Xích lô, hư gì mà sửa?
Tiệm sửa xích lô của ông Sáu Phát nằm ở 206 đường Trần Phú, Q.5... Chúng tôi ghé tiệm của ông vào một ngày đầu tháng 12.2008, thấy ông mặt mũi lấm lem từ đầu tới chân, áo quần đen nhẻm màu dầu mỡ, khói than hàn xì. Thì ra, sửa xích lô cũng cực chẳng kém dân sửa xe hơi hay gò hàn đóng tàu ngoài cảng.
“Xích lô hư gì mà sửa hả bác?” – Ông Sáu Phát cười hiền lành trước câu hỏi quá sức vô duyên: “Thì cũng dăm ba cái lặt vặt như bộ cổ xoay, cái thắng thôi!” Nói là vậy, nhưng hẳn mọi người sẽ đều bất ngờ nếu biết xích lô là loại xe mau hư nhất.
Trung bình một tháng, dân đạp xích lô phải đi sửa xe hoặc bảo dưỡng một lần. Nhẹ thì thay bộ thắng - thắng xích lô bị kéo liên tục nên hay mòn. Hoặc là kiểm tra, thay mới bộ cổ xoay chỉ gồm hai viên bi - xích lô thường xuyên phải sàng qua sàng lại nên hai viên bi này hay bị mòn hoặc méo. Nặng hơn nữa thì phải cân chỉnh lại cái nhíp, làm sao để khách ngồi trọng lượng không dồn hẳn về phía trước hay về sau xe mà phải nằm ở giữa, đúng trọng lực xe mới lướt nhanh...
Xích lô có ba bánh thì ai cũng biết, nhưng “phát hiện” ra cách để hai bánh trước chạy song song, thẳng hàng thì không phải ai cũng rành. Để làm được như vậy người thợ sửa xe phải cân chỉnh một cách có khoa học. Rồi cái yên xích lô – độ nhún của nó khác hẳn cái yên xe đạp. Để có cái yên xe êm, vững – lại phải cần đến bàn tay thạo nghề của người thợ.
Biết bao nhiêu là cái phải sửa trong một chiếc xích lô, nhưng giá sửa xích lô thì rẻ lắm, tính từng ngàn đồng! Ông Sáu Phát thông cảm với anh em chạy xe: “Dân đạp xích lô là lao động nghèo, càng ngày càng ít khách. Vả lại, họ thường xuyên sửa xe nên nắm chắc giá cả, lên xuống một ngàn đồng là họ nhận ra ngay.” Ở tiệm Sáu Phát, giá sửa thắng là 8.000 đồng, lau dầu vòng bi 8.000 đồng, cân xe 25.000 đồng. Bây giờ khách ít, một ngày Sáu Phát tiếp bình quân 4 – 5 khách hàng bình dân như vậy.
Thăng trầm với nghề
Những năm trước và sau giải phóng, ở Sài Gòn nhiều hãng làm xích lô để bán. Họ làm xe nguyên bộ, mỗi hãng một kiểu khác nhau, ngoài bán, các hãng như Đồng Phát hay Duy Tân còn cho thuê xích lô. Đến kỳ, mỗi hãng lại nhận xe của mình về để tự sửa chữa, bảo dưỡng.
Sau này, những tiệm tư nhân như Ngọc Quế, Vinh “quắn”, Ba “lùn”... còn tự ra xe theo kiểu dáng riêng của mình. Hình dáng chiếc xích lô vì thế ngày càng “phức tạp” hơn. Hãng thì cho ra xe thùng to, tiệm thì cho ra kiểu xe đuôi nhỏ. Xích lô hỏng nhiều, mỗi xe một kiểu nên nhu cầu sửa xe rất lớn, đòi hỏi người thợ phải giỏi nghề.
Đó là thời kỳ ông Sáu Phát “phát” nhất. “Tôi nhớ, hồi vàng còn 24.000 đồng/chỉ, một tuần tôi kiếm từ 1 – 1,5 chỉ vàng sau khi trừ tất cả chi phí.” Sửa xích lô phát đạt đến mức ông Sáu Phát nuôi 3 thợ, mở lớp dạy cả nghề sửa xích lô. Không như bây giờ, thợ cũng chẳng dám nuôi, mấy “đệ tử chân truyền” của ông Sáu Phát người thì bỏ làm xe ôm, đứa thi lấy bằng làm tài xế xe tải.
