img

Là người đứng đầu hệ thống trường tư thục lớn ở Hà Nội với nhiều cơ sở, nhiều cấp học, thầy Nguyễn Xuân Khang đã có quá nhiều việc phải lo, phải làm cho ngôi trường của mình. Vậy mà ông vẫn luôn tâm nguyện thực hiện các dự án dành cho sự phát triển của H.Mèo Vạc, dự án sau lại có mức đầu tư lớn hơn nhiều so với dự án trước.

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 1.

Dự án lớn đầu tiên dành cho Mèo Vạc là dự án trồng cây gây rừng mang tên "Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc", được thầy Nguyễn Xuân Khang đặt ký hiệu là MV1. "Trong sự nghiệp trồng người của chúng ta có việc trồng rừng. Và chính việc trồng rừng này sẽ góp phần tích cực trong sự nghiệp trồng người ở Trường Marie Curie", thầy Khang chia sẻ với PV.

Được sự đồng ý của Huyện ủy, UBND H.Mèo Vạc, đất trồng rừng được xác định tại xã Khâu Vai, cây trồng là sa mộc. Trong hai tháng 10 - 11.2021, UBND và bà con xã Khâu Vai phối hợp với Trường Marie Curie trồng hơn 20.000 cây sa mộc trên diện tích 13 ha. Qua giai đoạn 1, 20.000 cây sa mộc phát triển tốt, cây giống 50 cm sau 3 năm đã cao 1,2 - 1,5 m. Thầy Khang cho biết trong năm 2024 sẽ bước sang giai đoạn 2, trồng 20.000 - 30.000 cây sa mộc nữa tại nơi này.

Như vậy, khởi đầu bằng tên gọi "Một vạn cây xanh cho Mèo Vạc" nhưng khi kết thúc dự án, sẽ có khoảng 40.000 - 50.000 cây xanh, tạo nên một cánh rừng xanh tốt.

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Xuân Khang (thứ hai từ phải sang) trao đổi với lãnh đạo UBND và Phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc

M.C

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 3.

Năm học 2022 - 2023, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3; nhưng gần 20 trường tiểu học ở H.Mèo Vạc chỉ có 1 giáo viên (GV) cho môn học này. Các trường học ở Mèo Vạc "đứng ngồi không yên" khi năm học mới đã cận kề.

Sau một vài lần Trường Marie Curie quyên góp, mua tặng sách giáo khoa, trang bị thư viện cho các trường ở H.Mèo Vạc, ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc, ngỏ lời nhờ thầy Nguyễn Xuân Khang giúp dạy tiếng Anh trực tuyến cho H.Mèo Vạc. Kết quả hơn cả mong đợi, thầy Khang đã quyết định tuyển dụng 21 GV chỉ để dạy (trực tuyến) tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của tất cả các trường trong H.Mèo Vạc. Dự án mang tên "Dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc", ký hiệu là MV2, chi phí khoảng hơn 1,7 tỉ đồng/năm học.

Đều đặn 3 tiết/tuần, học sinh lớp 3 ở H.Mèo Vạc được học trực tuyến môn tiếng Anh với các GV ở thủ đô theo đơn vị lớp. Đến nay, sau 3 học kỳ, cũng là đủ 3 lần các thầy cô Trường Marie Curie lên Mèo Vạc thăm học trò và trực tiếp thực hiện các bài kiểm tra nghe, nói để biết chất lượng dạy và học đến đâu.

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 4.

Thầy Nguyễn Xuân Khang với các sinh viên nhận học bổng dự án “Đào tạo GV tiếng Anh cho Mèo Vạc

T.M

Dự án không dừng ở một năm như kế hoạch ban đầu, thầy Khang quyết định "nối dài yêu thương" và tiếp tục giúp Mèo Vạc dạy tiếng Anh cho hơn 2.600 học sinh lớp 3 kể trên đến khi các em tốt nghiệp tiểu học (năm 2025).

