Người tình một đêm

23/07/2010 01:14 GMT+7

Trong mắt nhiều người quen biết với GS-TS Trần Văn Khê thì cuộc đời và nhân cách của ông thật trong sáng và mẫu mực. Song ít ai biết ông cũng từng có những giây phút “phiêu bồng”.

Khoảng năm 1951, Trần Văn Khê lấy tên là Sơn Ca, đi hát ở tiệm Bồng Lai của ông Bùi Văn Tuyền, nằm trên đại lộ Champs Elysées đẹp nhất Paris. Trong tiệm còn có Madona - một cô gái Pháp rất đẹp làm nghề vũ thoát y. Làm cùng chỗ, biết tên nhau nhưng việc ai nấy làm.

Một hôm, sau khi biểu diễn xong, Madona vẫn để ngực trần chạy vào cánh gà, bất ngờ vấp phải người hầu bàn đang bưng hai tô phở đi ra. Nước phở nóng đổ hết lên người khiến cô ấy la lên vì đau. Từng là sinh viên ngành y nên Trần Văn Khê đưa cô ấy vào phòng riêng và dùng cồn 90 độ đổ vào miếng bông băng và đắp lên chỗ phỏng. Chất cồn sẽ hút hết cái nóng và không để lại thẹo. Cô ấy khẽ nhắm mắt, nằm yên để anh Sơn Ca đắp cồn. Khi đắp cồn xong, cô gái nắm lấy tay anh: “Hôm nào có dịp, mời anh ăn cơm với tôi!”. Sơn Ca vui vẻ nhận lời, nhưng rồi vì bận nhiều việc nên chuyện “đi ăn cơm chung” cứ lỡ làng...

Một hôm, Trần Văn Khê đang đi bộ đến trường Sciences-Po (vùng Saint Germain des Prés) để ghi tên tham dự buổi khiêu vũ cuối năm do trường tổ chức cho các sinh viên, bỗng nghe tiếng gọi: “Sơn Ca! Sơn Ca!”. Anh quay lại thì thấy cô kỹ nữ Paris đang ngồi uống cà phê một mình ở một tiệm ven đường. Cô nói: “Anh hứa nhưng chưa đi ăn cơm với tôi. Thôi, mình uống cà phê vậy. Anh đi đâu đây?”. Khi nghe Trần Văn Khê giải thích sở dĩ mình đi hát ở tiệm Bồng Lai là để kiếm tiền trang trải việc học và hiện đang đi đến trường để đăng ký tham gia buổi khiêu vũ cuối năm, Madona đã rất ngạc nhiên và bày tỏ sự khâm phục tính tự lập của Sơn Ca. Cô còn ngỏ ý nhờ anh dắt vào để chiêm ngưỡng ngôi trường danh giá.

Thường ngày, không phải ai muốn vô ngôi trường này cũng được, nhưng hôm đó Trần Văn Khê dắt Madona vào trót lọt nhờ giới thiệu với người gác cổng: “Đây là người sẽ khiêu vũ với tôi trong đêm giao lưu”. Cô gái sung sướng, nhảy nhót khắp nơi trong trường và nói rằng: “Hồi nãy anh phải nói vậy để cho tôi được vô trường, nhưng nếu thiệt bữa đó anh cho phép tôi khiêu vũ với anh, tôi sẽ rất sung sướng”. Trần Văn Khê đồng ý nhưng nhắc cô hôm ấy phải ăn mặc cho đàng hoàng, không thể ăn mặc như khi đi làm ở tiệm Bồng Lai. Nàng hứa sẽ mặc áo dạ hội rồi bật cười: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng có một ngày tôi sẽ khiêu vũ với một anh sinh viên, người ấy đã không trả tiền cho tôi mà còn bắt tôi phải tuân theo những yêu cầu của người ấy”. Rồi cô ấy nghiêm mặt: “Điều đó giúp tôi trở lại cuộc sống của một cô gái bình thường chứ không phải là gái điếm thường ngày”. Cô hỏi: “Hôm ấy, anh mặc áo màu gì? Anh muốn tôi mặc áo màu gì?”. “ Tôi mặc áo đen, thắt nơ trắng, còn cô có làn da trắng, nếu mặc áo màu hồng thì sẽ đẹp lắm!”, Trần Văn Khê đáp.


