Như Thanh Niên đã đưa tin, mới đây, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - công nghệ thuộc Liên hiệp các Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ký giới thiệu "người có khả năng cầu mưa nhưng chưa kiểm chứng" cho Chi cục Thủy lợi TP.HCM đang gây xôn xao dư luận.
Người được giới thiệu có khả năng cầu mưa này là ông Lê Minh Hoàng (sinh năm 1967, thường trú Hà Nội).
Trả lời PV, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, không khẳng định cũng không phủ định khả năng cầu mưa của ông Hoàng. Ông Hoàng đã nhiều lần tìm gặp trực tiếp và tiến sĩ Điệp đã ký 10 công văn gửi đến các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi TP.HCM và các tỉnh phía Nam giới thiệu về "khả năng cầu mưa nhưng chưa được kiểm chứng" của ông Hoàng.
Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông Lê Minh Hoàng - người tự nhận cầu được mưa cho TP.HCM về nội dung này.
Người tự nhận “cầu mưa cho TP.HCM” khiến hàng xóm bất ngờ
"Trời ban cho tôi"
PV: Theo giới thiệu của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, ông có khả năng cầu mưa cho TP.HCM. Ông có thể thiệu cụ thể về cách cầu mưa này?
Tôi chỉ có thống nhất chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn rồi hỏi ý kiến một số người dân dẫn tôi xem một số điểm hạn hán, tôi về cầu nguyện cho là được mưa.
Tôi gửi văn bản vào đó để cơ quan chức năng, chờ họ gửi giấy mời ra cho đúng pháp luật, tôi vào đó tôi giúp cho chỉ có mấy hôm là mưa.
PV: Có mưa hay không là do tác động của nhiều yếu tố, làm sao ông có thể can thiệp bằng cách lập đàn cầu mưa?
Tôi đi giúp các tỉnh trong nước này mấy chục năm nay rồi. Gần đây nhất năm ngoái tôi giúp cho một tập đoàn để có đủ nước phát điện, một số tỉnh thành, nhiều lắm.
PV: Ở các lần trước, ông có phải gửi công văn thông qua cơ quan chức năng hay lãnh đạo công ty hay không?
Có, tôi làm việc với tập đoàn hoặc các tỉnh bị hạn hán đấy. Ví dụ tỉnh một tỉnh miền Tây đang bị hạn hán, tôi cần biết bao nhiêu hecta bị hạn hay toàn tỉnh. Nếu nói toàn tỉnh thì tôi xin cho toàn tỉnh, khoảng bao nhiêu hecta thì xin trên bao nhiêu hecta, mấy huyện thì xin trên mấy huyện. Xin cụ thể chứ không xin vu vơ. Xin cụ thể thì được, xin vu vơ thì không được, xin để đùa thay thử xem có mưa hay không là không được. Xin là phải thật, ý trời là phải thật chứ trời không được đùa.
PV: Như vậy ông căn cứ vào yếu tố nào để cầu mưa và xác định được có mưa hay không mưa?
Tức là như kinh nghiệm của tôi, mình nói nôm na dễ hiểu là trời ban cho tôi đi đến các tỉnh giúp họ vì họ không biết là xin được trời mà họ cứ làm theo ý họ nên không được. Tôi được trời chỉ cho cụ thể là tôi đến xin cho rồi tôi hướng dẫn cho từ bây giờ thế nào là không bị hạn hán vậy nữa.
PV: Ông nhận ra khả năng đặc biệt này của mình từ khi nào?
Cũng hơn 20 năm nay rồi. Trong miền Nam tôi từng giúp 2 tỉnh. Ngoài Bắc thì tôi giúp mấy chục năm rồi. Gia đình tôi kinh tế trước làm lao động có chút thu nhập, tôi toàn đi giúp chẳng lấy tiền của ai cả. Thấy thương thì tôi đến xin cho, nơi người ta mời ăn bữa cơm, nơi người ta chẳng mời tôi cũng cảm ơn tôi đi về.
"Người dân càng muốn mưa nhanh thì mưa đến nhanh"
PV: Vì sao ông định cầu mưa cho TP.HCM?