Mô hình dạy tiếng Anh cho H.Mèo Vạc của Trường Marie Curie đã mở ra một cách làm mới để các địa phương khó khăn khác chủ động kêu gọi giúp đỡ; các nhà hảo tâm cũng muốn giúp theo cách mà thầy Khang đã làm. Sở GD-ĐT Lâm Đồng và một tổ chức thiện nguyện ở TP.HCM đã giúp dạy tiếng Anh cho các địa bàn khó khăn khác của Hà Giang. H.Mù Cang Chải ở Yên Bái cũng kêu gọi sự giúp đỡ của các trường học và sở GD-ĐT ở Hà Nội, Nam Định và một số tập đoàn lớn… để giúp giải quyết vấn đề thiếu GV.

Chứng kiến việc làm trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ông trân trọng và đánh giá rất cao những đóng góp hiệu quả của cá nhân thầy Nguyễn Xuân Khang và Trường Marie Curie với cộng đồng, với giáo dục vùng khó khăn, góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD-ĐT. Đầu năm học này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định trao tặng bằng khen cho cá nhân thầy Nguyễn Xuân Khang và bằng khen cho tập thể Trường Marie Curie.

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 5.

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 6.

Sự giúp đỡ ấy những tưởng đã quá đặc biệt. Vậy mà, người thầy giáo già lại không đành lòng khi nghĩ đến lúc dự án kết thúc, Mèo Vạc lại khó khăn bởi vẫn thiếu GV. Ông tâm niệm tặng "con cá" lúc nguy cấp là rất cần, nhưng để lâu dài và bền vững thì phải có "cần câu". Nghĩ vậy, thầy Nguyễn Xuân Khang chủ động đề xuất UBND H.Mèo Vạc về việc phối hợp đào tạo GV tiếng Anh cho huyện với hình thức "cử tuyển" kết hợp xã hội hóa. Ông đặt tên cho dự án là "Đào tạo GV tiếng Anh cho Mèo Vạc", ký hiệu là MV3.

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 7.

Thầy Nguyễn Xuân Khang tham gia thi kéo co cùng học sinh

M.C

Theo biên bản cam kết, Trường Marie Curie sẽ hỗ trợ đào tạo 30 GV cho H.Mèo Vạc với dự tính kinh phí 6 - 12 tỉ đồng. H.Mèo Vạc tìm học sinh là con em tại địa phương, trúng tuyển vào các trường đại học đào tạo ngôn ngữ Anh, bố trí cho các em về dạy học tại các trường trên địa bàn huyện sau khi ra trường. Trường Marie Curie hỗ trợ kinh phí đào tạo, ăn ở cho các em tối thiểu 5 triệu đồng/em/tháng (từ tháng 12.2023). Mức này có thể tăng lên đến 10 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào thành tích học tập của các em; số tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản của các em mỗi tháng thực học.

Hiện nay đã có 17 sinh viên tham gia dự án và sẽ tuyển thêm 13 sinh viên để đào tạo trong năm học sắp tới. Thầy Khang nhắn nhủ các sinh viên: "Mong các con cố gắng học tập để có kết quả tốt nhất trong khả năng của mình. Sau khi tốt nghiệp, các con sẽ trở về quê hương của mình, cùng các thầy cô giáo hiện nay dạy dỗ các em học sinh của huyện. Từ nay, thầy sẽ coi các con như con trong nhà và trách nhiệm làm cha phải lo cho các con mình ăn học. Các con đã trở thành một thành viên của gia đình Marie Curie".

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 8.

Cánh rừng sa mộc tại xã Khâu Vai, H.Mèo Vạc, do Trường Marie Curie phối hợp thực hiện

M.C


Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 9.

Dự án MV3 mới chỉ bắt đầu thì thầy Nguyễn Xuân Khang lại ấp ủ thực hiện mong muốn xây tặng nơi đây một ngôi trường đủ lớn, đủ khang trang để thu hẹp phần nào khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược. Ý tưởng này đã được thầy Khang chia sẻ ngay trong buổi lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Giang và UBND H.Mèo Vạc về Trường Marie Curie dự lễ ký kết dự án đào tạo GV. Dù mới bày tỏ mong muốn, nhưng với thầy Khang, đó không phải là câu chuyện nhân lúc "trà dư, tửu hậu".

