Ông Tân sau một chuyến lặn sông trở về - Ảnh: Thiên Lộc |
Nghiệp sông nước
|
Dân thương hồ ở Ngã Bảy (Hậu Giang) không ai xa lạ với thợ lặn Hồ Văn Tân. Năm nay 54 tuổi nhưng ông Tân đã có gần 40 năm làm nghề này. Ông kể lúc nhỏ, cơn sốt ác tính đã làm chân phải của ông ngày càng teo tóp và không còn khả năng vận động, muốn đi lại phải dùng nạng. Tuy vậy, mỗi lần tắm sông ông đều thích chơi trò lặn hụp và trong số bạn bè, ông luôn là người lặn giỏi nhất. Thế rồi khi phải loay hoay tìm đường mưu sinh, ông đã quyết định chọn làm thợ lặn, một nghề gian khổ, không kém phần nguy hiểm nhưng khiến ông thấy hứng thú. “Chân tôi bị tật, lại không biết chữ nên chẳng còn nghề nào thích hợp hơn. Hơn nữa nghề này tự do, khỏe thì làm, mệt thì nghỉ”, ông nói.
Công việc hằng ngày của ông Tân là lặn tìm các loại phế liệu (sắt, đồng, nhôm); vớt hàng hóa bị chìm ghe (mía, trái cây, vật liệu xây dựng)… Hiện nay mùa nước nổi đang về cũng là thời điểm ăn nên làm ra của cánh thợ lặn như ông Tân, vì mùa này nước chảy xiết, ghe xuồng dễ bị chìm.
Hiện ông để vợ và con gái sống ở H.Mỹ Tú (Sóc Trăng), còn mình thì suốt ngày lênh đênh trên chiếc ghe tam bản, tối về cắm sào trên dòng sông Ngã Bảy, ai có nhu cầu trục vớt gì thì cứ đến tìm. Khách hàng của ông ở khắp mọi nơi, từ Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ (Hậu Giang) đến các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Kiên Giang…
Tuy đã có tuổi lại bị tật nguyền nhưng ông Tân rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Dường như năng lượng từ cái chân bị tật đã dồn hết qua đôi tay và cái chân còn lại, giúp ông có đủ sức để liên tục lặn hụp dưới nước. Ông khoe: “Nếu không có bình hơi, tôi có thể lặn 3 phút; còn có bình thì lặn thoải mái ở độ sâu 30 m”. Đối với việc nhẹ nhàng như lặn tìm phế liệu, ông thường làm một mình; còn khi phải chui vô ghe, chuyền hiện vật lên bờ với số lượng lớn, ông cần thêm nhiều người giúp sức. Hiện ông có 3 đệ tử giỏi giang, xông xáo, chuyên hỗ trợ ông trong việc trục vớt hàng hóa.
Sẵn sàng làm việc nghĩa
Ông Tân cho biết đời thợ lặn của ông có nhiều kỷ niệm vui buồn. Vui nhất là lần trục vớt 4.000 miếng fibro xi măng bị chìm sâu giữa lòng sông Phụng Hiệp. Đội của ông phải mất 1 tuần mới xong việc và được trả công 8 triệu đồng, số tiền khá lớn đối với thợ lặn nghèo như ông. Tuy nhiên, cũng có lúc anh em ra tay nghĩa hiệp, chỉ làm việc thiện mà không nhận một đồng xu. Ông kể vào những đêm mưa to gió lớn, hễ nghe tiếng cầu cứu là ông liền bung tam bản ra sông, bất kể ghe xuồng của ai bị nạn đều giúp đỡ, vừa cứu người, vừa vớt hàng, làm việc quên mình mà chẳng nghĩ đến chuyện trả ơn.
Ngoài công việc trục vớt thông thường, ông Tân còn nhận làm việc ngoài ý muốn là vớt xác trẻ em trôi sông và cứu người đuối nước. “Nhìn thân nhân người chết vật vã khóc than, mình không thể không nhận tìm. Tìm thấy rồi cũng không nỡ nhận tiền của những gia đình nghèo khó”, ông Tân nói.
Ông có thói quen không bao giờ mặc áo, chỉ mặc độc chiếc quần đùi trong lúc làm việc và kể cả khi đi ngủ. Mấy chục năm ăn cơm trên ghe, làm việc dưới nước vậy mà hiếm khi nào ông bị bệnh. Không được học chữ nhưng ông sống hiền hòa, chẳng tranh giành hơn thua và hờn giận ai bao giờ. Ông đi làm một mình, chiều về tự lo cơm nước, tối nào cũng làm một xị rượu rồi ngả lưng trên ghe ngủ một giấc tới sáng để mai lại bắt đầu một ngày lặn hụp mới trên sông.
Thiên Lộc
Bình luận (0)