Người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình

09/08/2005 23:15 GMT+7

An toàn thực phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào thành một trong 10 chương trình trọng điểm quốc gia từ năm 1999, nhằm huy động mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội tham gia cải thiện dần chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng nói gì thì nói, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ lấy mình bằng cách hãy là người tiêu dùng khôn ngoan.

Thế nào là người tiêu dùng khôn ngoan? Tôi cho rằng đó phải là người có kiến thức nhất định về VSATTP để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mọi lúc mọi nơi, biết lựa chọn thực phẩm tươi sống tự nhiên, đảm bảo vệ sinh...; có kiến thức xã hội để không bị lừa khi đi mua sắm. Chẳng hạn khi sử dụng các thực phẩm chức năng (bổ sung dinh dưỡng, mục đích y học) phải theo (hoặc tham khảo) sự chỉ dẫn của thầy thuốc, không sử dụng tùy tiện; khi mua hàng hóa công nghệ cần đọc kỹ nhãn hiệu, cách thức và hạn sử dụng...

Người tiêu dùng thông minh còn là người phải biết nói không với cái xấu. Khi thấy có dấu hiệu lưu thông hoặc mua bán thực phẩm không bình thường cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng vì lợi ích an toàn xã hội. Tại Văn phòng phía Nam Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tỷ lệ khiếu nại về thực phẩm trong tổng số các vụ khiếu nại qua văn phòng đạt 22% vào năm 2000; 30% vào năm 2001; 15% vào năm 2002; 23,5% vào năm 2003 và 20% vào năm 2004. Số liệu này chưa phản ánh hết tình hình thực tế, vì có nhiều người tiêu dùng thường bỏ qua chuyện khiếu nại khi gặp thực phẩm không an toàn.

Tuy nhiên, nếu trong xã hội chỉ người tiêu dùng tự bảo vệ cũng không thể đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong xã hội công nghiệp, người tiêu dùng không thể tự sản xuất tất cả mọi hàng hóa đáp ứng mọi nhu cầu của mình, mà có sự phân công ngành nghề cao nên tất yếu có sự mua - bán. Trường hợp nhà sản xuất "được xã hội phân công sản xuất thực phẩm" gian dối hay cơ quan chức năng thiếu biện pháp kiểm tra, giám sát cũng sẽ mang tới những nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Vì vậy, nhà sản xuất phải nâng cao tính tự giác về VSATTP; cơ quan quản lý phải tăng cường các biện pháp quản lý hữu hiệu. Các biện pháp đó, trong hoàn cảnh hiện nay là cần đẩy mạnh việc thực thi Pháp lệnh về VSATTP và Nghị định 163/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành pháp lệnh. Mặt khác, theo Tổ chức Y tế thế giới, xây dựng và thực hiện hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm phải dựa trên nền tảng khoa học về đánh giá nguy cơ và kiểm soát hiệu quả thông qua hệ thống lồng ghép từ trang trại đến bàn ăn; tập trung vào các biện pháp phòng ngừa hơn là nhắc nhở và xử phạt.

Tổ PV Chính trị - Xã hội
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.