(TN Xuân) Tôi sinh ra cạnh dãy Trường Sơn của xứ trầm Quảng Nam, từ nhỏ những câu chuyện rùng rợn của người “ngậm ngải tìm trầm” ám ảnh tôi cả trong giấc mơ.
Ông Trần Văn Quyến (áo trắng) trong khu rừng trồng trầm hương và nhiều cây quý khác
của ông - Ảnh: Nguyễn Một |
|
Nghe có người bảo dưới chân núi Tượng, bên cạnh rừng cấm Cát Tiên, có người “sở hữu cả rừng trầm”, tôi vội vàng tìm đến. Người đàn ông đón tôi bằng cái bắt tay mạnh mẽ, vóc dáng to khỏe, những bắp thịt rắn chắc, nước da đồng hun đỏ au. Chưa kịp giới thiệu tên, ông cúi xuống nhặt hòn sỏi ném về phía chú gà trống choai, đang nghểnh cổ nhìn khách, cùng lúc ông khẽ huýt sáo, đàn chó xổ ra, một con chó điệu nghệ phóng đến chụp gọn chú gà tha vào bếp.
Học từ thiên nhiên
Sau “màn chào” khá ấn tượng, ông nói: “Tôi tên là Trần Văn Quyến, chủ trang trại Sơn Thủy”.
Trang trại rộng mênh mông, ngút ngàn cây cối, nào quýt, cam, dây tiêu và... cây dó. Đàn bò đủng đỉnh gặm cỏ dưới những tàng cây, không buồn nhìn khách lạ. Dưới các ao cá lội tung tăng. Đàn gà vẫn nhởn nhơ bên bầy ngỗng, chẳng có vẻ gì hoảng sợ sau khi một đồng loại vừa được hóa kiếp. Dường như trong khung cảnh bồng lai này các sinh vật coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Tôi theo ông bước lên nhà sàn tựa lưng vào vách núi. Ông kể cho tôi nghe bí quyết để tạo ra trầm từ cây dó: Trầm là nhựa của cây dó tiết ra để làm lành những vết thương trên thân cây. Trong thiên nhiên, vết thương của cây do thiên tai hoặc côn trùng, thú hoang tạo ra. Còn khi trồng người ta dùng nhiều cách để tạo trầm trên cây dó. Trang trại của ông đã đón hàng chục nhà khoa học về đây nghiên cứu cách tạo trầm. Có người dùng khoan sắt khoan cây, có người dùng hóa chất để phun vào cây để tạo trầm. Có người dùng những miếng thép nhỏ gỉ sét ngâm muối đóng vào thân cây...
|
|
Những cách tạo trầm trên đây được phổ biến rộng rãi. Nhưng trong quá trình chăm sóc, nâng niu từng cây dó bầu trong trang trại của mình, ông Quyến đã phát hiện có một loại côn trùng có lợi cho việc tạo trầm tự nhiên, đó là con bù xè. Con vật bé này, là ấu trùng của loài bướm đêm sinh sản mạnh mẽ trong và quanh rừng Cát Tiên, khi vừa nở nó lập tức chui vào thân cây ăn gỗ. Chúng đục những lỗ tròn dài, luồn sâu trong thân cây, ẩn mình chờ ngày hóa bướm. Với những loài cây khác, bị đục nhiều sẽ chết, nhưng với loại cây được mệnh danh là “ngôi nhà của Sơn Thần” - dó bầu, thì những vết thương ấy giúp cho nó tiết ra nhựa có mùi hương thần thoại - hương trầm.
Trầm hương được tạo nên từ cách tự nhiên nhờ con bù xè sẽ cho trầm nguyên chất, không bị nhiễm sắt, luôn bán được giá cao hơn. Trước đây, ông phải giăng lưới nuôi bướm để có con bù xè, nhưng giờ trang trại của ông là thiên đường của loại côn trùng này, vì không có thuốc trừ sâu và thân cây dó là tổ ấm của chúng, nên ông đỡ mất công nuôi dưỡng. “Thiên nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó”, ông Quyến vừa xoi trầm từ hốc bù xè, đốt cho chúng tôi thưởng thức, vừa triết lý: “Con bù xè không phải hoàn toàn có hại. Gần ba mươi năm sống với rừng tôi học được những bài học quý giá từ thiên nhiên”.
