Vừa đặt 2 túi chuối xuống đất, chỉ kịp nghỉ ngơi mấy phút trên chiếc ghế đá, ông đã nhanh nhảu đi tới từng gốc cây lớn, bỏ lại mỗi gốc mấy trái chuối. Mỗi trái chuối ông còn cẩn thận bẻ làm đôi, làm ba. Cứ như thế, công việc lặp đi lặp lại, người đàn ông cứ “chia” chuối tại mỗi gốc cây cho tới lúc số chuối trong 2 chiếc túi lớn không còn một trái. Thấy công việc chia chuối đặt dưới gốc cây, tôi rất tò mò, và tự hỏi không biết ông ta làm vậy là để làm gì.
|
Ông giải thích việc chia chuối đặt dưới mỗi gốc cây to là giúp những con sóc sống hoang dã trên những cành cây cổ thụ trong công viên có miếng ăn hằng ngày. Ông Vang kể: “Công việc mang chuối cho những con sóc hoang ở công viên này tôi làm hằng ngày, và đã duy trì đều đặn hơn chục năm nay.
Thoạt đầu tôi đi tập thể dục ở trong công viên, thấy bầy sóc đông, thỉnh thoảng có người mang chuối, trái cây thừa hoặc sắp hỏng ở nhà ra đặt dưới gốc cây cho chúng, và chúng leo xuống ăn ngon lành, nên tôi cũng bắt chước làm theo. Từ đó hầu như không có ngày nào là tôi không mang chuối ra công viên cho chúng ăn...”.
Ông Vang kể, bầy sóc trong công viên khá nhiều, có tới cả vài trăm con. Ông nói việc mình làm không phải là đơn độc, cách đây nhiều năm có một cụ bà cũng mỗi ngày mang trái cây ra công viên cho sóc ăn, nhưng thời gian gần đây không hiểu vì lý do gì không thấy bà cụ xuất hiện nữa. Rồi ông còn khoe với tôi, do đã quá thân thuộc với lũ sóc, nên có những khi ông có thể huýt sáo gọi chúng xuống ăn, mặc dù đặc tính của các con sóc là nhút nhát, sợ người, nhưng dường như chúng coi ông là bạn, là “ân nhân”, nên một vài con còn dám tiến sát đến tận bên ông mà không sợ hãi...
Khi tôi hỏi về nguồn chuối và mức tiền mỗi ngày ông bỏ ra để mua đồ ăn cho những con sóc mà không mang lại nguồn lợi lộc nào, ông cười nói: “Ngay trước nhà tôi có người bán trái cây, chủ yếu là chuối, vì thế các trái chuối dập nát, chín quá, họ toàn gom lại và cho tôi để mang vào công viên cho sóc ăn mỗi ngày. Nếu bữa nào nguồn chuối dập nát ít, tôi cũng bỏ ra chút ít tiền để mua, gọi là làm phúc, mang lại miếng ăn và chút niềm vui cho lũ sóc.
Tôi từng nghe thấy có vài người bàn tán việc tôi mang chuối cho sóc ăn là “rỗi hơi” hay “hâm, dở hơi”..., nhưng kệ họ, bởi xã hội mà, ai che miệng được thế gian, họ muốn nói gì thì nói. Hơn nữa việc tôi làm đại đa số ủng hộ, khuyến khích nên tôi cũng thấy vui và cứ làm...”.
Từ chuyện bắt gặp tình cờ, không khỏi làm tôi suy nghĩ, xã hội luôn có rất nhiều người tốt, tử tế không chỉ với đồng loại bằng lòng hảo tâm qua những sự san sẻ đóng góp tiền bạc của cải của mình để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn..., mà cũng có không ít người như ông Vang, dành cả tình yêu thương cho những con vật sống hoang dã, mà không mong chút vụ lợi nào cho bản thân.
Bình luận (0)