Tháng 1.2024, thầy Khang mời lãnh đạo cao nhất của H.Mèo Vạc về Hà Nội thăm Trường Marie Curie và bàn bạc dự án mới, dự án mà thầy Khang gọi là MV4: "Xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc". Tại cuộc gặp này, hai bên đã thống nhất về tiến độ: năm 2024 chuẩn bị đầu tư, năm 2025 - 2026 xây dựng cơ bản, dự kiến hoàn thành và tuyển sinh từ năm học 2026 - 2027.

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 10.

Trong cuộc trò chuyện với PV, thầy Khang hài hước tự nhận mình là "chúa hay lo, đêm nằm vẽ việc ra mà làm". Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, người người, nhà nhà lo đón tết, đi ăn, đi chơi thì ông lại nhốt mình trong phòng làm việc, vạch ra kế hoạch cụ thể xây trường tặng Mèo Vạc. Thầy Khang tâm sự: "Học trò và thầy cô giáo về nhà nghỉ tết. Còn lại một mình trong không gian yên lặng của trường…, tôi ước mong trong khoảng 4 năm tới, nhất là năm Giáp Thìn 2024 này thiên thời - địa lợi - nhân hòa và sức khỏe của mình bình thường để hoàn thành 4 dự án giúp bà con Mèo Vạc".

Chỉ chưa đầy một tháng sau, ngày 20.2, thầy Khang đã chủ động soạn thảo và ký văn bản gửi UBND H.Mèo Vạc về việc chuẩn bị các điều kiện xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc. Theo đó, Trường Marie Curie sẽ tài trợ khoảng 100 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Trường phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhà trường cử đầu mối làm việc với UBND H.Mèo Vạc, gồm 3 kiến trúc sư phối hợp khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ dự án xây dựng công trình. Đây cũng là những kiến trúc sư đã thiết kế những cơ sở đẹp nhất, hiện đại nhất của Trường Marie Curie tại Mỹ Đình và Long Biên (Hà Nội). Thầy Khang mong ước H.Mèo Vạc sẽ có một ngôi trường đẹp, hiện đại không kém ở Hà Nội.

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 11.

Giáo viên Trường Marie Curie dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh Mèo Vạc

M.C

Trường Marie Curie sẽ chọn nhà thầu thi công, sau đó bàn giao trường cho H.Mèo Vạc đưa vào sử dụng. Là người từng hỗ trợ tiền ăn cho học sinh nội trú ở vùng cao để bữa cơm của các em có thịt, lại từng "thấm cái lạnh, cái đói" của thời sinh viên sơ tán về miền núi phía bắc, thầy Khang còn đề xuất huyện bố trí một khu đất để thầy trò trường nội trú có thể tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn hằng ngày; chi phí bước đầu để vận hành sẽ do Trường Marie Curie chi trả.

Dù bỏ ra nhiều tỉ đồng cho các dự án, nhưng trong những lần tâm sự về những tâm nguyện giúp cho giáo dục ở H.Mèo Vạc, thầy Khang luôn không muốn nhấn mạnh đến việc mình sẽ chi bao nhiêu tiền, bao nhiêu tỉ đồng. Ông cho rằng với người có nhiều tiền, tặng tiền có thể là cách dễ nhất; nhưng khi đã xây dựng thành các dự án, có mục tiêu, có kế hoạch thì chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm đến cùng, dù biết sẽ nhiều khó khăn, vất vả. Vì thế, trong thư ngỏ gửi các thầy cô tham gia dạy tiếng Anh cho học sinh H.Mèo Vạc, thầy Khang nói điều cần nhất vẫn là "ngọn lửa nồng nàn trong tim" mỗi người khi tham gia dự án này. "Ngọn lửa mà tôi nhắc đến trước hết phải là trong tim của chính tôi và tôi muốn những người đồng hành cũng phải có "ngọn lửa" ấy...", thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ.

Người thầy chi trăm tỉ 'trồng người', trồng rừng huyện biên giới- Ảnh 12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.