Người treo cờ trên đỉnh Kỳ đài Huế

01/05/2014 10:41 GMT+7

Người đàn ông nhỏ thó, mang đồng phục bảo vệ di tích ngồi bên cửa Hòa Bình (Đại Nội-Huế) thỉnh thoảng lại mỉm cười cúi chào du khách. Ít ai biết rằng, anh là người giữ nhiệm vụ giữ gìn cho lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Kỳ đài Huế.

 Lê Tiến Sĩ
Ngoài nhiệm vụ treo cờ, anh Lê Tiến Sĩ lại trở về với nhiệm vụ trực bảo vệ di tích Huế - Ảnh: BNL

Hai lần treo cờ lòng đầy xúc động

Tình cờ tôi biết được anh trong dịp cả nước treo cờ rủ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đến Kỳ đài Huế để ghi nhận hình ảnh nghi lễ treo cờ rủ quốc tang Đại tướng. Khi tôi đến Kỳ đài Huế, những người bảo vệ di tích Huế đang làm lễ treo cờ rủ trong nghi lễ Quốc tang Đại tướng. Sau phần nghi lễ, một người đàn ông dáng rất nhanh nhẹn thắt dây an toàn vào người rồi thoăn thoát leo lên cột cờ cao tới 60m. Anh cẩn trọng hạ lá cờ Tổ quốc có kích dài 12m, rộng 8m xuống 1/3 cột cờ rồi buộc vào đó dải lụa đen. Lá cờ đã thôi tung bay như nỗi tiếc thương của toàn dân tộc dành cho vị Đại tướng huyền thoại. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh chậm rải tụt xuống và trong khóe mắt anh tôi đã nhìn thấy một giọt lệ ngấn dài.

Sau này, gặp lại anh-người đàn ông có nhiệm vụ “chăm sóc” cho lá cờ Tổ quốc được mãi tung bay trên đỉnh Kỳ Đài-Huế, mới biết tên anh là Lê Tiến Sĩ, năm nay đã 42 tuổi, là một bảo vệ của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ treo cờ rủ trong lễ Quốc tang Đại tướng, anh Sĩ chia sẻ: “16 năm vào làm bảo vệ di tích Huế và được giao nhiệm vụ treo và hạ cờ trên đỉnh Kỳ đài, đây là lần thứ hai tôi treo lá cờ mà lòng dâng đầy cảm xúc xúc nhất”.

Anh Sĩ kể, trước đây anh là bộ đội thuộc Quân chủng Phòng không không quân đóng quân tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Năm 1993, sau khi xuất ngũ, anh trở về quê Quảng Bình làm nghề Đông y cùng gia đình. Đến năm 1997, anh được nhận vào làm việc tại Tổ bảo vệ Kỳ đài Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Tại đây, lần đầu tiên anh đã được vị tổ trưởng phân công treo cờ lên đỉnh Kỳ đài Huế. Lần đầu tiên leo lên đỉnh Kỳ đài để treo lá cờ Tổ quốc, anh đã vô cùng trự hào, xúc động. Khi về nhà anh đã lấy cuốn sổ tay và ghi vào nhật ký: “Hôm nay mình đã treo lên đỉnh Kỳ đài Huế là Kỳ đài lớn nhất Đông Nam Á, nơi đây đã diễn ra các sự kiện lịch sử trọng đại: ngày 23.8.1945 vua Bảo Đại thoái vị, lá cờ của cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được treo lên Kỳ đài. Ngày 23.8.1945, sau khi Bảo Đại thoái vị, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thay thế cho lá cờ hình quẻ ly của triều đình Nguyễn. Trong Sự kiện tết Mậu Thân năm 1968, 8 giờ sáng ngày 31.1.1968 quân giải phóng miền Nam chiếm được Kỳ đài và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trong 26 ngày đêm. Ngày 26.3.1975, sau khi giành thắng lợi trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lá cờ dài 12m, rộng 8m của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại được kéo lên Kỳ đài. Trong các sự kiện đó, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở nơi này vì nền độc lập, thống nhất nước nhà... Bây giờ đến lượt mình được gìn giữ, bảo đảm cho lá cờ Tổ quốc được mãi tung bay trên đỉnh Kỳ đài.”.

