Mỗi ngày là một “drama”
“Drama” là một từ tiếng Anh được dịch lại là “kịch hay một vở kịch” nhưng hiện nay nó trở thành một thuật ngữ xu hướng dành cho những người thích hóng hớt trên mạng xã hội. Ngoài ra, drama còn được giới trẻ mặc định là scandal, dùng để chỉ một vụ tai tiếng có sức lan tỏa nhanh, có ảnh hưởng đến mạng xã hội và xã hội, gây được sự chú ý của nhiều người.
Trong thế giới mạng hiện nay, mỗi ngày không thiếu những “drama” từ nhỏ đến lớn, nhiều người bị bới móc đời tư quá lố và nhiều bạn trẻ đu theo một cách vô thức.
Chẳng hạn trước đây khi xảy ra 'drama" ca sĩ Hiền Hồ, cũng là lúc từ khóa “clip 10 phút 33 giây của Hiền Hồ" được tìm kiếm rất nhiều. Tại những hội, nhóm như: Hội hóng link 24/7, Link hot mỗi ngày, Hóng link, Động link..., cái tên Hiền Hồ được nhắc liên tục, cùng với đó là những bình luận: "xin link", "ai có link cho với"...
Chuyện tình cảm của Phương Oanh và Shark Bình đang được dân mạng soi mói |
Chụp màn hình |
Hiện nay là chuyện vợ chồng Shark Bình. Khi những hình ảnh riêng tư được đăng tải, một lần nữa, mạng xã hội lại ngang nhiên chia sẻ hình ảnh này một cách chóng mặt, nhiều bạn trẻ bình luận mà không cần suy xét.
Nguyễn Minh Minh (24 tuổi, nhân viên văn phòng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết mỗi ngày dành vài giờ hóng hớt trên mạng xã hội và thừa nhận đã nghiện “drama”. “Vì tôi thường sử dụng mạng xã hội, lướt các fanpage đăng bài, video hài hước, showbiz, 'drama' ca sĩ, đánh ghen, giựt bồ… Tôi thích và coi đó như việc giải trí sau giờ làm căng thẳng”, Minh nói.
Theo Minh, việc hóng hớt "drama" thời nay trở thành xu hướng. Dễ thấy nhất là người ta bỏ thời gian ra để canh một “drama”. Nếu ai không hóng được “drama” mới trên mạng xã hội sẽ bị xem như là 1 người lạc quẻ, sẽ bị coi là người quê mùa, không giống ai.
Dù biết bị mất thời gian, trí lực vì một chuyện không liên quan đến mình nhưng Minh thừa nhận vẫn bị cuốn hút từ đó. “Lúc biết được chuyện mới sẽ kể cho bạn bè nghe rồi cùng nhau hóng tiếp. Thông thường đang đi làm hoặc đêm khuya mà có 'drama' mình vẫn sẵn sàng bỏ thời gian để hóng”, Minh nói.
Trần Phượng Xuân Ngân (23 tuổi, nhân viên kinh doanh, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cho hay thường xuyên lên mạng xã hội để xem tin tức, những chia sẻ từ bạn bè hoặc những video clip trên mạng. Nội dung thường về phim ảnh, giải trí và những người nổi tiếng. Tuy nhiên, Ngân cũng không khỏi tò mò vì những “drama” diễn ra trên mạng vì theo cô nó luôn tràn ngập trên trang chủ của mình dù muốn hay không.
Ngân bày tỏ: “Việc hóng hớt không có ích lợi gì còn làm bản thân bị xao nhãng, mất thời gian vào công việc. Mỗi nhà mỗi cảnh là một người văn minh thì không nên xen vào, nhất là để lại những bình luận xuyên tạc, ác ý khi bản thân không nằm ở vị trí của họ”.
“Hóng drama” là vô bổ
Thạc sĩ Lê Anh Tú, Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang, nhận thấy hiện nay mạng xã hội đang có hình thái như các fanpage chuyên đưa những tin giật gân, câu khách, đời tư người khác cũng như người nổi tiếng để kéo người dùng. Xét từ góc độ học thuật, đó là một dạng chiến thuật trong chiến lược marketing “xây dựng cộng đồng”. Song chiến lược này không khuyến khích đưa tin giật gân, câu khách hay tin giả, bới móc đời tư người nổi tiếng. Một cộng đồng được tạo dựng từ những thông tin thiếu cơ sở sẽ không tạo ra giá trị cho xã hội, từ đó thiếu cơ sở để tồn tại một cách bền vững.
Theo anh Tú, tâm lý học truyền thông từ lâu đã chỉ ra rằng con người nhìn chung đều thích các dạng tin giật gân, hay còn gọi là “tin drama”. Chỉ có sự khác nhau ở dạng “tin drama”, hình thái và mức độ yêu thích giữa người này và người khác mà thôi. Vì vậy, rất cần có sự sàng lọc thông tin của các công ty truyền thông hoặc admin của các trang mạng xã hội, để không khuyến khích và tiến đến kiểm soát hoàn toàn việc phát tán tràn lan những thông tin "drama" mang tính độc hại, xuyên tạc hay dựng chuyện.
Những hành động "xin link" khiếm nhã của cộng đồng mạng |
Nếu cứ tiếp diễn hóng “drama” mỗi ngày, anh Tú cho rằng về lâu dài sẽ gây hại về suy nghĩ, tư duy của người trẻ. “Tất nhiên “hít drama” là điều khó tránh, đó là một dạng tâm lý thường thấy ở con người. Theo tôi, các bạn trẻ cũng nên nhận thức rõ hơn đâu là thông tin uy tín, chính thống, để không tự khiến mình “hít” phải “drama” giả. Ngoài ra, cũng phải nói thêm, mất quá nhiều thời gian cho những tin tức không hỗ trợ phát triển tư duy đồng nghĩa với tiêu khiển một cách vô bổ”.
Bình luận (0)