Tôi đọc báo thì thấy nắng nóng. Nhưng tôi điện vào cơ quan chức năng họ bảo mình chỉ có khả năng đặc biệt chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng nên phải nhờ đơn vị nào đó họ đứng lên có tư cách pháp nhân đứng lên giới thiệu thì họ mới tiếp đón mình, còn tự mình đi thì họ không tiếp đón. Tôi nhờ bên Trung tâm Tiềm năng con người giới thiệu tôi vào.
PV: Ngoài Chi cục Thủy lợi TP.HCM, ông nộp đơn các đơn vị nào, có đơn vị nào phúc đáp ông chưa?
Có mỗi TP.HCM họ báo nhận được công văn của tôi rồi, đang xin ý kiến lãnh đạo, các tỉnh kia thì chưa. Tôi gửi nhiều nơi, một vài tỉnh Nam bộ, tôi đang gửi tiếp nhưng thứ bảy, chủ nhật không gửi được.
Tôi muốn trình bày với UBND TP.HCM là tiến hành ngay đi không là thiệt hại kinh tế lắm. Tôi vào tôi giúp cho. Mưa không thống nhất là 3 hay 4 ngày, có lúc là vài tiếng sau mưa, cơ bản là lòng khát khao của người dân địa phương ở đấy, càng muốn mưa nhanh bao nhiêu thì mưa càng đến nhanh bấy nhiêu chứ không nhất thiết. Thường thường tôi có ghi chép, nếu các cơ quan chức năng cần thiết tôi đưa ghi chép cho tự khắc tới ngày mưa nhanh nhất bao nhiêu giờ, chậm nhất bao nhiêu giờ.
PV: Ông còn giữ giấy tờ cách đây mấy năm anh cầu mưa ở Ba Bể có xác nhận của chính quyền, ông có thể cung cấp các văn bản đó?
Tôi báo cáo với tiến sĩ là mình và nhà báo, cơ quan chức năng vào cuộc để bàn. Đây không phải việc nhỏ nữa mà việc đại sự rồi, hầu như tất cả các tỉnh phía Nam đều bị, không còn là chuyện nhỏ nữa. Đưa lên báo rầm rộ không mang lại kết quả gì. Tôi muốn xin Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cử hẳn đơn vị nào có tâm huyết vào cuộc chứ đừng đứng bên ngoài xin thông tin đưa lên. Báo gì chịu trách nhiệm làm gì thì tôi cung cấp.
Tôi đang sống tại Hà Nội nhưng tôi điện cho TP.HCM sớm quyết định để tôi bay vào rồi giúp cho, không phải chỉ giúp cầu mưa, mà tôi còn cho giải pháp để năm sau không bị nữa.
PV: Công việc chính của ông là gì?
Tôi chủ yếu nghiên cứu biến đổi khí hậu nguyên nhân tại sao và cách khắc phục thế nào. Tôi đi vào tận Cà Mau, các tỉnh trong đấy xem tình hình từng nơi một. Nhìn thấy người ta vậy mình khổ tâm quá không ăn không ngủ được, phải vào trong đó để xem tình hình thế nào.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết Chi cục Thủy lợi có báo cáo về đề xuất của Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - công nghệ. Hiện, Chi cục Thủy lợi đang nghiên cứu phúc đáp văn bản trên.
Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, vị này cho rằng rất khó để xem xét đề xuất của trung tâm này vì chính người đề xuất còn chưa chắc chắn về khả năng cầu mưa.
Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, ở thời điểm hiện tại, TP.HCM và Nam bộ, hình thế thời tiết tác động đó là trên cao áp cao tây Thái Bình Dương khống chế khu vực Nam Trung bộ. Dưới tầng thấp, áp thấp nóng phía tây hoạt động mạnh, lấn về phía đông nam, làm cho cả khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ đều nằm trong trường phân kỳ. Quá trình hình thành mây tầng thấp rất kém.
"Ở TP.HCM với những điều kiện nhiệt độ không khí cao, không khí rất khô, tức là độ ẩm không khí thấp, ban ngày chỉ 30 - 35%; trong khi điều kiện thuận lợi hình thành mây gây mưa là độ ẩm không khí phải từ 89 - 90% nên không thể có mưa. Dưới góc độ khoa học, đây là điều không thể. Vậy nên cầu mưa được cho TP.HCM lúc này thì giống truyện thần thoại", ông Quyết nêu ý kiến.
Bình luận (0)