Tối 29-3, hội trường 500 chỗ của Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Pháp L’espace - nơi diễn ra tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sĩ Thành Phong” (Nhã Nam tổ chức) đã không còn chỗ trống.
Người tham dự - 90% là trẻ (sinh viên) và rất trẻ (học sinh) đã đến từ rất sớm để xem triển lãm các bức tranh được phóng lớn của cuốn Sát thủ đầu mưng mủ - thành ngữ mới bằng tranh và tham gia cuộc tọa đàm với tư cách vừa là người nghe, người đặt câu hỏi tranh luận rất thoải mái với các diễn giả: PGS Văn Như Cương, nhà ngôn ngữ Phạm Văn Tình, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và họa sĩ Thành Phong.
Từ vựng luôn đi sát đời sống
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt vấn đề: Giới trẻ đương đại nói chuyện với nhau như thế nào? Các yếu tố xã hội nào tác động nhiều nhất đến họ? Ngôn ngữ hiện đại và nhóm ngôn ngữ “sành điệu” có góp phần làm giàu tiếng Việt khi ngôn ngữ chính thống đang bị báo động là nghèo nàn, sáo mòn...?
Và ông lý giải một trong những nguyên nhân khiến nhóm ngôn ngữ “sành điệu” nhanh chóng được hòa vào dòng chảy ngôn ngữ xã hội: “Ngôn ngữ tiếng Việt chú trọng vần, người Việt thích nói có vần có điệu cho dễ nhớ. Bác Hồ là bậc thầy trong việc sử dụng những câu ghép có vần để truyền bá các ý tưởng của mình, phê phán các cán bộ giáo điều, Bác nói: “Công văn đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”. Những thành ngữ mới kiểu “nhỏ như con thỏ”, “phê như con tê tê”, “nhục như con trùng trục” được tiếp nhận vui vẻ chính bởi tâm lý thích và quen dùng câu có vần.
|
Nhà ngôn ngữ Phạm Văn Tình lưu ý một hiện tượng ngôn ngữ phổ biến: nhiều thứ không có nghĩa nhưng ngộ nghĩnh và điểm nhịp cho một cái gì đó cũng được lưu truyền một cách thích thú, như “thả đỉa ba ba - chớ bắt đàn bà”. PGS Văn Như Cương nhấn mạnh thêm: “Tiếng lóng thậm chí biến thành thương hiệu: kẹo Cu Đơ”. Vị giáo sư khả kính còn có độ mở và độ trẻ trung bất ngờ khi ông nhận xét cuốn Sát thủ đầu mưng mủ “có những câu rất thích khi chuyển từ thành ngữ cũ sang mới, ví dụ như “cái khó ló cái ngu”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ thêm: “Từ vựng luôn đi sát đời sống, có sự vật mới, có từ vựng mới. Câu đối: “Năm mèo, bấm chuột, gửi meo cho mèo” rõ ràng chỉ có thể xuất hiện trong thời đại @. Người trẻ luôn có ngôn ngữ mới, tìm cách thể hiện mình bằng ngôn ngữ, “hơi bị” là một ví dụ về ngôn ngữ trẻ đi vào thơ ca và được thừa nhận: giọt rơi hơi bị trong veo/ mắt đưa hơi bị vòng vèo lôi thôi/ tâm tư hơi bị rối bời/ em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu (Nguyễn Duy).
Bảo vệ tiếng Việt bằng ý thức của mỗi người
Một vấn đề lớn khác mà các diễn giả và sinh viên đặt ra là liệu ngôn ngữ @ có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt? Nhưng trong sáng không có nghĩa là không mở rộng, không tiếp thu cái mới, cái bên ngoài.
Các bạn trẻ có mặt trong cuộc tọa đàm gần như tranh nhau bày tỏ chính kiến và nêu các câu hỏi của mình. Minh - sinh viên thủy lợi - băn khoăn: Thế nào là không trong sáng? Liệu có ảnh hưởng đến sự cảm thụ ngôn ngữ truyền thống hay không? Một sinh viên bách khoa cũng phản bác: “Các thầy nhìn ngôn ngữ giới trẻ tích cực quá, nhiều khi chúng em - bản thân em dùng không với ý nghĩa tích cực: “Gia đình là phù du - suzu là tất cả”.
Một bạn khác lại cho rằng: “Ngôn ngữ của mình, mình sử dụng như thế nào là do con người. “ấy” - một từ duy nhất có thể vừa là danh, động, tính từ, có thể suy diễn bậy bạ cũng có thể rất bình thường, vui nhộn”. Một sinh viên khác không ngại ngần chỉ trích: “Không chỉ giới trẻ, người lớn cũng dùng sai tiếng Việt, Joe trong cuốn sách Ngược chiều vun vút đã đả kích thói sính ngoại của người Việt, điều đó còn tệ hơn là giới trẻ đang sáng tạo tiếng Việt trên chính nền tảng ngôn ngữ dân tộc của mình”.
Có quá nhiều ý kiến đưa ra chưa được tranh luận, vấn đề vẫn được để ngỏ vì chủ đề quá rộng và luồng ý kiến khác nhau rất nhiều, nhưng các bạn trẻ tạm bằng lòng ra về với phát biểu nồng nhiệt mang tính tự vấn của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Không có gì bảo vệ tiếng Việt trong sáng bằng ý thức của mỗi người, hãy đọc anh chàng Joe viết tiếng Việt và xấu hổ. Chúng ta chăm sóc từ ngữ khi viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, thiếu chữ “s” thì xuýt xoa, xấu hổ, nhưng tiếng Việt thì buông tuồng. Trước một từ nước ngoài hãy suy nghĩ xem có thể dùng từ tiếng Việt thay thế được không?”.
Một câu hỏi đáng nhớ cho tiếng Việt của thời hội nhập...
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)