Ông Hồ Tấn Phát sinh năm 1956, đến nay đã có tay nghề sửa xích lô 29 năm. Trước khi khởi nghiệp, ông từng làm thợ rút căm xe đạp cho hãng Chiến Thắng, Cửu Long... |
Ông Sáu Phát còn nhớ lần sửa xe cho một ông khách “khó tính” nhất: Lúc đầu, ông này nói xe chuyên chở khách nên ông nghĩ chở khách thì nhẹ nên cân nhíp cho xe nhẹ đi. Chẳng dè, ông đạp xích lô lại đem xe chở hàng. Xe đang chạy bon bon thì gặp ổ gà, đuôi xe chổng ngược lên trời, lật đổ hết hàng hóa, tài xế thì thương tích đầy mình, đạp xe đến tiệm mắng vốn... sau lần đó, ông Sáu Phát thức liền mấy đêm để tìm cách ứng dụng nguyên lý cân bằng vào trong xích lô.
Xe chở hàng thì nhíp trước phải ngắn, xe chở khách thì nhíp phía trước phải dài... Vậy phải làm sao để chiếc xe có thể đạt được cả hai công năng một cách “ổn thỏa” nhất? Cân nhắc nhiều lần, ông Sáu Phát quyết định để cho nhíp trước vừa phải theo độ tính toán của ông, xe chạy mới “đằm”. Sau khi cân chỉnh chiếc xe cho người khách, ông Sáu Phát có thêm một “chiêu” trong nghề sửa xích lô, còn ông khách nọ được chiếc xe chạy “ngon” mà không phải mất thêm tiền...
Những người đạp xích lô vô danh và cái tâm ông thợ
Ông Sáu Phát kể: “Khách đến sửa xích lô, có ông quen mặt cả chục năm trời tôi cũng chẳng biết tên. Thấy mặt gọi bằng vai, anh Tư anh Năm vậy thôi. Họ đến thường xuyên, dân nghèo, sửa xe xong lại đi kiếm sống, cũng chẳng tiện hỏi tên họ...”. Đến bây giờ, ông Sáu Phát cũng không thuộc được một cái tên khách hàng nào, chỉ nhớ “có ông khách chạy bên ngã bảy Lý Thái Tổ, đến nay 15 năm rồi. Ông mới nhất thì quen đây 4 năm...”. Người đạp xích lô chỉ là người đạp xích lô, và có lẽ cũng chẳng ai muốn người đang được họ phục vụ biết tên họ làm gì.
Khi nói về ông, về lớp anh em cùng nghề, ông Phát chợt buồn hẳn: “Những người có tuổi thì họ bỏ nghề nghỉ hưu, thợ trẻ buông nhảy sang nghề khác vì không thể kiếm sống được với nghề này nữa”. Hỏi ông Phát, sao không truyền nghề lại cho con trai, ông thở dài: “Có hai thằng con nhưng tôi không cho theo. Mình cơ cực đủ rồi, không muốn tụi nó khổ như bố nó.”
Nghe ông Sáu nói, chúng tôi chỉ thấy buồn, càng buồn hơn khi ông Sáu Phát tâm sự và “dự đoán”: “Tôi không dám buông nghề vì mình đến tuổi hưu rồi, bỏ làm không có tiền xài. Tôi nghĩ, nghề này tồn tại không quá 4 năm nữa.” Theo ông Sáu Phát, một phần do xích lô bị cấm lưu thông nên nhiều người không dám mua xe chạy. Với lại, nhà sản xuất cũng không còn đầu tư sản xuất phụ tùng xích lô nữa nên số lượng rất ít, nhiều khi tìm mua không có để thay thế.
Cái tiệm sửa xích lô này, ông Sáu Phát phải thuê một tháng 3 triệu đồng, chẳng có toa-lét. Hằng tháng, ông “làm ăn” được trên 5 triệu, ngoài cà phê thuốc lá, cơm nước ở tiệm, ông gửi bà xã 2 triệu để đi chợ. Để được mức thu nhập như vậy, ngoài việc sửa xe, ông Sáu Phát còn phải kiêm luôn nghề... buôn xích lô. Chỉ ra dãy xích lô cũ 5, 6 chiếc đặt bên tiệm ông bảo: “Tôi trưng ra đấy cho anh em thấy, ai cần mình bán lại, một cái trên dưới 1 triệu đồng.” Và, cứ sáng sớm, ông Sáu Phát còng lưng đẩy xích lô cũ ra trưng vỉa hè, đến tối lại còng lưng đẩy đi gửi, gửi xích lô cũng tốn tiền.
Giờ tan tầm, đường Trần Phú đông, bên kia đường có mấy xe xích lô đang đậu. Đến khi chúng tôi chào ông Sáu Phát ra về, mới thấy những người chạy xích lô đẩy xe sang... Hóa ra, những người chạy xích lô “thấy chú có khách nên không dám qua”. Rồi cả nhóm đứng ngay vỉa hè hồ hởi nói chuyện dù mặt mũi ai cũng lấm lem, khắc khổ. Những người chạy xích lô trông rất vô tư, yêu đời dù họ rất nghèo... Đây có lẽ cũng là lý do mà ông Sáu Phát còn giữ nghề đến giờ.
Nguyễn Lê Nguyên – Hà Thanh
Bình luận (0)