Người thầy từng bị ‘thay máu’ của nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Huyền

20/11/2015 06:31 GMT+7

Cá tính mạnh mẽ là thế nhưng khi được hỏi về người thầy yêu quý của mình, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền giọng rưng rưng: ‘Trước SEA Games 28 , em bị đau dạ dày. Bác Lợi thức khuya, sắc thuốc Bắc cho em uống. Em cảm động đến rơi nước mắt!'.

Cá tính mạnh mẽ là thế nhưng khi được hỏi về người thầy yêu quý của mình, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền giọng rưng rưng: ‘Trước SEA Games 28, em bị đau dạ dày. Bác Lợi thức khuya, sắc thuốc Bắc cho em uống. Em cảm động đến rơi nước mắt!'.

Hai thầy trò Vũ Ngọc Lợi và Nguyễn Thị Huyền dự Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh Nam Định - Ảnh do nhân vật cung cấp
Khi nghe tôi kể lại tâm trạng của Huyền, HLV Vũ Ngọc Lợi thừ ra một lúc rồi khe khẽ nói: “Con bé này cũng làm mình cảm động quá đi mất. Nó là học trò ruột của mình, không chăm nó thì chăm ai”.

Mà chẳng những đun thuốc Bắc không thôi đâu, ông Lợi còn lọ mọ ra hiệu thuốc, mua viên ngậm ho cho con bé Huyền vì “nó” vừa đơ đỡ đau dạ dày, lại chuyển sang ốm kiểu khác kèm ho khù khụ. “Em ho như rút ruột ra. Khuôn mặt bác khi ấy lo lắng lắm lắm. Vì sợ những loại thuốc Tây có chất cấm nên bác lại mua nhiều lọ siro ho bằng thảo dược cho em. Chưa hết đâu, bác còn tự truyền nước để em đỡ mệt. Nhìn bác cẩn thận dùng kim tiêm, lấy ven tay cho em, em nghĩ thầm trong đầu, mình thật may mắn có người thầy tận tâm như bác. Mà chị biết không, hồi còn trẻ, bác Lợi đã từng phải truyền 7 lít máu và trải qua 8 ca mổ đấy”.

Ông Lợi lại khe khẽ nói: “Thế này cô ạ, cái cô Huyền ý mà, tôi là tôi nhiều khi khó chịu với cô ý ghê lắm. Tính khí cũng ngang lắm chứ đùa đâu. Cãi lý với thầy để bày tỏ chính kiến. Ơ, nhưng mà VĐV giỏi là cứ phải thế. Không cá tính, không thành tài được. Có trò giỏi, ý chí tập luyện và thi đấu lại quyết liệt, cũng là cái niềm hạnh phúc vô bờ với một người thầy”.

Trong suốt câu chuyện với ông Lợi, tôi hỏi nhiều về sự nghiệp làm nghề “gõ đầu trẻ” của ông, nhưng ông hầu như ít nói về bản thân mà chỉ thích miên man về những thứ mà ông thấy “nếu có kiếp sau, tôi lại nguyện làm HLV điền kinh vì tôi được gặp những học trò tài năng. Cô Huyền có năng khiếu bẩm sinh, tiếp thu kỹ thuật tốt. Thông minh lắm”.

Ông Lợi kể thiếu. Ngoài Huyền, ông còn là thầy của rất nhiều thế hệ VĐV điền kinh giỏi giang của Nam Định và tuyển quốc gia. HLV trưởng đội điền kinh Quân Đội Trần Xuân Thành là học trò đầu tay của ông. Rồi phải kể đến tuyển thủ Đào Văn Thủy (vốn dân Nam Định nhưng được thầy Lợi giới thiệu sang đội Quân Đội). Thủy chính là anh chàng đang thi đấu nhảy cao tại SEA Games 28 nhưng khi nghe thấy quốc ca Việt Nam nổi lên ở nội dung thi đấu khác của đồng đội, đã dừng ngay lại, giơ tay chào cờ và hát quốc ca.

