Người thợ cày trên cánh đồng văn chương

22/09/2013 11:00 GMT+7

Phận sự của một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi, chàng thanh niên Nguyễn Huy Tưởng đã mang chí hướng trở thành một nhà văn ngay từ năm 18 tuổi.

Người Việt tài trí: Người thợ cày trên cánh đồng văn chương

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Ảnh: gia đình cung cấp

Ông ví nghiệp viết văn của mình giống như công việc của anh thợ cày: “Anh ta phải cày thật sâu, sâu nữa, thì cây lúa mới tốt”. Và Nguyễn Huy Tưởng đã thực sự là anh thợ cày cần mẫn trên cánh đồng văn chương.

Viết văn là con đường tự do

 

Người Việt tài trí: Người thợ cày trên cánh đồng văn chương 11

Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người, dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật, phải thật với người

Trong khi những người bạn sinh cùng thời như Vũ Trọng Phụng, Hàn Mạc Tử đã nổi danh trên văn đàn ngay từ lúc mới mười tám đôi mươi, thì cái tên Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn chưa được ai biết đến. Ngay cả khi còn đang theo học tại Trường Bonnal (Hải Phòng), Nguyễn Huy Tưởng cũng chẳng gây được ấn tượng gì với thầy giáo dạy văn Hoàng Ngọc Phách. Ông viết truyện, nhưng tất cả đều dở dang. Đến khi tốt nghiệp trở về quê nhà, trong thời gian thất nghiệp, Nguyễn Huy Tưởng mới đánh liều gửi tới tờ báo Nam Phong chùm thơ thất ngôn bát cú gồm sáu bài, cả sáu bài thơ đều được đăng. Nhưng rồi có lúc ông tạm quên đi mộng văn chương để sống trong cuộc đời viên chức chỉnh tề. Cho đến một ngày, như bừng tỉnh khỏi những u mê, nhàm chán, ông muốn thoát khỏi cảnh giam hãm tù túng và nhận ra viết văn mới là con đường tự do cho mình.

Nguyễn Huy Tưởng là người vô cùng khiêm tốn, khiêm tốn đến mức bi quan về bản thân. Ông tự miêu tả mình: “Ai mới thoạt thấy tôi cũng phải công nhận rằng tôi là một người hiền lành, và hơn nữa, là một người lù đù. Ai cũng chế tôi là mặt mũi ngây ngô. Tôi muốn học hành cho cực giỏi, mà trí tôi thì ngu độn, tôi muốn tập võ cho khỏe người, mà tôi ốm yếu luôn. Một tai tôi thì điếc…”. Nhưng bi quan không có nghĩa ông chấp nhận thất bại, chính từ ý thức này ông luôn răn mình không bao giờ được ngừng trau dồi, rèn luyện. Ông tự nhủ: “Mình không có tài như các bậc danh nhân thì mình phải chịu khó học, học đến đâu phải suy xét cho ra cội rễ, ngành ngọn, không hiểu không thôi, học phải khổ nhưng càng khổ sự ích lợi càng nhiều”. Như một cách tập viết, mài giũa bút lực, Nguyễn Huy Tưởng đã viết nhật ký từ năm 18 tuổi cho đến khi qua đời “Ta cứ nghĩ dù chẳng hay ta cứ nghĩ, ta tập viết dù chẳng hay ta cứ tập viết”.

Cứ đi rồi sẽ đến, cứ viết rồi sẽ được người hay. Ông viết kịch bản Vũ Như Tô mà không ngờ đây sẽ là một trong những tác phẩm kinh điển của kịch nói Việt Nam. PGS-TS Phạm Vĩnh Cư đã mạnh dạn nhìn nhận: “Vũ Như Tô đáp ứng đầy đủ và khá hoàn hảo mọi yêu cầu, tiêu chí của một thể loại văn học mà mỹ học châu u xưa nay có lý do coi là thể loại cao quý nhất và khó nhất. Sáng tạo được những bi kịch thực thụ tức là sánh ngang với Sophocles, Shakespeare, Corneille, Racine”. Bi kịch của Vũ Như Tô, bi kịch giữa cái Đẹp và cái Thiện vẫn còn dằn vặt loài người cho đến tận bây giờ.