cờ Tổ quốc
 Anh Lê Tiến Sĩ với nhiệm vụ hạ cờ và treo cờ Tổ quốc trên đỉnh Kỳ đài Huế - Ảnh: Ngọc Vinh

Công việc không phải ai cũng làm được

Việc treo cờ trên đỉnh Kỳ đài Huế không phải ai cũng làm được. Ngoài anh Lê Tiến Sĩ ra hiện nay chỉ có thêm một người có thể làm được là anh Trần Thạch Cương, con trai nhà văn Hồng Nhu, nguyên Tổng biên tập tạp chí sông Hương. Do cũng có khả năng trèo cao và cẩn trọng mà anh Cương và anh Sĩ hiện nay là hai người được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo quản, treo và hạ cờ trên đình Kỳ đài Huế.

Anh Sĩ cho biết, dù năm nay đã đến tuổi 42, nhưng trong hàng ngàn lần leo lên Kỳ đài, anh chưa khi nào có một cảm giác run sợ hay choáng ngợp. Anh Sĩ cho biết, bình quân mỗi tháng sẽ thay một lá cờ mới. Nhưng nếu gặp thời tiết xấu cờ bị rách thì phải thay. Ngoài ra, những khi bão lũ cờ cũng sẽ được hạ xuống để bảo quản tránh hư hại do mưa bão. Trước các dịp lễ, tết cũng phải thay cờ mới. Toàn bộ công việc này hiện nay đều do anh Sĩ và anh Cương phụ trách.

“Nhiều người bảo khi trèo cao thì không nên nhìn xuống, vì sẽ ngợp và mất tinh thần. Nhưng mình thì phải vừa trèo vừa nhìn xuống, quan sát để cho lá cờ khỏi vướng vào các dây neo. Lá cờ rộng đến 8m, dài 12m, trọng lượng lên tới hơn 10kg, và khi nó đón gió sức nặng lại tăng lên gấp nhiều lần. Nếu không nhìn xuống thì làm sao điều chỉnh cho cờ được treo đúng vị trí để tung bay”- anh Sĩ chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng quản lý bảo vệ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, trước đây phòng đã giao trách nhiệm này cho nhiều người nhưng tất cả đều xin rút vì họ sợ độ cao và sức khỏe không cho phép. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cũng chia sẻ, đây là công việc mà rất ít người làm được. Vì vậy, nếu như sau này, anh Sĩ và anh Cương không thể đảm trách công việc này hoặc nghỉ hưu, cơ quan cũng đang lo là sẽ khó kiếm ra người thay thế.

Ngoài nhiệm vụ gìn giữ, bảo quản, treo và hạ cờ trên Kỳ đài Huế, anh Sĩ và anh Cương còn phải đi trực bảo vệ di tích luân phiên theo sự phân công của đơn vị như bất cứ nhân viên bảo vệ nào khác. Mỗi tháng, hai anh được phụ cấp thêm mỗi người 250.000 đồng, cho nhiệm vụ treo cờ cửa mình. Thu nhập chẳng là bao, nhưng với họ được làm nhiệm vụ treo lá cờ Tổ quốc ở vị trí trang trọng nhất của Kinh thành Huế cũng là một vinh dự.

Kỳ đài Huế thường được người dân cố đô Huế gọi là cột cờ Phu Vân Lâu (vì nó nằm ngay sau Phu Văn Lâu - Huế.  Kỳ đài Huế được chính thức xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão 1807) lúc đầu còn đơn giản, đến thời vua Minh Mạng, Kỳ đài Huế liên tục được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ, năm 1948, cột cờ bằng bê tông cốt sắt với tổng chiều cao 37m như hiện nay. Ngày nay, bên cạnh Ngọ Môn- Lầu Ngũ Phụng và các công trình tiêu biểu khác, Kỳ đài Huế đã trở thành biểu tượng tiêu biểu của di sản Huế gắn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc VN.

Bùi Ngọc Long

>> Cờ Tổ quốc trên tàu ngầm Hà Nội
>> Bốn đời may cờ Tổ quốc
>> Khởi công xây cột cờ Tổ quốc ở Lý Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.