Trần Văn Khê với những bạn bè là phụ nữ ngoại quốc - Ảnh: T.L

Vì không có áo quần sang trọng nên Trần Văn Khê phải đi thuê một bộ áo đuôi tôm, thắt nơ trắng. Đến ngày diễn ra buổi khiêu vũ, bà chủ nhà trọ hết hồn khi thấy một cô gái rất đẹp, đi taxi loại thật sang đến đón anh chàng sinh viên ở trọ mà bà vẫn nhẵn mặt. Lạ một điều là cái anh chàng ấy hôm nay cũng ăn mặc rất “bảnh tỏn”.

Ở buổi khiêu vũ, “Michèle (tên thật của cô) lộng lẫy trong lớp áo dạ hội hở ngực, cô có bộ ngực đẹp, nhờ vậy mới được các nơi mời vũ thoát y. Tóc cô như suối chảy hai bên vai, chân đi giày cao gót nhung đen, mặt luôn tươi cười...”. Ai cũng phải ngẩn ngơ trước sắc đẹp và xuýt xoa trước những bước nhảy bay bướm của cô ấy. Điều đó, khiến cô gái rất vui, nói: “Từ trước đến giờ, ai muốn nhảy với tôi thì cứ xùy tiền ra, và rồi tôi sẽ chịu sự sai khiến của người khác. Hôm nay, tôi mới đích thực được khiêu vũ theo sở thích, chỉ nhảy với người mình có cảm tình. Mỗi bước nhảy, mỗi cử chỉ đều thật tình cảm... Tôi quá vui khi thấy mình cũng giống như những cô gái bình thường khác. Ai muốn nhảy với tôi phải hỏi ý kiến của anh. Anh đồng ý và tôi đồng ý thì tôi mới nhảy với họ. Cám ơn anh đã cho tôi một đêm thật tuyệt vời!”.

Họ khiêu vũ đến 2 giờ sáng, khi sắp chia tay thì Michèle nói: “Nếu bây giờ ai về nhà nấy thì cũng ngủ đến sáng. Tôi muốn được làm cô gái bình thường thêm vài tiếng nữa”. Câu nói đó đã khiến Trần Văn Khê xao lòng và theo cô về nhà. Họ nghe bản Sonate Ánh trăng của Beethoven bên ly rượu sâm banh. Uống say, cô gái nói: “Tôi muốn mời anh ở lại đêm nay để chia sẻ cùng tôi suốt một đêm dài. Tôi có cảm tình với anh từ lúc anh chữa phỏng cho tôi. Khi đó anh nhìn tôi với ánh mắt của người thầy thuốc chứ không là ánh mắt thèm muốn như bao gã đàn ông khác mà tôi từng gặp. Điều đó làm tôi xúc động. Trong đêm khiêu vũ này, anh cũng luôn tôn trọng tôi và làm cho người khác cũng tôn trọng tôi. Tôi muốn anh ở lại với tôi đêm nay. Anh đã biết tôi là gái điếm nên tôi xin đưa sổ khám bệnh của tôi”.

Cuốn sổ (khám cách đó hai hôm) ghi rõ Michèle không mắc bệnh nhưng để anh yên tâm hơn, cô tiếp: “Nếu anh còn lo lắng, tôi còn những thứ để anh dùng bảo vệ bản thân, miễn là đêm nay chúng ta có nhau thật trọn vẹn”.

Đêm đó, Sơn Ca và cô gái trải qua một đêm tình thật tuyệt vời...

 “Anh, mình có gặp nhau nữa không?”. Im lặng trong vài phút, tôi xúc động và trả lời: “Theo tôi nghĩ chúng ta không nên gặp nhau nữa. Không thể nào tìm lại được tâm trạng của chúng ta và không khí như đêm vừa qua. Mộng đẹp không bao giờ trở lại hai lần trong đời. Tốt hơn chúng ta xem những gì xảy ra đêm qua như một câu chuyện thần tiên và kỷ niệm đẹp ấy sẽ còn mãi mãi trong lòng chúng ta. Thôi, vĩnh biệt em!”. Michèle thẫn thờ gật đầu chấp nhận mà hai mắt đẫm lệ...

Tôi và Michèle siết chặt tay nhau, lặng nhìn nhau trong giây lát rồi chia tay. Từ đó chúng tôi không bao giờ còn gặp lại nhau nữa...

Hà Đình Nguyên
(giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.