17 giờ, dòng người vội vã trở về nhà sau một ngày làm việc. Trong căn nhà cuối hẻm 78 đường Tân Thới Nhất (Q.12), chị Nguyễn Thị Hường (26 tuổi, quê ở H.Kim Sơn, Ninh Bình) vừa bế con, vừa chuẩn bị bữa cơm tối. Anh Mai Văn Hải (30 tuổi, chồng chị Hường) làm tự do. Những ngày cuối năm cố gắng làm nhiều việc để có thêm tiền.

Trước đây, chị Hường làm ở trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, từ đợt dịch Covid-19 và chị sinh con trai đầu lòng nên phải ở nhà, không có thêm thu nhập. Vợ chồng chị nỗ lực không ngừng nghỉ bởi họ còn phải nuôi em trai đang theo học cao đẳng. Chị là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em.

“Nhà tôi còn có anh trai khuyết tật, bố mẹ làm nông. Chồng tôi là trẻ mồ côi, ở với bố mẹ nuôi từ nhỏ. Anh chăm chỉ, việc gì cũng làm từ thợ điện, thợ hàn,… mong có đồng ra đồng vào lo cuộc sống hằng ngày”, chị cho hay.

Vì muốn tiết kiệm chi phí, năm 2019 chị không về quê ăn tết. Chị nhận làm thêm tại một quán mì Quảng. Chị làm tất bật đến 10 giờ đêm để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ không khí tết ở quê. Trong phòng trọ nhỏ, chị thấy bơ vơ và lẻ loi biết nhường nào.

Lúc đó, phòng trọ chị nhỏ xíu, chiều dài chỉ đặt được khoảng 4 viên gạch. Những ngày tết, chị cố nấu ăn cho qua bữa. Không có bánh chưng, không có mâm cơm đủ đầy và không có nụ cười, ánh mắt yêu thương của bố mẹ.

“Tôi vẫn nhớ phòng trọ đó chỉ trải đủ một cái chiếu nhỏ, nắng hắt vào đã hết nửa phòng. Thời điểm đó, tôi chưa lấy chồng vẫn ở một mình. Tết nhưng cứ lủi thủi trong phòng, còn chán hơn ngày thường vì nỗi nhớ gia đình chợt ùa đến rất buồn, tủi thân”, chị bộc bạch.

Con gái không về quê ăn tết, bà Ngô Thị Ngọc (60 tuổi, mẹ chị Hường) nhớ con chảy nước mắt. Mâm cơm ngày tết thiếu vắng con gái, gia đình vẫn không thể sum họp. Cả năm dài đằng đẵng, bà luôn mong con cái về đông đủ vào dịp tết nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, bà hiểu và càng thương con hơn.

Bà nghĩ rằng đêm 30 và ngày mùng 1 tết là khoảnh khắc sum họp, là khoảng thời gian ý nghĩa, linh thiêng nhất của mỗi gia đình. Ngồi bên mâm cơm, bà thấy thiếu con gái nên chỉ biết gọi điện vào hỏi thăm. Nói chuyện qua điện thoại, bà cố gắng không òa khóc, mẹ con cùng an ủi nhau, hy vọng sang năm mới có nhiều điều tốt đẹp.

Những ngày sát Tết Quý Mão, chị Hường thử xem vé máy bay về quê. Niềm mong mỏi đoàn tụ gia đình dường như dập tắt khi hệ thống hiện lên giá vé khoảng 3 triệu đồng/người/chiều. Cả nhà về tiền vé sẽ quá lớn, số tiền đó bằng tiền sữa của con uống trong mấy tháng. Con trai chị uống sữa ngoài vì chị không có sữa.

Sau đó không lâu, chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi cả nhà nhận được vé máy bay từ chương trình “Mang tết về nhà”. Đây là chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng nhãn hàng Pepsi tổ chức dành cho đối tượng công dân Việt Nam tại Nhật Bản, sinh viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết.

Ban tổ chức phối hợp cùng Hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức 3 chuyến bay (Nhật Bản - Hà Nội, TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đồng Hới) phối hợp cùng các đơn vị cung cấp xe tổ chức 80 chuyến xe về các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đây là năm thứ 3 chương trình được tổ chức.

Về quê, chị sẽ cố gắng hoàn thành tâm nguyện của mẹ trước khi quá muộn. Mẹ chị đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.

Trong căn trọ nhỏ khoảng 10m2 ở đường số 5, KP2, P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chị Nguyễn Thị Lập (39 tuổi, quê ở H.Hương Khê, Hà Tĩnh) ru con ngủ trong võng. Vợ chồng chị Lập có hai con trai (bé lớn 11 tuổi, bé thứ hai 2 tuổi).

Chị Lập làm công nhân với mức lương cơ bản khoảng 6 triệu đồng. Lương thấp, chị phải cố gắng tăng ca để có tiền trang trải sinh hoạt và nuôi con ăn học. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19, đơn hàng ít, công việc trở nên bấp bênh. Bé thứ hai còn quá nhỏ, chị phải ở nhà thường xuyên chăm con, chồng phải cố gắng hơn gấp bội.

4 năm nay, chị chưa về quê ăn tết. Lần trước, con trai đầu đi cùng ông bà bằng xe khách vào ở với bố mẹ. Quãng đường di chuyển xa, con ám ảnh với cảnh đi xe đường dài nên nhất quyết không đi lại lần hai. Vợ chồng chị không đủ tiền mua vé máy bay cho cả nhà nên đành cắn răng chịu đựng đón tết trong căn trọ nhỏ.

Gọi là đón tết nhưng những ngày đó giống ngày chủ nhật. Chị động viên con năm này qua năm khác nhưng vì quá eo hẹp nên suốt 4 năm không thể về quê. Gia đình chị có 9 người con, chị là con thứ 6.

Ông Nguyễn Thịnh (72 tuổi, bố chị Lập) biết hoàn cảnh con gái nên chỉ biết động viên con ở lại ăn tết vui vẻ. Ông không khỏi chạnh lòng khi nhắc về con. Ông luôn mong gia đình chị Lập về quê để cả gia đình quây quần bên nhau.“Bố mẹ nào cũng muốn con về ăn tết nhưng không có điều kiện đành phải chấp nhận. Nếu con không về, tôi rất buồn, không khí tết trầm hơn. Con xa nhà lâu ngày tôi chỉ biết gọi điện hỏi thăm. Ngồi bên mâm cơm không khỏi nhớ về con”, ông chia sẻ.

Báo Thanh Niên
29.12.2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top