.

“Chẩn bệnh” như thần 

Không cần chủ nhà nêu “triệu chứng”, chỉ cần ngồi vào dạo qua mười ngón tay là anh Xiếu biết ngay cây đàn đang bị “bệnh” gì. Anh bảo: “Cây đàn mắc các “bệnh” chủ yếu như, chùng dây, đứt dây, phím lơ và máy hư. Nếu bị chùng dây, đàn tạo ra âm thanh nhão nhoẹt, người biết chơi đàn là nhận ra liền, nhưng những “bệnh” còn lại thì chỉ có thợ mới biết. Thậm chí, thợ nào chưa rành nghề cũng khó nhận ra, nếu nghe theo những triệu chứng mà chủ nhà nêu để sửa đàn nhiều khi còn làm đàn hỏng thêm. “Đánh” vô mà nghe tiếng “cụp cụp” là đàn đứt dây, nghe tiếng chạp chạp là phím hư. Máy hư cũng nghe “chạp chạp” nhưng có hơi khác một chút so với trường hợp phím hư”.

 
Cân một bộ dây đàn, anh Xiếu làm chỉ trong 90 phút - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Chẩn bệnh” đã khó, “chữa bệnh” càng khó hơn. Cân dây khi đàn bị chùng dây là việc làm đơn giản nhất nhưng không phải thợ nào cũng làm được. Phải vừa thính tai vừa tập trung tinh thần cao độ. Dùng một âm thoa (dụng cụ chỉnh nhạc) gõ vào thân gỗ lấy một nốt la làm chuẩn sau đó chỉnh. m khoa phải được nhập từ Nhật chứ hàng Việt Nam không chính xác. Thợ thường thường phải mất cả ngày hoặc ít nhất là 3 tiếng đồng hồ để hoàn thành việc cân dây cho một cây đàn nhưng với anh Xiếu thì chỉ cần 90 phút là xong. Vừa nhanh vừa chính xác.

“Nghe nói bây giờ có máy điện tử dùng để cân dây đàn rất tiện, sao anh không dùng?” - tôi hỏi. “Những người dùng máy cân dây đàn điện tử chắc chắn không phải thợ chuyên nghiệp. Người ta nghĩ có máy sẽ kiếm tiền dễ dàng vì chỉ cần làm theo chỉ báo của máy. Nhưng không hề dễ bởi không phải lúc nào máy cũng chính xác cả. Gặp pin yếu thì máy chỉ báo khác, còn pin mạnh máy chỉ báo khác. Nhiều trường hợp vì “nghe lời máy” mà làm đứt dây đàn luôn”- anh Xiếu cho biết.

“Còn khi phím đàn bị hỏng thì phải thay nỉ đàn khác (nỉ này phải là hàng nhập chính hãng). Cần lấy dao chuyên dụng cắt hết nỉ cũ ra, thay nỉ mới. Phải cắt sao cho thật chính xác kích cỡ của nỉ, rồi cạo sạch lớp keo cũ, bôi keo mới lên để dán nỉ mới. Lượng keo dán nỉ mới phải thật chuẩn, chỉ cần nhiều hoặc ít hơn một tí là hỏng liền”.

Cho nên không khó hiểu khi có những cây đàn đã qua 6-7 người thợ sửa vẫn không sử dụng được nhưng đến tay Xiếu sửa một lần thì xài rất lâu và tốt. Chẳng hạn, chiếc piano xuống cấp trầm trọng ở nhà thờ Tân Định được anh Xiếu sửa hồi năm ngoái. Cây đàn này bị hư đến mức tưởng chừng như tuyệt vọng nhưng cuối cùng qua bàn tay của Xiếu nó đã được “hồi sinh”. Sau mấy ngày miệt mài thay những dây, búa, phím… bị hỏng, anh trao trả cây đàn trong sự ngỡ ngàng, mừng khôn tả của đức cha và mọi người.

Khi được hỏi về bí quyết sửa đàn tài ba của mình, anh bộc bạch: “Xiếu sửa đàn được như thế chắc nhờ do có khiếu, ngoài ra còn nhờ do Xiếu được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề sửa đàn. Ông nội Xiếu là người sửa đàn có tiếng ở Thượng Hải (Trung Quốc). Cha Xiếu là người sửa đàn nổi tiếng ở Sài Gòn những năm trước năm 1975. Còn Xiếu xách đồ nghề theo cha sửa đàn từ nhỏ nên được ông truyền rất nhiều kinh nghiệm. Trước đây, để sửa đàn cho khách, mỗi ngày Xiếu phải đạp xe đạp đi cả trăm cây số. Nhưng dù xa hay gần thì vẫn lấy một mức giá. Thậm chí, khi biết khách nhờ sửa đàn là các nữ tu sĩ hoặc khi sửa những cây đàn dành cho những trẻ em nghèo, bất hạnh là Xiếu sửa giùm, không bao giờ lấy tiền. Không từ chối một trường hợp hư hỏng nào. Dù khó đến mấy cũng phải sửa cho bằng được. Có thức đêm mày mò hàng tháng trời cũng không bỏ cuộc…”.

“Tay buôn” đàn cũ nổi tiếng

Bên cạnh sự nổi tiếng là người sửa đàn giỏi, anh Xiếu còn nổi tiếng là “tay buôn” đàn cũ chất lượng, giá rẻ lại được bảo hành tốt. Dường như người dân ở hẻm 172 Trần Phú, Q.5, TP.HCM đã quen thuộc với hình ảnh những chiếc xe hơi bóng loáng dừng ở đầu hẻm, chủ nhân của chúng vào trong khoảng 15 phút, sau đó khệ nệ khiêng ra một cây đàn dương cầm to tướng. Đó là những vị khách hàng của anh.

Họ rất khá giả, mua đàn không bao giờ mặc cả nhưng họ tìm đến căn nhà xập xệ trong hẻm nhỏ của anh mua đàn mà không mua ở những cửa hàng, công ty lớn vì họ tin tưởng ở anh. Khi hàng được các công ty nhập khẩu nhập về là anh vào chọn trước khoảng hơn chục cây hàng top mang về bán cho khách nhờ mua. Mỗi cây đàn bán ra đều được anh ghi lại chi tiết về đặc điểm, ngày tháng để thực hiện bảo hành định kỳ cho khách.

“Trước đây Xiếu chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ bán đàn vì nghĩ rằng mình không “ma lanh” nên không thích hợp, nhưng rồi nhiều khách cứ “xúi”, đặt hàng Xiếu tìm mua giúp. Dần dần Xiếu trở thành “tay buôn” có tiếng trong giới chơi đàn hồi nào không hay” - anh Xiếu kể chuyện “bất đắc dĩ” trở thành một tay buôn đàn piano. Giờ ai có nhu cầu mua đàn là điện thoại cho anh. Thậm chí có người còn không xem đàn trước khi trả tiền như trường hợp anh Quang ở Nha Trang mua cây đàn giá hơn 20 triệu đồng nhưng chỉ dặn một câu: “Lựa kỹ kỹ dùm tôi nghen, lựa rồi đóng thùng gửi tàu hỏa ra”.

50 tuổi có hơn 30 năm trong nghề, Xiếu đang trong độ chín của tài năng. Hẳn câu chuyện về người sửa đàn dương cầm tài ba sẽ còn được nhiều người nhắc đến.

Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.