Chỉ muốn bảo tồn cây quý
Trang trại lúc nào cũng nhộn nhịp với khoảng 50 công nhân (thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng) cùng làm việc. Ông cũng lao động quần quật như họ, ăn với họ, cư xử như người nhà. Có hai cặp quen nhau ở đây, ông làm đám cưới, xây nhà cho họ an cư lạc nghiệp ngay trong trang trại của mình.
Vừa nhẩn nha nhặt những hạt dó bầu ông vừa tâm sự: “Tôi hạnh phúc vì thực hiện được ước mơ là có một khu rừng trồng trầm hương và nhiều cây quý khác. Gần cả đời người gắn bó với rừng đã giúp tôi hiểu rõ từng loài cây trồng trong trang trại, đó là yếu tố quan trọng nhất để thành công. Tôi chỉ mong sao được đóng góp chút gì đó cho cuộc đời, cho núi rừng”.
Ông Quyến đã thực hiện ước mơ của mình bằng cách chịu khó đi thu thập khắp mọi nơi về trồng rất nhiều loài gỗ quý, trong đó có nhiều cây hiện đang nằm trong sách đỏ Việt Nam như: mun, cẩm lai, gõ đỏ, thông đỏ, giáng hương... “Tôi trồng những cây quý này không phải để thu lợi, bởi vì mấy cây này muốn khai thác phải mất vài trăm năm. Tôi trồng để bảo tồn. Nhưng điều làm tôi hạnh phúc nhất là có một cây dó bầu trong khu vườn của tôi đang kết trầm một cách tự nhiên nhất mà không có bất kỳ tác động nào của côn trùng hay hóa chất, nó đặc biệt như những cây dó bầu trong rừng già xứ Quảng vậy”, ông thâm trầm.
Tôi thầm thắc mắc: “Cái chức Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, phải phấn đấu cả nửa đời người mới có, mà sao ông thản nhiên giã từ chức vụ, để sống đời sống một nông dân nhỉ?”. Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông đưa tôi trở lại nhà sàn vào thư phòng có hàng trăm cuốn sách. Nhấp ngụm trà thơm ngát mũi, thưởng thức những ngọn gió mát rượi mang theo mùi hương quyến rũ của núi rừng, lòng thanh thản, mới thấy rằng chủ nhân là người nhìn xa trông rộng. Tôi thấy thắc mắc của mình thật ngớ ngẩn, khi chợt nhớ câu Lão tử nói hơn hai ngàn năm trăm năm trước “Công toại thân thoái, thiên chi đạo” (thành công rồi thì nên lui thân, ấy là đạo trời).
Muốn thay đổi vùng đất nghèo
Tiếp chúng tôi, Trần Văn Quyến say sưa trình bày về kế hoạch phổ biến cho người nông dân phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Kế hoạch này ông đã thực hiện thành công và đang phổ biến cho bà con, đó là thay dông làm nọc tiêu bằng cây dó bầu. Theo ông, cây tiêu bám rất tốt vào cây dó bầu và cho trái nhiều hơn, còn cây dó bầu không bị bệnh chết như cây dông. Ngoài ra, sau tám năm trồng tiêu, người nông dân sẽ thu hoạch cây dó bầu. Cây dó bầu không nhất thiết phải tạo trầm mới có tiền, mà chỉ cần thu hoạch cây tươi mang đi nấu tinh dầu, cứ 3 tấn cây tươi chưng được 1 lít tinh dầu trầm, giá hiện nay 1 lít tinh dầu trầm từ 15.000 - 17.000 USD. Mà tinh dầu trầm không sợ ế vì nhu cầu thế giới rất cao.
Huyện Tân Phú có nhiều nông dân đang làm theo hướng dẫn của ông. Thậm chí có người trồng còn nhiều hơn ông, như ông Ba Tuấn có đến 30 ha cây dó. Đến cuối năm 2014, xung quanh vùng của ông có đến hơn 200 ha cây dó bầu. Ông hy vọng một ngày không xa, cây dó bầu sẽ làm thay đổi vùng đất nghèo heo hút trên thượng nguồn sông Đồng Nai.
|
Bình luận (0)