Họ đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Họ không chọn con đường giống như nhiều nhà thiết kế khác. Họ là những người trẻ đi tìm diện mạo mới cho áo dài cung đình.
Á hậu 3 Hoa hậu Quốc tế 2015 Thúy Vân - Ảnh: Doãn Quang
|
Chữ “duyên”
Theo NTK Đặng Thế Huy, mối “lương duyên” của anh và NTK Huỳnh Hải Long vừa tròn 7 năm. Mặc dù 7 năm chưa hẳn là dài nhưng để hai cái “tôi” nghệ thuật có thể hòa hợp không phải là điều dễ dàng gì. Chuyện “cãi nhau” trong lúc làm việc xảy ra nhiều như cơm bữa. Nhưng đó chỉ là những phút cùng nhau tranh luận để tìm ra một tác phẩm tốt nhất. “Khi thiết kế một trang phục, chúng tôi thường mặc trang phục đó lên ma nơ canh rồi để ở giữa nhà. Ngày ngày đi qua đi lại nhìn ngắm để tìm ra điểm được và chưa được. Có nhiều lúc, làm gần xong rồi, nhưng thấy không được là tôi và Hải Long tháo ra hết để làm lại từ đầu…”, Thế Huy tiết lộ.
Đặng Thế Huy (phải) và Huỳnh Hải Long
|
Họ quen nhau khi cùng tham gia chương trình Vietnam Collection Grand Prix năm 2006. Năm đó, Thế Huy giành giải Ấn tượng/Ý tưởng còn Hải Long chỉ vào được vòng chung kết. “Sau đó chúng tôi giữ mối liên lạc với nhau, lại làm chung một công ty. Rồi bỗng dưng cả hai nghĩ đến chuyện phải làm một cái gì đó của riêng mình. Đầu năm 2009, chúng tôi chung tay mở thương hiệu Hulos và đó cũng là lúc tôi quay lại cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix. Lần này, tôi giành được giải cao nhất Grand Prix. Rất nhiều người hoài nghi về khả năng của tôi, vì tôi không được đào tạo bài bản. Nhưng tôi nghĩ mọi người càng nghi ngờ thì mình phải càng cố gắng cho họ thấy được thực lực của bản thân”, Hải Long nói.
|
Những ngày đầu khi bắt tay vào thực hiện BST này, cả hai đều không nghĩ rằng những đứa con tinh thần của mình lại được nhiều người chào đón đến vậy. Hải Long kể: “Khi đó chúng tôi đã chi ra gần 200 triệu đồng để chuẩn bị cho BST và lúc hoàn thành cũng là lúc chẳng còn tiền để mời nhiếp ảnh hay trang trải cho việc PR. Tôi nhớ ngày ra Huế dự Festival, các nhà thiết kế khác đều có sẵn nhiếp ảnh để chụp hình, rồi quảng bá rầm rộ. Chúng tôi buồn và lo lắm”.
Hải Long cũng không quên những giây phút cả hai cùng khấn vái ở điện Thái Hòa (gần sân khấu biểu diễn) để tìm điểm tựa tinh thần. “Không ngờ khi diễn xong, rất nhiều người bạn ngoại quốc có được số điện thoại của tôi, họ gọi điện, nhắn tin chúc mừng chúng tôi. Một số người tìm ra được cả Facebook của tôi, vào hỏi thăm và có người còn đặt vấn đề mua lại BST. Lúc đó, cũng có một số nhiếp ảnh người nước ngoài ngỏ ý giúp chúng tôi chụp lại BST này. Giờ đây, khi ngồi nhắc lại chuyện này, tôi vẫn còn cảm thấy lâng lâng và không tin đó là sự thật. Đúng là màu nhiệm!”, Hải Long chia sẻ.
Tiếp lời, Thế Huy nói rằng áo dài cung đình này là tấm lòng mà cả hai nhà thiết kế này muốn gửi đến đất Thần kinh. Sau Festival tại Huế, họ nhận được lời mời trình diễn áo dài cung đình tại Pháp, Nhật cũng như xuất hiện trong chương trình Next Top Model của Ba Lan năm 2015 và cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản năm 2015.
Bộ sưu tập Đêm phương Đông - Ảnh: NVCC
|
Vẫn sống được nhờ áo dài
Nhiều người thường thắc mắc liệu thiết kế áo dài cung đình có gắn với lịch sử không và liệu nếu không phân biệt được rồng thời Lý khác rồng thời Nguyễn ở điểm nào thì có ảnh hưởng gì đến việc thiết kế áo dài cung đình không. Trước các câu hỏi đó, Huy - Long trả lời: “Từ lâu chúng tôi đã muốn có cơ hội để giải thích cho mọi người hiểu. Công việc của chúng tôi đang là nhà thiết kế thời trang chứ không phải là người phục chế trang phục truyền thống. Ở Việt Nam hiện nay hiếm ai làm việc này bởi tư liệu, hình ảnh về lịch sử rất khan hiếm. Hầu hết mọi người chỉ nghe loáng thoáng ở chỗ này chỗ kia rồi làm thôi. Đứng ở góc độ thời trang, chúng tôi kết hợp giữa yếu tố hiện đại và truyền thống để làm nên sản phẩm của riêng mình. Chúng tôi không mang y nguyên con rồng thời này hay hoa văn của giai đoạn kia lên trang phục”.
Theo Thế Huy, anh từng bị nói thẳng rằng “áo dài cung đình phần lớn là mang đi diễn, còn thực tế lại không ứng dụng được”. Thế Huy chia sẻ: “Thật ra câu nói này là đúng. Nhà thiết kế dẫu có bay bổng đến đâu thì cũng phải nghĩ đến khách hàng, nghĩ đến chuyện mang sản phẩm đó đến người mặc. Chứ chẳng ai giàu đến mức cứ bỏ tiền túi ra làm suốt chỉ để thỏa mãn niềm đam mê. Chính vì vậy, một nhà thiết kế phải biết thỏa thuận với thị trường theo tỷ lệ 50/50. Vẫn chiều theo thị trường, theo khách hàng nhưng vẫn có nét riêng. Đó là lý do khi nhìn vào áo dài, người ta có thể nhận định được đó là áo dài của cô Minh Hạnh, còn kia là áo dài của anh Sĩ Hoàng. Những tên tuổi lớn này vẫn sống được nhờ áo dài mà”.
Chắc chắn con đường làm áo dài cung đình sẽ khó khăn vì không có nhiều khách hàng nhưng không phải vì thế mà bộ đôi này nản lòng. Bởi “bán một cái áo để lấy được nhiều tiền không làm tôi thỏa mãn bằng chuyện giao chiếc áo cho một người am hiểu về thời trang. Nhìn lại hình ảnh của Nam Phương hoàng hậu người ta dễ dàng nhận ra người Việt Nam mặc màu trầm, chứ không rực rỡ như ở Trung Hoa. Khi nhận thiết kế áo dài Thúy Vân đại diện Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (Miss International 2015) tôi đã sử dụng màu vàng trầm như chiếc áo mà Nam Phương hoàng hậu mặc và ứng dụng kỹ thuật vest để làm cho chiếc áo dài thêm uy quyền và hợp với hình thể của Thúy Vân”, Hải Long tâm sự.
|
|
Các thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản 2015 trong trang phục áo dài cung đình của Thế Huy và Hải Long - Ảnh: NVCC
|
Bình luận (0)