Phải nhìn thẳng vào cuộc đời, không trốn chạy

Nguyễn Huy Tưởng quan niệm rằng người cầm bút trước tiên cần phải có một “trái tim thanh khiết”. Không bôi hồng, hay tô đen cuộc sống, với ông, viết là phải nhìn thẳng vào cuộc đời, không trốn chạy: “Ngòi bút phải sắc bén, phải là một tiếng vang, phải là một nhát búa... Phải dũng cảm mà phê bình xã hội. Tự hào, phải có cái tự hào của người cầm bút”, hay “Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người, dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật, phải thật với người”. Và ngòi bút của ông đã không đi chệch tôn chỉ ấy.

Năm 1956, đời sống văn hóa, xã hội xảy ra nhiều biến động. Phong trào Nhân văn giai phẩm và kế hoạch cải cách ruộng đất đã gây ra những hệ lụy đau lòng. Nhìn thấy những điều đó mà không thể làm gì, Nguyễn Huy Tưởng cảm thấy thất vọng về bản thân: “Mình đã lăn lộn với nghề văn hơn 10 năm, đã có ít nhiều tiếng tăm, cũng có ít nhiều địa vị. Than ôi! Nhưng sao mà mờ mờ nhân ảnh”. Nhân một ngày đi dạo hồ Gươm, ông đã viết tập tùy bút có kết cấu truyện ngắn Một ngày chủ nhật để nói lên những suy nghĩ, trăn trở về thời cuộc. Người ta nhận thấy những câu văn nặng trĩu nỗi buồn. Ông đau lòng khi nhìn những giá trị văn hóa, lịch sử đang bị thời đại mới dỡ bỏ: “Hình như nhiều cán bộ quan niệm rằng cách mạng là xóa bỏ tất cả cái gì là quá khứ, là di tích, coi là phong kiến tất. Đừng đi quá nữa. Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng...”. Bài tùy bút khiến Nguyễn Huy Tưởng gặp nhiều phiền toái, nhưng sau đó đã được nhìn nhận lại, và về khía cạnh nào đó, những ý kiến của ông vẫn còn nguyên tính thời sự đến tận bây giờ.

Tấm lòng dành cho con trẻ

“Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên, cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng, bột bột mà vẫn biết lẽ phải và vẫn biết thương nhau”, tâm niệm như vậy nên Nguyễn Huy Tưởng luôn nghĩ cách làm sao để thiếu nhi có nhiều sách văn để đọc, để học. Trước năm 1945, ông đã cùng với người bạn thân rủ nhau viết những cuốn sách về những người anh hùng nhỏ tuổi như Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật… giúp các em hiểu về lịch sử nước nhà. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng cùng các bạn là nhà văn Tô Hoài, Hồ Trúc, nhạc sĩ Phong Nhã… cùng dựng tủ sách cho thiếu nhi lấy tên là Kim Đồng (được coi là tiền thân của Nhà xuất bản Kim Đồng bây giờ). Đến năm 1957, ông được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng - nhà xuất bản đầu tiên cho thiếu nhi. Ông cùng Hồ Thiện Ngôn, Võ Quảng, Phan Huỳnh Điểu, Mai Văn Hiến, Thy Ngọc, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Bùi Hiển, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi…đã cùng góp sức cho nền văn học thiếu nhi thời ấy. Trước tấm lòng của Nguyễn Huy Tưởng dành cho con trẻ, Văn Cao đã viết dành tặng ông: “Những giọt mực của anh/Chấm vào những năm chiến đấu/Nhỏ từng giọt máu, Trĩu vai anh bao nhiêu tích sử/ Nặng lắm giọt máu tươi/Anh viết về trẻ nhỏ/Cũng nặng giọt máu tươi/Những trang anh hùng ca nổi tiếng/Và dòng máu nơi anh/Những giọt mực cạn dần”.  

Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) sinh ra trong một gia đình nhà nho ở làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.

Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng. Năm 1938, ông tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ và phong trào hướng đạo sinh ở Hải Phòng. Năm 1943, ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tháng 8.1945, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc. Nguyễn Huy Tưởng là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996. Ông là nhà văn, nhà viết kịch bản, nhà báo để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu, trong đó tiểu thuyết có Đêm hội Long Trì, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Truyện anh Lục, Sống mãi với Thủ đô..., các vở kịch: Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Lũy hoa... cùng nhiều truyện và ký sự khác.

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.