Những kịch bản
Tại hội thảo “Thị trường bán lẻ: Giờ G và giải pháp” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN TP.HCM tổ chức ngày 18.12, nhiều DN Việt Nam vẫn còn loay hoay dự đoán DN nước ngoài sẽ làm gì, vào ở đâu?
Đặc biệt, nhiều DN vẫn chưa nắm rõ các thỏa thuận cụ thể khi Việt Nam gia nhập WTO có liên quan đến mình. Ông Trần Quốc Khánh, Phó đoàn đàm phám gia nhập WTO của Việt Nam phải giải thích khá chi tiết về các thỏa thuận đó và kết luận: “Chúng ta nên tránh những biểu hiện lo lắng quá mức cũng như cả lạc quan quá mức theo kiểu thị trường chưa có gì”. Theo ông Khánh, vẫn có những vùng đất dành riêng cho DN trong nước và nhà đầu tư nước ngoài không được phép bán buôn hay bán lẻ vĩnh viễn; đó là sách báo, tạp chí, gạo, đường, kim loại quý,...
Riêng việc hạn chế cho phép DN bán lẻ nước ngoài mở thêm điểm bán lẻ thứ hai trở đi là chi tiết được xem “đắt giá” nhất trong đàm phán của ngành bán lẻ. Nhưng tất cả những điều đó không thể là rào cản cho DN bán lẻ nước ngoài. Họ vẫn có cách xâm nhập với nhiều xu hướng khác nhau. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op dự báo những DN đã có mặt tại Việt Nam như Parkson (Malaysia), Big C (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức), Lotte Mart (Hàn Quốc)... sẽ đẩy mạnh đầu tư mở rộng nhanh mạng lưới với nhiều hình thức linh hoạt. Riêng các tập đoàn mới sẽ tăng cường nghiên cứu và đẩy mạnh tiến độ xâm nhập thị trường tại các thành phố lớn với nhiều loại hình thương mại mới cũng như không bỏ sót phân khúc nào từ cao cấp đến bình dân. “Phương thức thâm nhập của DN nước ngoài sẽ rất linh hoạt như đầu tư mới toàn bộ, liên doanh, mua lại/sáp nhập DN trong nước, hay nhượng quyền thương mại”, ông Hòa nói.
Ông Trần Anh Tuấn, Công ty tư vấn Pathfinder, cũng cho rằng xu hướng kênh phân phối hiện đại sẽ phát triển nhanh chóng, gia tăng các mô hình siêu thị, mini mart, cửa hàng tiện lợi, các chuỗi cửa hàng chuyên doanh. Đặc biệt hoạt động mua bán DN sẽ gia tăng nhanh chóng và nhượng quyền thương mại có nhiều cơ hội phát triển... Như vậy, các DN nước ngoài có thể sẽ xâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ có mỗi hình thức đầu tư các đại siêu thị hay siêu thị như DN trong nước suy nghĩ.
Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn
Siêu thị đầu tiên của Lotte Mart tại quận 7, TP.HCM đã chính thức mở cửa hôm qua 18.12, và đại diện tập đoàn này công bố kế hoạch mở 30 siêu thị trong 10 năm với tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD. Ông Nguyễn Ngọc Hòa nhận định, số DN bán lẻ Việt Nam có thể đưa ra chiến lược trong 10 năm chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể việc chuẩn bị được số tiền vài tỉ USD như vậy cũng không phải là chuyện đơn giản. Chỉ cần một kế hoạch tuyên bố của Lotte Mart đã khiến nhiều DN trong nước thấy mình quá nhỏ bé.
Bên cạnh việc yếu kém hơn về năng lực tài chính, trình độ quản lý... thì các DN trong nước còn có tầm nhìn hạn chế, tính liên kết không cao. Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc chuỗi cửa hàng tiện lợi Speedy, thừa nhận trong vòng 2 năm 2007 - 2008, công ty đã mở đến 13 cửa hàng nhưng đã đóng cửa 3 cửa hàng. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng công ty đã xác định chiến lược nhất quán của mình ngay từ đầu với bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ Việt Nam trong tương lai vẫn đầy tiềm năng. Do đó vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để vượt qua khó khăn nhằm đẩy mạnh chuỗi cửa hàng tiện lợi mà mình đã xây dựng.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, đại siêu thị bên cạnh kênh phân phối truyền thống như cửa hàng tạp hóa, chợ đã tạo nên bộ mặt phong phú cho ngành bán lẻ của Việt Nam. Đặc biệt, lượng hàng hóa phong phú, phong cách bán hàng chuyên nghiệp của DN nước ngoài... là áp lực khiến các DN trong nước buộc phải tự thay đổi mình. Về phía người tiêu dùng, sự có mặt của nhiều DN trong ngành bán lẻ càng khiến cơ hội lựa chọn mua sắm được tốt hơn tùy thuộc vào nhu cầu của mình.
Trong cuộc chơi sòng phẳng này, những DN bán lẻ nào năng động, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng thì sẽ được người tiêu dùng lựa chọn.
Mai Phương
* Mở cửa thị trường bán lẻ
* Mở toang cánh cửa thị trường bán lẻ
* Trước “giờ G” mở cửa thị trường bán lẻ
Bình luận (0)