Học trò của ông còn có Bạch Phương Thảo - HCV giải vô địch quốc gia 100m rào nữ, mà giờ, nếu tính thành tích trong nước, chỉ thua cựu VĐV Vũ Bích Hường, còn có Vũ Thị Mến đã từng hai lần vô địch nhảy xa ba bước. Về nam, không thể không nhắc đến Dương Văn Thái - HCV 800m, 1.500m nam tại SEA Games 28.
Nguyễn Thị Huyền đã giành được 3 tấm HCV tại SEA Games 28 - Ảnh: Khả Hòa
Huyền bảo: “Em tự hào vì thầy mình am hiểu rộng, kiến thức uyên bác, trình độ chuyên môn giỏi và đa tài ở nhiều nội dung huấn luyện. Ở Việt Nam, không phải ai cũng giỏi như thế”.

Một điều đặc biệt nữa ở thầy Lợi là có đôi mắt tinh tường và khả năng phát hiện tài năng từ những viên ngọc thô đã cho ra đời những Dương Văn Thái, Nguyễn Thị Huyền cùng nhiều tuyển thủ khác nữa.

Chẳng hạn như Huyền đấy! Ban đầu, Huyền định chọn cự ly 800m làm nội dung sở trường vì năm 2008 (khi tròn 15 tuổi), Huyền giành HCV giải trẻ Đông Nam Á. “Nhưng mắt tôi thấy nếu để Huyền tập nội dung này sẽ không ổn. Tôi liền phác thảo chiến lược đường xa cho cô ý bằng cách chuyển sang nội dung 400m và 400m rào nữ. Khi đưa Huyền sang thử nội dung rào, tôi cảm nhận rất rõ, động tác chạy rào rất tốt. Huyền rất có nhiều triển vọng. Và tôi đã không nhầm. Nhờ có một chu trình huấn luyện bài bản, Huyền đã không phụ công sức của tôi. 3 tấm HCV SEA Games 28, rồi ngay sau đó 2 HCV Grand Prix 2015 là những thành quả ngọt ngào”.

Huyền rưng rưng: “Em coi bác Lợi như một người cha vì bác chăm sóc cho em như chăm sóc con cái trong nhà. Có những khi em mệt mỏi, thậm chí đã có lúc muốn buông xuôi, nhưng bác đã động viên và xốc tinh thần học trò, không để em chán nản kéo dài. Muôn vạn lời cảm ơn cũng không đủ để em nói hết tấm lòng của em dành cho bác. Không thầy đố mày làm nên. Em có được như ngày hôm nay, công sức của bác đổ ra thật nhiều! Ngày 20.11 là ngày tôn vinh những người thầy. Em suốt đời này, biết ơn bác Lợi”.
HLV Vũ Ngọc Lợi đã từng bị truyền 7 lít máu
Ông Lợi năm nay 55 tuổi và đã không ít lần trải qua cảnh thập tử nhất sinh vì bệnh tật. Thời trẻ ông được đào tạo môn điền kinh bên Nga nhưng rất không may ở nơi xứ người, một lần ông bị mổ ruột thừa và ca mổ không thành công nên bị dính ruột. Ngay tại Nga, ông phải phẫu thuật thêm 2 lần nữa. Về nước, hậu quả của lần mổ ruột thừa hỏng vẫn rất nặng nề. Ông Lợi phải lên bàn mổ thêm 5 lần nữa vì bị dính ruột. Đỉnh điểm là trong ca mổ năm 2001, ông phải truyền máu tới 7 lít mà theo cách nói của ông “coi như tôi được thay máu còn gì”.
Suốt 1 tháng 20 ngày sau đó, bác sĩ không thể đóng được ổ bụng. Đến đầu năm 2014, ông Lợi phải đặt stent động mạch vành tim. Cách đây mấy ngày, ông Lợi bị sốt xuất huyết và phải nằm viện vì khá nặng.  
Câu hỏi của chúng tôi dành cho ông Lợi trước khi khép lại câu chuyện: “Sức khỏe không tốt, có ảnh hưởng gì đến niềm đam mê nghề nghiệp của ông không?”. Ông Lợi lại chầm chậm nói: “Dù sức khỏe yếu nhưng đam mê trong tôi vẫn còn mãnh liệt lắm. Tình yêu và nhiệt huyết với điền kinh còn lớn lắm. Thế hệ HLV trẻ có khi còn không bằng ý chứ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.