Người tiêu dùng bị móc túi: Sản xuất quy mô lớn

14/04/2012 03:23 GMT+7

Đó là yếu tố sâu xa để người nông dân nuôi trồng không bị ép giá, người tiêu dùng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tránh việc mua hàng với giá trên trời.

Đó là yếu tố sâu xa để người nông dân nuôi trồng không bị ép giá, người tiêu dùng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tránh việc mua hàng với giá trên trời.

Triệt tiêu "bà mối"

Ông Hoàng Trọng, ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích: Hiện nay giá thực tế của nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng thấp trong cơ cấu giá bán cho người tiêu dùng (NTD). Nguyên nhân là do tính nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sau thu hoạch kém trong sản xuất; tỷ lệ hao hụt lớn trong khâu vận chuyển. Mặt khác, một bộ phận lớn NTD có tâm lý  “hàng nào của nấy”, nên người bán hàng cũng dựa vào yếu tố đó để nâng giá nhằm định vị chất lượng sản phẩm.

 
Cần phát triển hệ thống phân phối hiện đại hướng đến người có thu nhập thấp - Ảnh: Diệp Đức Minh

Về sâu xa, quy luật giữa khâu sản xuất và phân phối thì khi mà sản xuất mạnh thì phân phối yếu và ngược lại. Hiện nay, hệ thống sản xuất của Việt Nam đang rất yếu vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Và cũng mang tính quy luật, "anh" nào mạnh thì sẽ đè "anh" yếu để được hưởng lợi. Để làm mạnh quy mô sản xuất nhỏ lẻ của chúng ta hiện nay, chỉ còn cách liên kết lại với nhau thành HTX sản xuất. Mô hình này đã xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Khi các nhà sản xuất liên kết lại, nắm trong tay khối lượng hàng hóa vài ngàn tấn thì tiếng nói của họ sẽ có trọng lượng hơn với nhà phân phối, nhất là nhà phân phối lớn. Khi đó sẽ rút bớt một khâu trung gian. Điều này diễn ra ở hầu hết các nước phát triển. Khi hàng nông sản bị rớt giá thì nông dân sẵn sàng bỏ thối, sữa thì đổ đi… chứ nhất quyết không chịu bán giá thấp. Vì vậy, nhà phân phối bắt buộc phải nâng giá thu mua để cung cấp cho thị trường. Đó là bài học cần được rút ra để xây dựng một hệ thống sản xuất vững mạnh, quy mô lớn.

 

 

Tạo được chuỗi phân phối tốt sẽ giải quyết được những tồn tại gây bất ổn về cung cầu, giá cả như thời gian qua

Ông Trần Nguyên Năm - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Đơn cử, Thái Lan có ít khâu trung gian do sự chủ động của đơn vị, người sản xuất. Nhờ hệ thống giao thông phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất tốt, chi phí vận chuyển thấp, quy mô sản xuất tương đối lớn và đa phần các hộ nông dân đều có một chiếc xe bán tải nên họ chở sản phẩm của mình đến trực tiếp các chợ đầu mối. Còn ở VN thì hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa có, khi hạ tầng phát triển thì phí vận chuyển phát triển theo. Ông Trần Nguyên Năm - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - nhận định: “Việc lưu thông hàng hóa không tốt sẽ dẫn đến loạn giá. Nếu tạo được chuỗi phân phối tốt sẽ giải quyết được những tồn tại gây bất ổn về cung cầu, giá cả như thời gian qua, là cơ sở quan trọng cho bình ổn thị trường”.

Chuyên gia Julien Brun, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Pháp tại VN, đồng sáng lập Hiệp hội Chuỗi cung ứng VN (Vietnam Supply Chain), cho biết các nước châu u khắc phục việc “ăn chặn”, đẩy giá khá đơn giản, đó là triệt tiêu “bà mối” trung gian. Phải tạo được chuỗi liên kết người nông dân bán trực tiếp hàng hóa nuôi trồng cho đơn vị bán lẻ. Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết hiện nay một số chủ hàng ở tỉnh cung ứng hàng trực tiếp cho người bán lẻ chứ không qua chợ đầu mối. Làm được như vậy sẽ giúp giảm chi phí, giá hàng thấp hơn.

Lập hệ thống phân phối hiện đại

Một cán bộ Sở Tài chính TP.HCM nhận định, với cách kinh doanh, phân phối hiện nay, chợ lẻ dần dần bị thu hẹp, xóa bỏ. Các trung tâm thương mại hiện đại, phân phối chuyên nghiệp sẽ dần thay thế. Tuy nhiên, việc này sẽ còn khá lâu nữa mới thực hiện được. Hiện kênh phân phối hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 20-30% thị phần. Theo bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cách thu mua, phân phối hiện đại, tập trung của các siêu thị lớn, mua hàng tận nơi sản xuất, bán tận tay NTD thì hao hụt ít, chi phí thấp nên giá thấp. Với cách tổ chức thu mua, phân phối chuyên nghiệp, ít trung gian nên các siêu thị bán giá hàng thấp, lại liên tục khuyến mãi, NTD được mua hàng giá thấp mà siêu thị cũng lời lớn.

Còn theo ông Trọng, hiện mỗi năm nhà nước phải bỏ ra một số tiền rất lớn để bình ổn giá. Đó không phải là một công cụ của thị trường và giải pháp này cũng không hiệu quả. Bởi hàng bình ổn giá thì bán trong các siêu thị, cửa hàng trong khi có đến 70 - 80% NTD có thu nhập thấp, chủ yếu đi chợ truyền thống và bị "chém". Điều này thể hiện rất rõ khi có những mặt hàng ngoài chợ giá cao hơn siêu thị đến 1,5 lần. Vì vậy, việc phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, cần đặc biệt chú ý phát triển hệ thống các siêu thị cho người có thu nhập thấp. Hiện nay, kênh phân phối hiện đại của chúng ta còn rất hạn chế và chỉ nhắm đến các đối tượng thuộc tầng lớp từ trung bình khá trở lên, rất ít siêu thị hướng đến phục vụ người có thu nhập thấp. Hệ thống siêu thị với quy mô vừa phải ở các khu dân cư, xem kẽ với các chợ truyền thống có thể giúp đưa hàng đến gần hơn với người tiêu dùng, vừa tạo một kênh đối trọng để kìm giá ở chợ truyền thống. Bên cạnh đó là phát triển những siêu thị quy mô lớn theo mô hình Metro. Đây là siêu thị thực hiện mục tiêu phát triển dựa trên sự cạnh tranh về giá. Cạnh tranh về giá giúp người tiêu dùng được hưởng lợi và để thực hiện được việc này họ phải hạ chi phí bằng cách thu mua tận gốc. Không chỉ thế, họ còn hỗ trợ ngược lại nông dân về vốn, kỹ thuật theo các tiêu chuẩn của họ, từ đó góp phần nâng cao trình độ canh tác của nông dân.

Chí Nhân - Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.